| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống của những người bị cách ly vì Corona

Thứ Bảy 15/02/2020 , 07:05 (GMT+7)

Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với lệnh cách ly 14 ngày trong bối cảnh giới chức y tế toàn cầu đang nỗ lực ngăn chặn dịch nCoV.

Spencer Fehrenbacher, khác trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Spencer Fehrenbacher, khác trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Một số người là những cặp vợ chồng mới cưới đang tận hưởng tuần trăng mật hay sinh viên đang đi nghỉ nhưng nay bị giam trong những căn phòng kín trên tàu du lịch. Một số người là những công dân di tản đang được theo dõi trong các căn cứ Mỹ, trong khi số khác là các phóng viên đang làm nhiệm vụ thì bị cách ly tại một khách sạn ở Bắc Kinh.

Trong hai tuần không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ dường như không biết làm gì khác ngoài chia sẻ câu chuyện của mình. Dưới đây là những gì họ nói về cuộc sống cách ly, theo CNN.

‘Trên cả sợ hãi’

Hơn 3.000 người đang mắc kẹt ở Yokohama, Nhật Bản, trên một du thuyền hạng sang nay trở thành “nhà tủ nổi” sau khi hàng chục người trên tàu được xác nhận dương tính với nCoV.

Trong số đó có Spencer Fehrenbacher, công dân Mỹ hiện học thạc sĩ tại Thiên Tân, Trung Quốc. Anh muốn cùng bạn bè đón Tết Nguyên đán trên con tàu mang cái tên mỹ miều “Công chúa Kim cương” (Diamond Princess).

Giờ đây, anh phải tự nhốt mình trong phòng, dành thời gian đọc sách và xem TV thay vì tận hưởng những tiện nghi trên con tàu hạng sang.

Hồi đầu tuần, Fehrenbacher nói tâm trạng của anh “khá tốt”. Thủy thủ đoàn hỗ trợ nhệt tình, đồ ăn, thức uống phục vụ tận nơi và mạng Internet luôn sẵn. Bữa sáng hôm 6/2 gồm hai quả trứng luộc, trái cây, sữa chua, bánh nướng xốp, bánh sừng bò, nước ép và cà phê. Bữa trưa có salad gà tây hun khói và hành khách được chọn một trong ba món gồm tôm, gà hoặc đậu phụ xào rau củ. Bữa tối, khách trên tàu có lasagna rau, thịt bò hầm và mỳ ống gratin để lựa chọn.

Ngày thứ ba cách ly hoàn toàn, thuyền trưởng tàu ra quy định cho phép hành khách trong các khoang kín được ra ngoài hít thở không khí trong lành. Họ được tự do khoảng 1,5 tiếng nhưng luôn phải đeo khẩu trang và đứng cách nhau tối thiểu một mét.

Nhưng rồi Fehrenbacher được biết rằng đã có thêm 41 người dương tính với nCoV. Tổng cộng, 64 người trên tàu đã nhiễm bệnh. “Đó là tin tức khiến tôi thấy trên cả sợ hãi”, anh nói.

‘Hãy để chúng tôi rời tàu’

Một trong những hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính là Rebecca Frasure. Cô và chồng, Kent, hôm 7/2 mới biết rằng đã có thêm 41 người nhiễm bệnh. Theo lời Rebecca, cô hơi ho một chút nhưng không có triệu chứng nào khác.

Đoạng video do Kent Frasure quay cho thấy cảnh các quan chức y tế Nhật đứng trước cửa buồng của họ, thông báo rằng Rebecca phải đến bệnh viện trong vòng một tiếng. Kent, người có kết quả kiểm tra âm tính, không thể đi cùng.

“Thu dọn hành lý, vệ sinh cá nhân và ở yên trong phòng”, một quan chức y tế nói với Rebecca.

“Tôi có thể phải ở đây ba ngày, tôi không biết mất bao lâu nữa”, cô cho hay. “Có lẽ nó phụ thuộc vào việc tôi có thêm triệu chứng nào khác không. Hiện giờ cũng không có vấn đề gì lắm”.

Cặp đôi mới cưới Milena Basso và Gaetano Cerullo cũng có mặt trên du thuyền. Nhưng thay vì tận hưởng kỳ nghỉ trăng mật mà họ đãnh dành dụm tiền suốt hai năm, cặp đôi lại phải lo lắng tìm cách làm sao để giữ gìn sức khỏe và sẽ bị cách ly trong 14 ngày.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là không cảm thấy an toàn”, Basso nói. “Chúng tôi nên được cách ly trong môi trường vệ sinh, đảm bảo an toàn, không phải trên một du thuyền đã bị nhiễm bệnh”.

“Tổng thống Donald Trump, xin hãy cứu chúng tôi”, Basso khẩn cầu. “Hãy cho chúng tôi lên máy bay của chính phủ. Đưa chúng tôi khỏi con tàu”.

‘Không có nơi nào để đi’

Claire Campbell, 20 tuổi, sinh viên Đại học Clemson, rất mong chờ ba năm theo học ở Trung Quốc sắp tới. Cô đã học tiếng Trung, viết nhiều bài luận và đăng ký vào Đại học Thương Hải.

Nhưng rồi học kỳ của cô ở Trung Quốc bị cắt ngắn vì dịch corona bùng phát. “Tôi hoàn toàn suy sụp”, Campbell chia sẻ. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy trống rỗng như vậy”. Giờ đây, khi đã về Mỹ, cô bị cách ly tại nhà ở Lexington, Nam Carolina. “Tôi thức dậy mỗi sáng và chẳng biết đi đâu”, cô nói.

Ban đầu, Campbell dành thời gian đọc sách, vẽ hay nghe nhạc. Hiện tại, cô tham gia các khóa học trên mạng để ít nhất có thể cảm thấy mình hoàn thành được việc gì đó. Nhưng ở nhà cả ngày khiến cô mất ý thức về thời gian. “Tôi không biết hôm nay là ngày bao nhiêu nữa”, Campbell cho hay.

Đưa tin từ phòng khách sạn ở Bắc Kinh

Hơn hai tuần trước, phóng viên CNN David Culver, phóng viên ảnh Natalie Thomas và nhà sản xuất Yong Xiong có mặt ở Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh, để đưa tin. Sau một ngày, họ hay tin nhà chức trách Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, hạn chế di chuyển tới và đi khỏi thành phố. Nhưng họ vẫn rời được Vũ Hán.

An toàn ở Bắc Kinh, cả đội tiếp tục cố gắng hoàn thành câu chuyện của mình. Nhưng họ phải hạn chế tiếp xúc với những người khác. Vậy nên, trong hai tuần, họ giam mình trong phòng khách sạn và biến nơi đây thành một phòng tin tức, phòng ghi hình tạm thời. Họ tận dụng mọi nguồn lực có trong tay và vẫn xuất hiện trên CNN.

Thomas theo đuổi những câu chuyện về tình trạng thiếu vật tư y tế trong khi Xiong đưa tin về bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch corona nhưng bị chính quyền yêu cầu im lặng. Bác sĩ Lý tuần trước đã qua đời vì nhiễm bệnh.

Đồ ăn được khách sạn phục vụ nhưng nhân viên khách sạn không được phép vào phòng. Họ chỉ mang bữa ăn tới, gõ vào cửa để ra tín hiệu rồi biến mất. Sau 14 ngày, ba người rời khỏi phòng nhưng vẫn phải đeo khẩu trang đầy đủ.

‘Không ôm ấp hay bắt tay’

Jarred Evans là một trong hàng trăm người Mỹ đã sơ tán khỏi Vũ Hán và được chuyển tới các căn cứ quân sự ở Mỹ để cách ly. Anh dành hai tuần ở căn cứ không quân March thuộc hạt Riverside, bang California.

Cầu thủ bóng bầu dục Mỹ Jarr Evans. Ảnh: CNN.

Cầu thủ bóng bầu dục Mỹ Jarr Evans. Ảnh: CNN.

Evans tới Vũ Hán để chơi bóng bầu dục trong giải thi đấu quốc gia Trung Quốc. Anh vẫn rất lạc quan. Anh miêu tả nơi cách ly giống như “một khách sạn xinh đẹp và tiện nghi”.

“Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) giúp chúng tôi giết thời gian và cung cấp mọi thứ chúng tôi cần”, Evans cho biết. Những người ở trung tâm cách ly của Evans phải báo cáo hàng ngày với các quan chức CDC. Thỉnh thoảng, anh làm việc trên máy tính xách tay hoặc nói chuyện với gia đình. Đôi khi, anh ra ngoài chạy bộ hoặc tham gia lớp Zumba và kickbox.

Hôm 3/2, Evans ăn trứng, khoai tây, xúc xích và bánh nướng xốp cho bữa sáng. Bánh mỳ kẹp, dưa bao tử muối chua và khoai tây chiên là thực đơn cho bữa trưa.

Sau bữa tối, mọi người thường làm công việc riêng của mình hoặc về phòng nghỉ ngơi. “Ai cũng muốn rời khỏi đây để trở về bên gia đình”, Evans nói. “Mọi người tôn trọng lẫn nhau, nhưng không có những cái ôm nhóm hay bắt tay”.

(Kiến thức gia đình số 7)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Bình luận mới nhất