| Hotline: 0983.970.780

Cười ra nước mắt ở xã Na Loi, 20 năm dùng ma túy chỉ là 'hút chơi'

Thứ Năm 04/08/2016 , 08:01 (GMT+7)

Có một chuyện cười ra nước mắt ở xã Na Loi, rằng nhiều thanh niên ở đây nhận mình chỉ “hút chơi” chứ không hề nghiện ma túy.

Người “hút chơi” lâu nhất được hơn 20 năm, kẻ mới mới cũng 2 - 3 năm. Chính quyền, gia đình vào cuộc vận động đi cai nghiện, lấy lý do chỉ “hút chơi”, những đối tượng này từ chối. Bởi vậy, cũng từng đấy năm, nhiều gia đình nhà tan cửa nát, đời sống ngày càng cùng cực vì ma túy.

“Hút chơi” 20 năm

Đường vào bản Piêng Lau, cách trung tâm xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chỉ chừng 6 cây số. Piêng Lau như cách biệt với cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài vì nơi đây điện - đường - trường - trạm còn chưa tới. Con đường nhỏ gập ghềnh đất đá dẫn vào bản cứ sâu hun hút giữa những rặng tre già.

Hôm tôi vào thăm, rất may trong bản có một hộ mổ lợn cúng vía nên trưởng bản Lừ Văn Di (SN 1983) có nhà. Theo anh Di, Piêng Lau là bản gần như khó khăn nhất xã Na Loi. Bản có 88 hộ thì 65 hộ thuộc diện nghèo, 16 hộ cận nghèo, 7 hộ còn lại là cán bộ bản, xã bắt buộc phải… thoát nghèo.

08-15-25_5
Trẻ em và phụ nữ ở bản Piêng Lau

 

Tôi hỏi, ở bản này có bao nhiêu người nghiện ma túy, anh Di xua tay, ở đây họ toàn tự nhận là “hút chơi” thôi, không ai nhận là nghiện ma túy đâu.

Đối tượng “hút chơi” đầu tiên và lâu năm nhất ở bản là Lương Văn Phăn (SN 1975). Phăn không phải người Piêng Lau mà chuyển về đây sống từ khi cưới vợ, năm 1996. Phăn dùng ma túy trước cả khi theo vợ về lập nghiệp. Biết được chuyện đó, cả bản phản đối, đuổi Phăn trở lại quê cũ. Bố vợ của Phăn khi đó cũng là một người có uy tín trong bản phải đứng ra “bảo lãnh” cho con rể được ở lại.

Từ ngày về Piêng Lau, chưa một lần dân bản thấy Phăn đi họp mà chỉ “ủy quyền” cho vợ là Lương Thị Són (SN 1982). Nhiều lần chính quyền xã Na Loi và cán bộ bản đến tận nhà vận động đi cai nghiện nhưng đều bị Phăn từ chối. Anh ta bảo, tao chỉ “hút chơi” chứ có nghiện đâu mà cai. Cách đây mấy năm, Phăn bị bắt đi tù 2 năm vì tội sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy. Ra tù, Phăn lại ngựa quen đường cũ.

Trưởng bản Lừ Văn Di thở dài, nhiều thanh niên trong bản cũng bị Phăn dụ dỗ vào con đường của cái chết trắng, điển hình như Lương Văn Xiềng (SN 1974), Lương Văn Thắng (SN 1987)… Từ ngày dính vào ma túy, kinh tế gia đình Xiềng và Thắng gần như kiệt quệ, mọi thứ bốc hơi theo làn khói trắng.

"Con ma" ăn người

Căn nhà của vợ chồng Phăn nằm tách biệt, cheo leo trên đỉnh đồi. Giữa trưa nắng, tôi và trưởng bản Lừ Văn Di tìm tới nhưng không có ai ở nhà. Phăn và Són lấy nhau tới nay tròn 20 năm, có 4 mặt con gái, nhưng chưa một ngày vắng tiếng chửi bới.

Mặc kệ Són và những đứa con ngày ngày cặm cụi trên nương, Phăn chỉ quanh quẩn ở nhà, thấy bóng người lạ là biến mất không dấu vết. Cứ 2 - 3 ngày, anh Di lại phải cùng Bí thư chi bộ bản, phó bản đến nhà Phăn giảng hòa chuyện đánh chửi nhau. Đấy là những “trận” lớn, còn vợ chồng to tiếng thì như cơm bữa, hàng xóm chẳng ai buồn can ngăn.

Một năm, chăm chỉ lắm Són cũng chỉ kiếm được vài chục bao thóc, chẳng đủ ăn. Mỗi đợt giáp hạt, 4 đứa con lại đói nheo nhóc, củ sắn bẻ làm tư. 

Ấy vậy, hễ Són không để ý, Phăn lại lấy trộm một bao mang đi bán. Rồi thì lợn, gà, Són nuôi con nào ra tấm, ra món chút cũng bị chồng mang đi bán trộm. Nhiều lần, bị vợ bắt quả tang khi đang nhét con gà vào trong áo, Phăn thanh minh rằng, hôm nay về quê chơi, tiện mang con gà sang biếu họ hàng.

Đi một vòng quanh bản Piêng Lau, đập vào mắt tôi là căn nhà xập xệ của vợ chồng Lương Văn Thắng. Căn nhà cũng vắng hoe, bên trong không có nổi thứ gì quý giá vài chục nghìn đồng.

Vài chiếc xoong, chậu bẹp dúm, mấy bộ quần áo cũ rách bươm treo lủng lẳng trên vách nứa. Anh Di cho biết, do Thắng “hút chơi” nhiều quá, giờ gần như mất sức lao động, ngày lang thang đâu chẳng rõ, tối mới về nhà ngủ. Việc kiếm tiền nuôi hai con, một mẫu giáo, một đứa lớp một đè nặng lên đôi vai của Khà Thị Bạ (SN 1988) - vợ Thắng.

08-15-25_3
Đồ đạc bên trong căn nhà xập xệ của Lương Văn Thắng

 

08-15-25_2
Giấy cam kết không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, sử dụng chất ma túy của hộ Lương Văn Thắng

 

Không thể chịu đựng, bố mẹ Thắng cho hai vợ chồng ra ở riêng cùng số gỗ đủ dựng một căn nhà khang trang. Tới nay, do chưa có tiền xây cất, số gỗ đó vẫn phơi nắng mưa, ngày một vơi đi. Cuộc sống của Bạ và hai con nhỏ ngày một khốn cùng. Anh Di bảo, lần nào đến cũng tuyên truyền cho Thắng, ma túy là con ma ăn người, nhưng nó chẳng nghe. Chán quá, người nào muốn chết thì cứ đi theo nó thôi.

Bước đường cùng

Để giải quyết và ngăn chặn tình trạng nghiện ma túy ở địa bàn, chính quyền xã Na Loi đứng ra thẩm định giúp các bản trong xã lập hương ước riêng. Trong đó, “hình phạt” nặng nhất với những gia đình có người nghiện là cắt các chính sách hỗ trợ. Hộ nào nghèo thì cắt thành cận nghèo. Trưởng bản Lừ Văn Di khẳng định, nếu những đối tượng này không chịu đi cai nghiện, sẽ cho thoát nghèo luôn, cắt mọi chính sách hỗ trợ. Vô hình chung, hương ước này đã, đang và sẽ đẩy những hộ này tới bước đường cùng.

Lật cuốn hương ước năm 2010, anh Di chỉ cho tôi từng mục vi phạm và hình phạt. Kèm với đó, mỗi gia đình sẽ ký vào một bản cam kết, tuân thủ những quy định của hương ước. Và đương nhiên, những gia đình như Lương Văn Phăn, Lương Văn Xiềng, Lương Văn Thắng… chỉ ký lấy lệ.

Gia đình Xiềng thuộc hộ nghèo, nhưng vì vi phạm hương ước, cả bản biểu quyết đồng ý cắt xuống thành hộ cận nghèo. Những hỗ trợ của Nhà nước trước đây như dầu, gạo đều bị cắt giảm, riêng bò dê thì cắt hẳn trong khi tiền học phí phải nộp cho 2 con ngày một tăng lên. Không có tiền đóng học, con trai Xiềng bỏ học ngang, vào Bình Dương làm công nhân. Đứa em sau đó cũng bỏ học rồi sang Lào làm thuê.

Lương Thị Si (SN 1978) - vợ Xiềng lúc rảnh rỗi ở nhà dệt vải bán lấy tiền. Si bảo, cũng không biết chồng nghiện từ bao giờ. Hàng ngày, Si vẫn thấy chồng lên nương rẫy làm việc. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, Xiềng còn đi xuống bản xẻ gỗ thuê kiếm tiền, ai ngờ. Nhưng hương ước đề ra thì vẫn phải ký cam kết.

08-15-25_4
Chị Lương Thị Si bảo, cũng không biết chồng nghiện từ bao giờ

 

“Làm gì có tiền nộp phạt, chồng thì không chịu đi cai. Bị cắt hộ nghèo khổ lắm, hai đứa con phải bỏ học đi làm ăn gửi tiền về dựng nhà…”, Si thủng thẳng.

Tương tự, Lương Văn Thắng, Lương Văn Phăn và một số hộ khác cũng bị cắt tiêu chuẩn hộ nghèo. Con gái đầu của Phăn chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học. 3 đứa còn lại cũng có nguy cơ bỏ học vì gia đình không có tiền đóng học. Tôi hỏi trưởng bản Lừ Văn Di, liệu bao giờ thì những hộ này thoát nghèo thực sự? Anh Di lắc đầu, nếu không cai được nghiện, thì mãi luẩn quẩn trong đói nghèo mà thôi.

+ Chủ tịch UBND xã Na Loi Vi Văn Khuân (ảnh) cho biết, chỉ nắm được số đối tượng nghiện nhiều năm, còn thành phần “hút chơi” thì chịu.

08-15-25_6

 

Mỗi năm, xã thường tổ chức 2 - 3 đợt, xuống từng thôn bản tuyên truyền về tác hại của ma túy. Công tác vận động các đối tượng đi cai nghiện cũng được thực hiện quyết liệt nhưng đến nay vẫn là con số 0.

+ Xã Na Loi có 401 hộ, riêng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%, còn lại là cận nghèo. Năm nào Na Loi cũng phải trông chờ vào 2 đợt cứu đói giáp hạt của Nhà nước. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nghiện ma túy, tỷ lệ hộ nghèo ở đây có xu hướng tăng lên chứ không hề giảm đi.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm