| Hotline: 0983.970.780

Dân dựng lều phản ứng việc thu hồi đất nông nghiệp để phân lô, bán nền

Thứ Tư 05/04/2023 , 14:10 (GMT+7)

Trước sự phản ứng của người dân xã Yến Sơn, đơn vị thi công đã tạm dừng việc san lấp mặt bằng tại khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa).

Nhiều ruộng lúa đến kỳ trổ đòng bị san ủi

Sáng sớm 4/4, hàng chục hộ dân tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã căng lều bạt tại khu vực cánh đồng Tám Làng để phản đối đơn vị thi công phá lúa, san ủi mặt bằng, thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung.

Ghi nhận thực tế tại khu vực ruộng Tám Làng cho thấy, có rất nhiều ruộng lúa đang thời kỳ trổ đòng đã bị máy múc vùi sâu dưới bùn, không còn khả năng phát triển. Một số ruộng lúa khác đã được đơn vị thi công đổ đá, san ủi, lu lèn cốt nền.

Cạnh các chân ruộng, hàng loạt máy xúc, máy lu được tập kết tại 1 điểm, đang dừng thi công mặt bằng. Tại mương dẫn nước đầu đường cái, người dân lập lán trại, tập trung đông người để phản đối đơn vị thi công thực hiện dự án. Hầu hết họ đều là những người đã có tuổi và có đất nông nghiệp nằm trong diện thu hồi.

Người dân dựng lều bạt giữa trưa nắng phản đối việc đơn vị thi công san ủi mặt bằng. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân dựng lều bạt giữa trưa nắng phản đối việc đơn vị thi công san ủi mặt bằng. Ảnh: Quốc Toản.

Nguyên nhân của sự việc trên xuất phát từ việc, người dân chưa đồng tình với mức bồi thường đất mà chính quyền đưa ra. Cụ thể, ngày 30/3 huyện Hà Trung và xã Yến Sơn đã đưa lực lượng, máy móc đến khu vực thực hiện dự án, tiến hành san lấp. Tại đây, đơn vị thi công đã cho máy móc san gạt đất tại một số thửa ruộng của các hộ dân gây hư hại lúa. Thấy vậy, nhiều người dân đã ra phản đối việc làm trên. Tại thời điểm trên, đã xảy ra va chạm giữa lực lượng chức năng với người dân trong diện bồi thường. Đến ngày 1/4, việc thi công dự án tạm dừng. 

Người dân xã Yến Sơn xót xa trước việc nhiều diện tích lúa đến thời kỳ trổ đòng bị san ủi. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân xã Yến Sơn xót xa trước việc nhiều diện tích lúa đến thời kỳ trổ đòng bị san ủi. Ảnh: Quốc Toản.

Liên quan tới sự việc, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hà Trung rà soát lại trình tự thủ tục thực hiện Dự án; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đến các hộ dân về việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các hộ chưa đồng thuận (nêu rõ căn cứ pháp luật); xem xét đơn giá bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ có hành vi không đúng với người dân trong quá trình tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng; 

Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung chỉ đạo nghiên cứu phương án sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi (trong đó xem xét nhu cầu về đất sản xuất của các hộ dân có đất bị thu hồi), báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2022. Tuy vậy, sau gần 1 năm, vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn chưa được hoàn thành.

Chính quyền nói đền bù đúng, dân nói chưa thỏa đáng

Được biết, để thực hiện dự án Khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thu hồi 30ha đất với hơn 460 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại có 103 hộ chưa nhận tiền đền bù do chưa đồng ý với mức giá theo khung giá nhà nước.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn (huyện Hà Trung) cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi, cưỡng chế nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận do thắc mắc về giá đất.

“Người dân cho rằng chính quyền thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp nên muốn được đền bù theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là những dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất, việc đền bù được áp dụng theo quy định chứ không thể làm khác được", ông Nhân cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung khẳng định, việc bồi thường đất cho người dân được thực hiện công khai, minh bạch đúng quy định: “Theo chính sách bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất… thì 1 sào (500m2) ruộng, người dân được nhận hơn 52 triệu đồng. Vấn đề này được thực hiện công khai, minh bạch, không giấu giếm gì cả”.

Nhiều diện tích lúa bị vùi sâu dưới bùn mất khả năng phát triển. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều diện tích lúa bị vùi sâu dưới bùn mất khả năng phát triển. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó, người dân xã Yến Sơn cho rằng, việc chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp bồi thường đất với giá rẻ để phân lô bán nền với giá cao là chưa thỏa ý nguyện của họ.

Bà Phạm Thị Lựu, thôn Đa Quả 2, xã Yến Sơn cho biết: “Nếu nhà nước lấy đất để thực hiện các công trình phúc lợi chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng chính quyền lấy đất để phân lô bán nền, cao gấp nhiều lần so với số tiền chi trả cho người dân khi thực hiện bồi thường là chưa thỏa đáng. Khi người dân chưa đồng ý với mức bồi thường thì họ đã thực hiện cưỡng chế, gây hư hại lúa. Việc làm này chưa phù hợp với ý nguyện của nhân dân”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Dương, làng Yên Thôn, xã Yến Sơn cho rằng, việc chính quyền thu hồi đất sản xuất nông nghiệp sẽ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định sinh kế.

“Cuộc sống của người dân quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào mấy sào lúa. Việc chính quyền thu hồi đất nhưng không lo được cuộc sống lâu dài cho người dân thì chúng tôi lấy gì để mưu sinh trong những ngày tới?”.

Do xung đột về mặt lợi ích trong vấn đề bồi thường, nhiều hộ dân sống tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung đã có đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và hành vi phá lúa của dân để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung.

Cùng 1 chân đất nhưng 2 giá đền bù khác nhau

Cũng theo phản ánh của người dân, cũng tại vị trí giáp ranh dự án đang thu hồi đất, trên cùng một loại đất lúa, trước đây, khi thu hồi đất làm nút giao Quốc lộ 217, người dân được đền bù cao hơn, trong khi dự án này lại được đền bù thấp hơn.

Giải đáp thắc mắc này, ông Dũng cho biết: “Đây là hai dự án khác nhau, nên áp dụng khung chính sách riêng trong việc đền bù. Đối với dự án nút giao Quốc lộ 217, áp dụng khung chính sách ưu đãi riêng của ngân hàng ADB nên mức đền bù cao hơn khi thực hiện thu hồi đất”. 

Ông Trần Văn Dương, xã Yến Sơn lo lắng về kế sinh nhai sau khi bị thu hồi đất. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trần Văn Dương, xã Yến Sơn lo lắng về kế sinh nhai sau khi bị thu hồi đất. Ảnh: Quốc Toản.

Về việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, ông Dũng cho biết, với những hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (có người trong độ tuổi lao động) nếu có nhu cầu việc làm (trên địa bàn huyện Hà Trung) thì trực tiếp đăng ký với UBND xã. Còn đối với những lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ được tư vấn, hỗ trợ trong công tác vay vốn.

Nói về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trong thời gian tới ông Dũng cho biết, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân nhận tiền đền bù theo khung giá được quy định:

“Trước mắt huyện chỉ đạo tạm thời dừng thi công san lấp mặt bằng dự án, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo thi công trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tiếp tục vận động, tuyên truyền giải thích cho nhân dân nhằm tạo ra sự đồng thuận trong vấn đề thu hồi đất”, ông Dũng cho hay.

    Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.