| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chơi với EU không chỉ là câu chuyện chi phí rẻ

Thứ Tư 07/12/2022 , 08:09 (GMT+7)

Các chuyên gia kinh tế nhận định, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh, sản phẩm bảo vệ môi trường và sản phẩm hữu cơ.

Ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU được xóa lập tức. Nhiều ngành hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Tại Tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, EVFTA giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư, không chỉ ở tổng số vốn mà còn là quy mô trung bình của các dự án (hiện khoảng 12 triệu USD).

Theo ông Dương, các nhà đầu tư EU đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Những thị trường có FTA với EU sẽ là một điểm cộng để nhà đầu tư EU cân nhắc trong việc tận dụng ưu đãi thuế, ưu đãi về quy tắc xuất xứ", ông phân tích.

Có lợi thế về thu hút vốn, nhưng Việt Nam sẽ gặp khá nhiều thách thức, Trưởng ban Nguyễn Anh Dương nhận định. Từ kinh nghiệm làm việc nhiều năm với EU, ông nhận định: Cuộc chơi với EU không chỉ là câu chuyện chi phí rẻ, mà còn gắn với tiêu chuẩn, gắn với ý thức để đóng góp phát triển bền vững.

Một trong những câu chuyện được quan tâm nhất hồi cuối năm 2022 liên quan đến EU chính là các buổi làm việc với Đoàn kiểm tra EC về gỡ thẻ vàng IUU. Và đây chỉ là một nhóm vấn đề được các nhà đầu tư EU quan tâm khi đổ dòng tiền vào. Họ quan niệm, rằng cùng với việc hỗ trợ chuyển giao kỹ năng, đối tác Việt Nam cũng cần điều chỉnh hành vi theo hướng tương thích, hiện đại hơn.

"EU không không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp mà họ quan tâm hơn tới khả năng đáp ứng yêu cầu", ông Dương nói.

Tận dụng Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp trong nước đã tăng cường nhập khẩu máy móc, trang thiết bị hiện đại từ EU.

Tận dụng Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp trong nước đã tăng cường nhập khẩu máy móc, trang thiết bị hiện đại từ EU.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2020. 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt trên 52 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%.

Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngày càng mở rộng, bên cạnh những nước truyền thống như Đức, Pháp, Hà Lan, các thị trường nhỏ, thị trường ngách như khu vực Bắc Âu, Nam Âu hay là khu vực Đông Âu cũng đều có sự hiện diện của hàng Việt Nam.

Về nhập khẩu, Việt Nam tăng trưởng nhiều ở nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu từ khu vực EU. Nhóm sản phẩm này chiếm 24% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm. Ngoài ra, nhóm hàng máy móc, thiết bị đạt tỷ trọng trên 18%; nhóm nguyên liệu phục vụ sản xuất trên 10%.

Ông Đỗ Hữu Hưng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận xét: "Các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA để nhập khẩu thiết bị máy móc, nguồn nguyên liệu từ châu Âu. Từ những trang bị này, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và tăng được kim ngạch xuất khẩu cho cả nước".

Tuy nhiên, giống khuyến cáo của ông Nguyễn Anh Dương, ông Hưng đề nghị doanh nghiệp trong nước quan tâm hơn nữa đến những tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, xã hội của EU. Từ kinh nghiệm trong thời gian làm Thương vụ Việt Nam tại Pháp, ông Hưng cho rằng người tiêu dùng châu Âu hiện quan tâm nhiều đến các sản phẩm xanh, các sản phẩm bảo vệ môi trường và các sản phẩm hữu cơ.

"Chúng ta cần tận dụng nguồn đầu tư của châu Âu, tận dụng nguồn máy móc, nguyên liệu và công nghệ của họ để thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, và phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Chúng ta nên sản xuất những sản phẩm thị trường cần", ông nhấn mạnh.

Chung quan điểm, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Đức đặc biệt quan tâm đầu tư đến những ngành về công nghệ cao, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

"Phía Đức luôn đánh giá Việt Nam là môi trường đầu tư tiềm năng với vị trí địa lý chiến lược và nền kinh tế phát triển, cùng với nền xã hội chính trị ổn định, dân số trẻ, ham học hỏi, năng động", bà Trang bày tỏ.

Bày tỏ mong muốn hợp tác, trao đổi công nghệ, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực, bà Trang cho biết phía Đức mong muốn đẩy hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam lên mức 30%, thay vì 4-5% như hiện tại. 

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.