| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến& sự ra đời tộc người Pa Cô

Thứ Sáu 10/12/2010 , 09:24 (GMT+7)

Đến A Lưới (tỉnh TT- Huế) chưa nghe chuyện dân gian về người Pa Cô xem như chưa thẩm thấu hết văn hóa của vùng đất này…

5 cô gái mang 5 sắc phục đại diện cho 5 dân tộc anh em (đứng đầu tiên là sắc phục của người Pa Cô) bên nhà dài truyền thống của người Pa Cô

Truyền thuyết về cuộc chiến giành đất đai, nguồn nước uống với người láng giềng và sự hình thành dân tộc Pa Cô trong cộng đồng dân tộc Việt luôn được nhắc đến trong câu chuyện của các già làng, trưởng bản bên bếp lửa ấm khi mùa lễ hội về.

>> Qua miền cá thính
>> Mãnh tướng Phan Đà
>> Huyền thoại về Phan Đà

Đến A Lưới (tỉnh TT- Huế) chưa nghe chuyện dân gian về người Pa Cô xem như chưa thẩm thấu hết văn hóa của vùng đất này…

Câu chuyện sau đây do cụ  Hồ Dui (89 tuổi ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới), kể cho chúng tôi nghe và Hồ Văn Núi, cán bộ văn hóa xã Hồng Kim phiên dịch lại.

Miềng (mình) là người Pa Cô, từ nhỏ lớn lên đã nghe ông bà truyền lại nên giờ kể cho con cháu nghe thôi. Chuyện dân gian về dân tộc miềng thì nhiều lắm, nghe cả ngày không hết, song chuyện các cụ nhắc nhiều nhất vẫn là truyền thuyết về sự hình thành dân tộc Pa Cô và cuộc thách đố giữa 2 nhà giàu, một bên đại diện cho người Pa Cô, một bên là dân tộc láng giềng dẫn đến dân tộc miềng phải rời bỏ vùng đất đã định cư, đi về hướng núi để sinh sống.

Ngày xưa, vào cái thuở hồng hoang, người Pa Cô sinh sống và làm ăn gần với ruộng đồng và nguồn nước cùng với các dân tộc anh em khác. Họ đốn cây làm nhà, đan lưới từ vỏ cây để bắt cá tôm, khai hoang ruộng đồng để có lương thực. Cứ mùa vụ trước lấy hạt cây làm giống cho mùa vụ sau. Cứ thế, đời sống người Pa Cô với các dân tộc anh em khác rất hòa thuận.

Trải qua bao năm tháng, khi nhu cầu về sản xuất, đời sống vật chất được nâng cao thì cũng là lúc trong cộng đồng người Pa Cô và các dân tộc láng giềng có mâu thuẫn với nhau mà đại diện là hai nhà giàu, có thế lực (trong quan niệm của người Pa Cô, “nhà giàu” tượng trưng cho tầng lớp quý tộc, có thế lực mạnh, thống lĩnh cả dân tộc giống như quan niệm về vua chúa của người Kinh). Mâu thuẫn trong cộng đồng càng dâng lên đỉnh điểm, những vị có quyền thế trong làng đành họp bàn để tìm ra một người đại diện cho một dân tộc được quyền chiếm lĩnh vùng đất mà họ đang sinh sống để lập chính quyền, kinh đô.

Cuộc thi nhanh chóng được các chức sắc trong làng thông qua. Đó là trong một đêm, phải xây cho xong một tòa thành, nếu phía đối phương bị thua thì phải dắt díu thôn dân trong làng rời khỏi vùng đất, nguồn suối mình đang sinh sống. Sau cuộc họp bàn chớp nhoáng, các chức sắc trong làng người Pa Cô và dân tộc láng giềng liền huy động trai bản chặt cây, khuân đá, đắp đất xây thành. Những phụ nữ thì lo công việc tiếp tế lương thực cho trai bản.

Người Pa Cô với bản tính thật thà, đã huy động cả dân làng kiệt sức trong một đêm để xây cả một bức thành kiên cố; còn bộ tộc láng giềng với trí thông minh của mình đã chọn những vật liệu nhẹ, đắp đất xây một bờ thành mỏng, tạm bợ. Sáng hôm sau, khi bình minh ló rạng cũng là lúc công việc xây thành được chấm dứt. Thành của người Pa Cô vẫn xây chưa xong, trong khi bức thành của người láng giềng đã hoàn chỉnh, cắm cờ trên nóc.  

''Trong ký ức người trẻ đến những già làng Pa Kô đã sống qua hơn một trăm mùa lúa đều có những câu chuyện truyền thuyết về gốc tích, sự hình thành của dân tộc mình''- cụ Hồ Dui bộc bạch

Theo như giao ước ban đầu của hai “nhà giàu” người Pa Cô phải rời khỏi vùng đất mà mình đang sinh sống. Họ dắt díu cả bản làng đi mãi, đi mãi về hướng tây, vượt qua bao nhiêu suối đèo, cuối cùng dừng chân ở dưới chân núi, nơi có những triền dốc họ có thể canh tác và những con suối để có nước uống. Cuộc sống của người Pa Cô từ đó tuy ở vùng cao nhưng những việc trao đổi, buôn bán vẫn diễn ra với người đồng bằng. Họ trồng lúa, sắn rẫy, đào ao nuôi cá, mua vải về dệt zèng (thổ cẩm) để có áo mặc, mang những sản vật làm được về trao đổi với miền xuôi. Bởi thế, từ Pa Cô hiện nay có nghĩa là đi về hướng núi, người từ hướng núi.

Truyền thuyết xưa nghe ông bà kể lại đã chứng minh sức mạnh, tính cách thật thà, chịu khó của người Pa Cô và sự thông minh của bộ tộc láng giềng. Thắng thua là lẽ thường tình trong cuộc sống, điều quan trọng người Pa Cô cũng như cộng đồng các dân tộc anh em đã góp phần khai hoang, mở mang vùng đất về phía tây của tổ quốc.

"Từ đời này sang đời khác, bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Pa Cô vẫn lưu giữ bản sắc rất riêng với những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo và trong ký ức người trẻ đến những già làng Pa Kô đã sống qua hơn một trăm mùa lúa đều có những câu chuyện truyền thuyết về gốc tích, sự hình thành của dân tộc mình", cán bộ văn hóa xã Hồng Kim Hồ Văn Núi cho hay.

Ngày xưa, khi người Pa Cô khai hoang vùng đất mới, bỗng một hôm trời mưa như trút nước, mưa từ tháng này qua tháng nọ ngập ruộng đồng, bản làng. Nước dâng cao như muốn nuốt chửng hết cả núi đồi. Biết trước ngày trái đất bị ngập nước, vạn vật không còn cơ may sống sót, người Pa Cô đã đục một thân cây lớn đủ cho hai người chui lọt vào trong. Trong thân gỗ có đủ các dụng cụ có thể sống được dài ngày.

Khi nước dâng cao, cây gỗ như một chiếc thuyền dập dềnh trôi mãi trong biển nước. Đến ngày nước rút, đến vùng đất có cỏ xanh tốt, nương đồi rộng rãi, người Pa Cô đã đục thủng thân cây chui ra ngoài để tìm vùng đất định cư lâu dài. Hai người có cơ may sống sót đã sinh được 10 người con, 5 trai, 5 gái. Theo lời khuyên của bố mẹ, để duy trì nòi giống, họ đi mãi, đi mãi không nơi nào là không có dấu chân của họ đặt đến để tìm người bạn đời.

Nhưng qua bao năm tháng vẫn không tìm thấy con người để xây dựng cuộc sống. Những người con gái, con trai năm xưa trở về, đủ đôi đủ cặp, họ gặp lại nhau trong mừng tủi cùng bố mẹ già. Từ đó, những người con Pa Cô xây dựng gia đình, lập làng lập xóm. Dừng chân nơi vùng đất xanh tốt, có cỏ để chăn nuôi, có đất để đến mùa vụ xuống giống, họ chăm lo sản xuất và trở thành một trong những “nhà giàu” đầu tiên cho sự hình thành nguồn gốc của người Pa Cô ngày nay.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Mưa dông, lốc sét làm thiệt hại gần 3.700ha hoa màu và 175ha rừng

Từ đêm 30/4 đến sáng 3/5, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra mưa dông khiến nhiều tài sản, cây cối, hoa màu của người dân bị thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.