| Hotline: 0983.970.780

Cuộc đua giống cỏ: Cần sớm 'cởi trói'

Thứ Sáu 07/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cục BVTV khẳng định, kể cả khi một giống cỏ mới đã được Cục Trồng trọt công nhận giống, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA), DN sẽ vẫn không được phép NK để kinh doanh thương mại./ 3 cục quản 1 hạt cỏ

Xung quanh những vấn đề liên quan tới thủ tục đánh giá nguy cơ dịch hại đối với giống cây thức ăn chăn nuôi (NNVN đã phản ánh trong bài “Cuộc đua giống cỏ: 3 cục quản 1 hạt cỏ”), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục BVTV.

17-14-42_dscf2038

Nhiều đơn vị, DN muốn NK khảo nghiệm để đưa ra kinh doanh các giống cây làm thức ăn cho gia súc đang rất ái ngại về thủ tục PRA, vậy những trường hợp nào thì buộc phải phân tích PRA, trường hợp nào không phải phân tích PRA thưa ông?

Theo quy định tại Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục vật thể thuộc diện bắt buộc phải thực hiện PRA trước khi NK vào Việt Nam thì cỏ và hạt cỏ các loại đều phải tiến hành phân tích PRA trong các trường hợp:

Một là lần đầu tiên NK vào Việt Nam; hai là có xuất xứ mới. Ví dụ: Cùng là loại cỏ khô Alfalfa, hiện chúng ta đã cho phép NK từ Mỹ, nhưng DN muốn NK từ Trung Quốc hay Úc chẳng hạn thì vẫn phải thực hiện PRA đối với từng nước mới. Bởi tình hình, đối tượng và thành phần dịch hại tại mỗi nước là khác nhau. Đây cũng là quy định chung theo thông lệ quốc tế chứ không chỉ mỗi chúng ta áp dụng.

Ví dụ: Cùng là quả vải, nhưng khi Việt Nam muốn XK sang Mỹ phải thực hiện PRA riêng với Mỹ, khi XK sang Úc lại phải thực hiện PRA với Úc… Ngược lại như táo New Zealand, Mỹ chúng ta đã cho phép NK, nhưng táo Ba Lan ta vẫn chưa cho NK bởi chưa hoàn thành xong phân tích PRA.

Còn lại, các loại cỏ và giống cỏ đã từng NK vào Việt Nam, với điều kiện chúng ta có thông tin và bằng chứng chứng minh an toàn về nguy cơ dịch hại thì DN có thể NK bình thường. Ví dụ cỏ Alfanlfa đã từng NK về Việt Nam từ lâu, qua kiểm tra những năm qua cho thấy cỏ NK về được xử lí hấp, sấy rất tốt, không bị lẫn hạt cỏ, không nhiễm các đối tượng dịch hại nên hiện các Cty bò sữa trong nước hàng năm vẫn được NK về bình thường.

Hiện chúng ta cũng đã thực hiện phân tích PRA và cho phép NK đối với nhiều loại cỏ, cao lương và giống cỏ từ một số nước, cụ thể Mỹ có 6 giống; Thái Lan có 14 giống; Úc có 7 giống, tuy nhiên lượng NK về mỗi năm là rất ít.

Theo nhu cầu NK cỏ và giống cỏ của các DN trong nước, hiện Mỹ, Úc… cũng đã gửi cho Việt Nam hồ sơ đăng ký phân tích PRA đối với nhiều giống khác nhau.

Vậy như cao lương, yến mạch… là giống đã được trồng tại Việt Nam từ lâu, bây giờ các DN muốn NK về kinh doanh làm thức ăn chăn nuôi thì có phải phân tích PRA không?

Theo quy định, cao lương hay bất kỳ giống cây gì mà lần đầu tiên NK về Việt Nam hay NK về ở xuất xứ mới thì đều phải thực hiện PRA, mặt khác giống cao lương ở nước ta sẽ khác so với các nước, ví dụ các giống cao lương cho thức ăn gia súc là cao lương lai F1.

17-14-42_img_5470
Cần có cơ chế thông thoáng để các giống cỏ tốt sớm đưa vào Việt Nam

Tuy nhiên, với chủ trương giúp đi tắt đón đầu tiến bộ KH-KT mới, đặc biệt là phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi, chúng ta cũng đang tạo điều kiện thông thoáng theo hướng ưu tiên cho phép các dự án, các đơn vị, DN nhập khẩu các giống cây thức ăn gia súc về khảo nghiệm, chọn tạo giống.

"Trước đây, cũng đã từng có tình trạng DN cố tình vi phạm, NK về để bán làm giống, bởi quy định xử phạt hành chính còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Chẳng hạn họ NK về 200 - 300 kg hạt giống cỏ nhưng chỉ bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng thì sẵn sàng vi phạm. Vì vậy tới đây, sẽ phải sửa đổi quy định xử lí nặng, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy luôn, chứ không chỉ phạt", ông Hoàng Trung.

Đơn vị nghiên cứu, DN có nhu cầu NK giống cỏ, cao lương về khảo nghiệm, nghiên cứu với lượng nhỏ 200 - 300 kg chẳng hạn thì Cục BVTV hoàn toàn tạo điều kiện cho NK, với điều kiện phải phục vụ đúng mục đích, có sự giám sát sau NK của cơ quan kiểm dịch thực vật.

Vậy trường hợp một DN đã khảo nghiệm thành công một giống cỏ mới, được Cục Trồng trọt công nhận giống rồi, nhưng lại chưa hoàn thành phân tích PRA thì sao?

Chủ trương lâu dài của chúng ta là khuyến khích, tạo điều kiện để DN, đơn vị nghiên cứu NK giống về để nghiên cứu chọn tạo ra thành giống của mình nhằm chủ động SX trong nước, chứ không phải anh NK về chọn ra giống tốt rồi NK hạt giống về bán. Vì vậy, ngay cả khi một DN nào đó khảo nghiệm thành công và được Cục Trồng trọt công nhận giống quốc gia, nhưng lại chưa thực hiện phân tích PRA thì Cục BVTV sẽ không thể cấp phép cho NK lượng lớn về để kinh doanh được.

NK về khảo nghiệm là việc khác, NK về thương mại lại là việc khác. Đơn cử như hiện tại, Cty SOL Holdings (Nhật Bản) phối hợp với một Cty trong nước đã khảo nghiệm và đã được Cục Trồng trọt công nhận đối với một giống cao lương, nhưng giống này chưa thực hiện phân tích PRA, nên Cục BVTV sẽ không thể chấp nhận để họ NK sang Việt Nam số lượng lớn để bán thương mại được.

Vậy trình tự thủ tục để phân tích PRA thế nào thưa ông? Nhiều DN kêu rằng thời gian để phân tích xong PRA trung bình tới 5 - 6 năm thì lâu quá?

DN có nhu cầu NK giống nào thuộc diện phải phân tích PRA thì thông báo cho Cục BVTV bằng văn bản để đề nghị xin phép NK. Sau đó, Cục BVTV có trách nhiệm liên hệ với cơ quan KDTV nước của XK để đề nghị họ cung cấp hồ sơ phân tích nguy cơ dịch hại theo những quy định tại Thông tư 36/2014/BNNPTNT.

Sau khi nước XK cung cấp hồ sơ cho Cục BVTV, Cục sẽ tiến hành xem xét đánh giá, thảo luận hay đề nghị nước XK bổ sung, sửa đổi các nội dung thông tin cần thiết để hoàn thành báo cáo đánh giá PRA.

Nếu hai bên thống nhất những nội dung của báo cáo, sẽ tiến hành khâu cuối cùng là trực tiếp sang nước XK để kiểm tra đánh giá thực tế như hệ thống SX, thu hoạch, bảo quản…, nếu đạt yêu cầu sẽ quyết định cho phép NK về Việt Nam… 

Quá trình này nếu thuận lợi thì có thể kéo dài 2 - 3 năm, có thể 5 - 6 năm, hoặc thậm chí lâu hơn, không ai có thể khẳng định thời gian thực hiện PRA cho từng đối tượng là bao lâu cả.

Khi chúng ta đi mở cửa cho rau quả sang các nước cũng vậy thôi, xoài Việt Nam để XK được sang Mỹ phải mất 6 năm triển khai PRA, vú sữa thì 8 năm vẫn chưa xong, còn nhãn để XK sang Úc phải hơn 10 năm…

Vậy trường hợp DN đăng ký NK cao lương về với mục đích làm lương thực, tiêu dùng, nhưng khi về họ lại bán ra ngoài để trồng cây thức ăn chăn nuôi thì sẽ thế nào, thưa ông?

DN đăng ký NK hạt cao lương với mục đích tiêu dùng thì đương nhiên chỉ phải thực hiện kiểm dịch bình thường. Trong trường hợp này, trong giấy phép NK đã phải yêu cầu sản phẩm phải được xử lí qua chất ức chế nảy mầm hoặc các biện pháp khác để đảm bảo khi về nước sẽ chỉ sử dụng được cho mục tiêu tiêu dùng thôi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.