| Hotline: 0983.970.780

'Cuộc cờ' của Bình Định ở vụ hè thu

Thứ Ba 20/07/2021 , 19:00 (GMT+7)

Vụ hè thu 2021, Bình Định bố trí sản xuất như 'chơi cờ', tính toán kỹ từng để ra nước tiến, nước lùi từ lịch thời vụ, phân bổ nước tưới…

Bước tiến, bước lùi

Trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu 2021, các hồ chứa trên địa bàn Bình Định còn được 437 triệu/590 triệu khối nước, đạt 74% dung tích thiết kế. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, trong giai đoạn sản xuất vụ hè thu, thời tiết sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.

Bình Định dự báo có nguy đối mặt với nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài. Do đó, ngành chức năng Bình Định đã bố trí sản xuất như “chơi 1 cuộc cờ”, tính toán từng "bước tiến, bước lùi" để quyết tâm giành thắng lợi.

Bình Định đã chủ động đưa ra kịch bản kỹ lưỡng cho gieo cấy vụ hè thu 2021 căn cứ vào tình hình hồ chứa . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định đã chủ động đưa ra kịch bản kỹ lưỡng cho gieo cấy vụ hè thu 2021 căn cứ vào tình hình hồ chứa . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, “bước tiến” của ngành nông nghiệp Bình Định trong vụ hè thu này là lịch thời vụ được đẩy sớm hơn 10-15 ngày so với các tỉnh trong khu vực miền Trung.

Lịch thời vụ “không giống ai” này của Bình Định đã cho thấy hiệu quả suốt 10 năm qua. “Gieo sạ sớm sẽ tận dụng được nước còn lại trên đồng ruộng từ vụ đông xuân, cuối vụ né được mưa sớm, mà mùa mưa ở Bình Định thường xuyên đến sớm. Ngoài ra, gieo sạ sớm thì khi lũ tiểu mãn xảy ra, lúc ấy cây lúa đã đóng chông nên không sợ bị hư giống.

Cũng theo ông Chương, “bước lùi” của ngành nông nghiệp Bình Định trong vụ hè thu này là sau khi cân đối nguồn nước còn trong các hồ chứa và theo dự báo thời tiết, sẽ không tổ chức sản xuất lúa ở những vùng nguy cơ cao bị thiếu nước tưới để tránh thiệt hại cho nông dân.

Trong vụ hè thu năm nay, những vùng phía tây và phía bắc huyện Phù Mỹ có một số diện tích phải bỏ trắng không sản xuất, hoặc phải chuyển từ trồng lúa sang trồng cây màu. Bởi hệ thống cung ứng nước tưới cho những vùng này toàn là những hồ chứa nhỏ, nên nguy cơ thiếu nước là rất cao.

Hoặc như ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), vùng ruộng này ăn nước của hồ Thủ Thiêm, nhưng trước vụ hè thu thấy hồ này hết nước nên Sở NN-PTNT phải làm việc với UBND huyện Tây Sơn đề nghị bỏ trắng một số diện tích không sản xuất lúa vụ này.

Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, bước vào sản xuất vụ hè thu năm nay, lượng nước trong các hồ chứa ở Bình Định còn khá hơn mọi năm, nên diện tích bỏ trống không sản xuất giảm nhiều so với cùng kỳ, chỉ còn 1.545 ha, trong khi vụ hè thu năm 2020 diện tích phải bỏ trống lên tới 5.600 ha. Diện tích sản xuất lúa vụ hè thu năm nay cũng nhiều hơn năm trước, từ 38.062 ha tăng lên 41.316 ha nhờ nước tưới dồi dào.

Cầm chắc thắng lợi

Thắng lợi đầu tiên trong vụ hè thu năm nay mà ngành nông nghiệp Bình Định đạt được là không có nơi nào bị thiếu nước tưới. Hiện lúa vụ hè trên chân đất sản xuất 3 vụ/năm ở Bình Định đã thu hoạch được 1.926 ha, còn khoảng gần 5.600 ha lúa đã vào chín nên không cần “ăn” nước nữa.

Lúa vụ hè năm 2021 ở Bình Định hiện đã thu hoạch được gần 2.000 ha, năng suất khoảng 65 tạ/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lúa vụ hè năm 2021 ở Bình Định hiện đã thu hoạch được gần 2.000 ha, năng suất khoảng 65 tạ/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diện tích lúa vụ thu 33.805 ha hiện đã được 60-70 ngày, chỉ còn khoảng 30 ngày nữa là thu hoạch. Trong quãng thời gian này, cây lúa vụ thu chỉ cần “ăn” 3 lứa nước nữa là kết thúc. Trong khi tính đến cuối tháng 6/2021, các hồ chứa trên địa bàn Bình Định còn được 243/588 triệu m3 nước, đạt 41,3% dung tích thiết kế, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Với lượng nước hiện có, Bình Định không chỉ cung cấp đủ nước cho lúa vụ thu mà còn thoải mái cung cấp cho diện tích lúa vụ 3 năm 2021. Theo kế hoạch, vụ 3 (vụ mùa) Bình Định sẽ sản xuất 7.663 ha, trong đó có 4.134 ha lúa sạ và 3.529 ha lúa gieo khô.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu, ngành nông nghiệp tỉnh này đã tính toán, phân chia cụ thể từng vùng sản xuất. Những vùng “ăn” nước của những hồ chứa nhỏ, chủ yếu ở 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát có nguy cơ thiếu nước tưới được bố trí sản xuất vụ hè.

Ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân 2020-2021, các địa phương vận động nông dân làm đất xuống giống ngay để tận dụng nước còn lại trong ruộng từ vụ đông xuân nhằm tiết kiệm nước, nếu xảy ra hạn gắt chỉ còn phải lo nước tưới vào cuối vụ.

Lúa vụ thu Bình Định bố trí sản xuất ở những vùng chủ động nước, chủ yếu các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Nam Phù Cát và Thị xã An Nhơn. Những vùng này lấy nước của lưu vực sông Kôn - Định Bình, nên từ giờ đến khi thu hoạch còn khoảng 1 tháng nữa thì không lo thiếu nước.

Ngành chức năng Thị xã An Nhơn (Bình Định) kiểm tra sinh trưởng, phát triển của cây lúa vụ thu năm 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng Thị xã An Nhơn (Bình Định) kiểm tra sinh trưởng, phát triển của cây lúa vụ thu năm 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện chúng tôi chỉ còn lo cho những vùng sản xuất lấy nước hệ thống sông Lại Giang (Thị xã Hoài Nhơn), nhưng trong những ngày qua về chiều thường có mưa nên cũng đỡ căng thẳng nước tưới. Còn đồng ruộng ở huyện trung du Hoài Ân thì chủ yếu sử dụng nước trạm bơm nên cũng không sợ thiếu", ông Hồ Đắc Chương cho biết.

Theo tính toán, diện tích lúa vụ thu của Bình Định có khả năng thiếu nước vào cuối vụ chỉ có 97 ha; trong đó, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) thiếu 50 ha, xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) thiếu 17 ha và phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) thiếu 30 ha.

“Sản xuất vụ hè thu năm nay hanh thông nhờ ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh tính toán kỹ lưỡng lượng nước trong các hồ chứa và các vùng phải cung cấp nước. Sau đó khoanh vùng, xác định vùng nào đủ nước, vùng nào không đủ nước để bố trí phù hợp.

Hiện lúa hè thu ở Bình Định đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Dự kiến năng suất bình quân đạt ngang vụ hè thu năm ngoái (gần 65 tạ/ha), ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đánh giá.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.