| Hotline: 0983.970.780

Đầm Hà hướng tới nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Năm 21/12/2023 , 18:42 (GMT+7)

Huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đang tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước trở thành vùng sản xuất, chế biến nông sản cho toàn tỉnh.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đầm Hà. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đầm Hà. Ảnh: Tiến Thành.

Hiện nay, huyện Đầm Hà đang khuyến khích người dân hình thành các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hướng tới các công nghệ nuôi tôm 3 - 4 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà nuôi tôm vụ đông. Huyện cũng đang chú trọng kiến thiết, hoàn thiện về hạ tầng cấp nước, hệ thống xử lý môi trường dùng chung cho nuôi trồng thủy sản.

Huyện Đầm Hà ngày càng hình thành nhiều cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô hiện đại. Trên địa bàn huyện hiện có 5 hợp tác xã, 178 trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng sản lượng tôm nuôi năm 2022 đạt hơn 3.600 tấn.

Xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) những năm qua đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng hộ dân. Hầu hết các hộ dân trong vùng nuôi thủy sản của thôn Bình Hải (xã Tân Bình) đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư bài bản ao nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Ngọc Tân (thôn Bình Hải, xã Tân Bình) cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của gia đình khoảng 2ha. Trước kia nuôi tôm quảng canh gia đình anh nuôi hết diện tích, nhưng sau thời điểm xảy ra dịch bệnh, gia đình đã thu gọn lại còn gần 1ha để nuôi công nghiệp. Từ khi chuyển sang nuôi công nghiệp, việc quản lý thuận lợi, tôm phát triển ổn định hơn. Đến nay, gia đình anh Tân đã nuôi tôm theo hình thức công nghiệp được 4 - 5 vụ với tổng sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm...

Trong lĩnh vực trồng trọt, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đạt hiệu quả. Việc canh tác từ khâu làm đất đến bón phân, bơm tưới, phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng được sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh.

Hệ thống tưới tiêu và giám sát được điều khiển qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, nông dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để có quyết định phù hợp trong tổ chức sản xuất.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Trương Thế Đô (bên phải) ở xã Đại Bình, huyện Đầm Hà. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Trương Thế Đô (bên phải) ở xã Đại Bình, huyện Đầm Hà. Ảnh: Tiến Thành.

Đơn cử như mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà). Ông Đô đã chuyển đổi 1.000m2 trồng dưa theo phương thức canh tác ngoài trời sang canh tác trong nhà lưới.

Trồng trong nhà lưới đã hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, của sâu bệnh nên cây dưa phát triển tốt hơn, quả dưa tươi ngon, an toàn hơn. "Việc đầu tư trồng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả cho người dân, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tới đây tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất thêm sang các loại cây lấy củ khác".

Nhờ những kinh nghiệm có được, năm 2021, anh Đô đã thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt, liên kết với một số hộ sản xuất khác để mở rộng diện tích canh tác lên 4.000ha. Năm 2022, HTX đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30%. HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt cũng trở thành HTX nòng cốt trong mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, giá trị cao của Huyện Đầm Hà.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, ông Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, Đầm Hà sẽ không chú trọng quá nhiều vào việc sản xuất dựa trên công nghiệp hóa chất hay chạy theo năng suất mà đi theo hướng giá trị, có thể năng suất thấp hơn nhưng giá trị kinh tế phải cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và chế biến sâu.

Bên cạnh đó thời gian tới, huyện sẽ thành lập, phát triển 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh gồm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân với quy mô tổng đàn khoảng 30.000 con, diện tích 350ha và một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha.

Ngoài ra, huyện cũng triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp như vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển và bãi triều; tích hợp, kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện trên địa bàn huyện Đầm Hà đang có nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.