| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống bên mỏ vàng nghìn tỷ

Thứ Hai 01/08/2022 , 07:59 (GMT+7)

Lào Cai Ở cạnh mỏ vàng, tưởng chừng đời sống người dân sẽ khấm khá, nhưng không. Ngay cả khi có công ty vào đầu tư khai thác, người dân vẫn nghèo, vướng vào ma túy.

Ở khu vực mỏ vàng Sa Phìn có hàng chục con nghiện. Ảnh: H.Đ

Ở khu vực mỏ vàng Sa Phìn có hàng chục con nghiện. Ảnh: H.Đ

Mang lợi ích gì cho dân?

Mỏ vàng Sa Phìn nằm trên địa bàn xã Nậm Xây của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Mỏ vàng được đánh giá có trữ lượng khai thác tới 262.612 tấn quặng trong đó có chứa hơn 1.288,8kg vàng. Với thời giá hiện nay, nếu khai thác được số vàng nói trên thì sẽ ra một con số khủng khiếp, hơn 2.000 tỷ đồng.

Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần khoáng sản 3 khai thác vàng tại khu vực Sa Phìn. Sau đó, tháng 12/2015, Công ty Cổ phần khoáng sản 3 chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Nhẫn (trụ sở chính ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) vào thế chân, tiếp tục khai thác đến ngày 4/7/2024. Để thuận lợi cho hoạt động quản lý của mỏ, công ty này đặt chi nhánh tại Lào Cai.

Cuộc sống của người dân ở khu vực mỏ vàng Sa Phìn, sau những ngày bùng nổ nạn vàng tặc, tưởng sẽ khấm khá khi có công ty bài bản vào khai thác, người dân sẽ có việc làm ngay tại địa phương. Song khi nhắc đến mỏ vàng Sa Phìn, người dân chỉ có ký ức về những ngày kinh hoàng, sạt lở, chết hàng chục người tại khu mỏ hồi tháng 8/2016. 

Cho đến nay, cuộc sống của họ vẫn vậy, gần như không có nhiều sự thay đổi kể từ ngày kinh hoàng đó. Từ quốc lộ 279 rẽ vào con đường đá gộc lởm chởm để lên khu vực khai thác vàng chưa đầy 20km nhưng mất 2h đồng hồ di chuyển bằng ô tô. Cả những chiếc xe tải “hổ vồ” để lên được mỏ cũng phải ì ạch tiến từng mét bởi các đoạn dốc đá, trơn trượt. Còn người dân sinh sống quanh Sa Phìn đã quá quen với cảnh này. Họ chưa biết khi nào mới có con đường để lại đi một cách đúng nghĩa. Vì vậy, không có cách nào khác, họ buộc thuộc lòng từng đoạn, từng viên đá để di chuyển bằng xe máy nhanh hơn.

Hai bên đường lên mỏ là hàng chục căn nhà gỗ lụp xụp, có lẽ chúng tồn tại đã lâu, rêu phong ám màu gỗ. Khe hở của vách gỗ, con chuột cũng chui lọt nên từ bên trong nhà cũng nhìn được khung cảnh ngoài sân. Không rõ cho tới khi nào huyện Văn Bàn mới xóa được nhà tạm để lên nông thôn mới.

Suốt dọc con đường này cho đến khi lên đỉnh, biểu tượng của sự khá giả ở đây có lẽ là căn nhà nghỉ xây kiên cố duy nhất gần khu mỏ mà khi đi qua người dân trong bản ai nấy đều ngưỡng mộ. Song từ đoạn này, đường vào mỏ vàng Sa Phìn lại đi dễ dàng hơn vì đã được đổ bê tông vào tới cả bên trong. 

Bên trong mỏ vàng Sa Phìn của Công ty Cổ phần Nhẫn. Ảnh: H.Đ

Bên trong mỏ vàng Sa Phìn của Công ty Cổ phần Nhẫn. Ảnh: H.Đ

Không người dân bản địa làm việc trong mỏ

Cổng vào mỏ vàng Sa Phìn được làm kiên cố, với sắt đặc hàn cùng lưới mắt cáo. Những người lạ mặt không được đón chào khi vào đây, dù lối đi này cũng là đường lên nương, lên đồi của người dân. 

Cũng chính vì cánh cổng sắt, giữa công nhân công ty và người dân có lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. 

“Làm ở đây phải vào hầm lò vất vả, công ty bao ăn ở, trả lương 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng vài tháng mới có lương một lần. Còn chuyện xô xát với dân bản địa chỉ có người trong mỏ mới hiểu được, đêm tối không dám đi xuống núi một mình”, công nhân từng làm Công ty Cổ phần Nhẫn cho biết. 

Song đó chưa phải việc gì ghê gớm, mà người dân bản địa đến nay vẫn chưa hết lo ngại về môi trường của mỏ vàng Sa Phìn. 

“Suối có lúc thì đục có lúc thì trong xanh nhưng vài năm trở lại đây cũng ô nhiễm gây thiệt thòi cho dân bản. Có khi đi rừng mình khát nước cũng không dám uống, con trâu, con bò uống cũng chết nên người dân không dám chăn thả gần suối. Mà ở đây chỉ có duy nhất công ty Nhẫn thôi. Từ lúc công ty hoạt động ở đây chưa thấy họ giúp đỡ gì được cho dân bản cả. Đôi khi anh em đi lại họ còn cấm cửa, còn đuổi thẳng cổ không cho đi làm cơ mà. Có lúc, một hai anh em đi rừng về có khi phải gọi điện cho trưởng thôn mới xin được ra. Có anh em đi làm về qua cổng thì họ khám xét cả gùi, đôi khi còn nói vớ vẩn”, người dân thuật lại những việc từng xảy ra.

Cũng theo người dân, mặc dù Công ty Cổ phần Nhẫn khai thác vàng ở đây nhưng không có người địa phương nào làm việc ở trong mỏ. 

“Chủ yếu là người dân ở đâu đến làm. Khi anh em dân bản bí tiền xin vào làm họ có cho đâu. Ở đây, anh em dân bản toàn đi làm xa, ở Hà Nội, Hải Phòng chứ không có làm trong mỏ. Công ty mở ở địa phương nhưng không tìm được việc làm đâu”, người này nói.

Liên quan việc làm cho người dân bản địa khi Công ty Cổ phần Nhẫn khai thác tại đây và hợp đồng lao động, ông Chủ tịch UBND xã Nậm Xây khẳng định, “hiện nay không có bà con nhân dân nào làm ở trong mỏ. Chỉ có người của công ty tuyển từ nơi khác về”. 

Một đoạn đường đi lên mỏ vàng Sa Phìn, xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Một đoạn đường đi lên mỏ vàng Sa Phìn, xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Ám ảnh thuốc phiện đen

Lúa ở Sa Phìn xanh ngặt trên những thửa ruộng bậc thang, xếp lớp, không khác gì một bức tranh. Chưa kể khí hậu ở đây mát mẻ vì Sa Phìn cao không kém Sa Pa. Người dân cũng nghe nói về việc huyện quy hoạch làm du lịch thế nhưng chắc ngày đó còn xa khi sinh kế người dân chưa đảm bảo, khi mỏ vàng hoạt động chưa chuẩn chỉ, vẫn còn đó những tệ nạn xã hội.

Ở nơi này, cái nghèo không phải điều đáng sợ nhất mà là nghiện ngập, thuốc phiện đen. Cái thứ chết người đó từ xa xưa thường gắn với những phu mỏ, đào đãi vàng. Tưởng chừng ngày nay cái thứ ấy không còn, thế nhưng nó vẫn hiển hiện ở Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai).

Cách không xa đường lên mỏ, người đàn ông cởi trần dẫn chúng tôi vào một tụ điểm của những kẻ nghiện ma túy. Trong ngôi nhà gỗ ọp ẹp, dưới ánh đèn dầu leo lét là 4 - 5 người đàn ông, kẻ đứng người ngồi đang chực chờ… hút thuốc phiện. Một trong số họ khoe đã hút 10 năm nay… nhưng không nghiện và cũng không ai biết. 

Gã cầm chịch không một thao tác thừa, từ nhào nhuyễn, vo thuốc phiện bằng hạt đỗ rồi rùi nõ, hơ lửa rồi thay nhau lên ngả bàn đèn.

“Hút thứ này khỏe người lắm, mà dai sức, làm vài nháy một đêm. Chú thử đi”, người này nói rồi trườn lên giường, nằm vật ra, mắt đờ đẫn sau khi rít lấy rít để nõ thuốc phiện.

Tuy nhiên, để tiết kiệm, những người đàn ông trộn thuốc phiện đen lẫn thuốc “ôm đầu” của Trung Quốc để hút cho rẻ, bao phê tới vài giờ mới tỉnh. Cũng theo những người đàn ông này, thuốc phiện đen ở đây không đâu rẻ bằng, chỉ 300 nghìn đồng một "chỉ" còn giá ngoài thị trường khoảng 1,5 triệu đồng. 

Việc những người nghiện thuốc phiện không phải quá hiếm ở khu mỏ vàng Sa Phìn. Có lẽ việc này chỉ người ngoài mới không hay, chứ trong bản ai cũng tường tận, rõ từng nóc nhà. 

Ông Chủ tịch UBND xã Nậm Xây cho biết xã đang tuyên truyền vận động bà con nhân dân gia tăng sản xuất, tăng vụ, tìm kiếm việc làm và thu nhập từ các công ty theo tư vấn của huyện. Thế nhưng, ngoài việc thu nhập, vấn đề cũng không kém nan giải đó là hiện nay xã có khoảng 70 người nghiện ma túy. Trong đó, ở Sa Phìn và Phù Lá Ngài có số người nghiện nhiều nhất…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.