| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản lúa nếp hương Bảo Lạc không lo đầu ra mùa dịch Covid-19

Thứ Ba 09/11/2021 , 10:19 (GMT+7)

Đặc sản lúa nếp hương huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là một trong những giống lúa nếp nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương thơm, độ dẻo và chất lượng gạo.

Kiểm tra chất lượng lúa nếp hương trồng tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Công Hải.

Kiểm tra chất lượng lúa nếp hương trồng tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Công Hải.

Nói đến nếp hương Bảo Lạc thì nguồn gốc từ lâu đời là ở xã Xuân Trường. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này cánh đồng Đồng Mu màu mỡ và nguồn nước dồi dào quanh năm chảy qua giữa cánh đồng, rất thích hợp cho các loại cây ôn đới phát triển.

Xuân Trường không chỉ nổi tiếng với các giống lê vàng, lê xanh… mà còn có gạo nếp hương hay còn gọi là nếp Đồng Mu, “khẩu nua hom” nổi tiếng cả một vùng. Gạo nếp hương ở Xuân Trường khác biệt bởi mùi thơm đặc trưng hòa quyện từ chất đất, nguồn nước, phảng phất sự thơm nồng từ khi còn là hạt thóc trên những đồng ruộng.

Nhiều người kể lại rằng, giống nếp này đã có ở đây từ rất lâu, từ đời ông đời cha của những người lớn tuổi trong bản làng đã thấy có. Trước đây, nếp Đồng Mu cũng kén đất nên chỉ trồng được trên các rẻo ruộng cao, tưới bằng nguồn nước mưa, bởi vậy năng suất thường rất thấp.

Nguồn giống chủ yếu do người dân tự giữ từ năm nay dùng sang cho năm sau. Trong vùng, nhà ai cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu cho khách quý. Giống nếp này hạt to và tròn, trăm hạt đều tăm tắp như nhau và có mùi thơm rất lạ.

Đến khi xát thành gạo, mùi thơm quyến rũ vẫn đọng lại trong từng hạt gạo trắng ngần. Xôi nấu bằng thứ gạo quý hiếm này để đến 2 - 3 ngày vẫn dẻo, thơm. Đặc biệt, xôi nấu bằng nếp hương thì khách đi thoáng qua đã ngửi thấy mùi thơm rất đặc trưng.

Ông Lãnh Trọng Huyến, xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường chia sẻ: Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vào đăng ký bao tiêu sản phẩm nếp hương đặc sản nên tôi chuyển hơn 7.000 m2 sang trồng lúa nếp hương. Mỗi năm tôi trồng 1 vụ, thu hơn 3 tấn thóc, trừ chi phí thu khoảng 50 triệu đồng.

Lúa nếp hương trồng tại xã Xuân Trường có hương vị thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Công Hải.

Lúa nếp hương trồng tại xã Xuân Trường có hương vị thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường thông tin: Nếp hương trồng chủ yếu ở 4 xóm: Thua Tổng, Nà Đoỏng, Thiêng Lầu, Bản Chuồng với diện tích trồng hiện nay hơn 60 ha, sản lượng trên 200 tấn thóc/năm.

Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm nếp hương vẫn được tiêu thụ rất tốt ở địa phương. Nhiều người đặt mua gửi làm quà cho bạn bè, người thân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm lúa nếp hương đặc sản nên diện tích trồng mấy năm nay được mở rộng hơn.

Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống lúa đặc sản nếp hương của địa phương, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Hương Bảo Lạc và nếp Pì Pất Cao Bằng”.

Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo nếp Hương huyện Bảo Lạc do Hội nếp Hương Bảo Lạc làm chủ sở hữu. Sản phẩm được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Giống lúa nếp hương Bảo Lạc được trồng nhiều tại các xã Xuân Trường, Phan Thanh, Khánh Xuân với diện tích hơn 100 ha. Năng suất trung bình đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha, với giá bán thóc khoảng 20 nghìn đồng/kg, mỗi ha đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng, gấp đôi giá trị gạo tẻ.

Gạo nếp hương Bảo Lạc được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Công Hải.

Gạo nếp hương Bảo Lạc được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Công Hải.

Ông Tô Đức Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: Việc sản phẩm gạo nếp hương của huyện Bảo Lạc được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể góp phần bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm nếp hương Bảo Lạc vẫn luôn đảm bảo đầu ra ổn định, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, bà con nông dân huyện Bảo Lạc cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất để có sản phẩm đạt chất lượng tốt; quy hoạch, phát triển vùng trồng lúa nếp hương, đưa sản phẩm trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện tốt vai trò cầu nối, đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với bà con nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong mùa dịch Covid-19 khó khăn hiện nay. Góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xóa nghèo, từng bước nâng cao vị thế của thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.