| Hotline: 0983.970.780

Dân khốn đốn với 'khu đô thị mới', tương lai không biết đi đâu

Thứ Năm 10/05/2018 , 15:10 (GMT+7)

Nhiều hộ dân ở trung tâm thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đang khốn đốn, không thể sản xuất, tương lai chưa biết về đâu khi mở ra “khu đô thị mới” do một doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Sản xuất thất bát

Vợ chồng bà Trần Thị Cẩm Vân, hơn 70 tuổi, cùng gia đình 4 người con, mất hơn 3ha đất do cha ông để lại. Bà cho biết, ngoài diện tích làm mấy ngôi nhà ở, vườn trồng cây ăn trái, còn 1,7ha làm lúa nhưng 2 năm nay thất bát vì hầu hết không còn nước vô ra, chỉ nhờ trời mưa. Vì thế, cuộc sống đang lâm cảnh khốn đốn.

17-26-23_0605183
Ruộng lúa bị bít đường nước vô ra, chỉ nhờ nước trời nên còi cọc

Khu đô thị mới được quy hoạch cạnh trung tâm hành chính huyện Thới Lai mới xây dựng, bên tỉnh lộ 922 và chợ huyện. Tỉnh lộ 922 là con đường chính chạy qua trung tâm thị trấn huyện, hai bên có đông dân cư sinh sống buôn bán, còn vào phía sau là ruộng vườn cây cối xanh tươi. Diện tích quy hoạch 9,51ha, cho đến đầu năm nay mới một ít diện tích đất được người dân nhận đền bù, còn lại phần lớn đất đai người dân chưa đồng ý nhận đền bù vì giá thấp và không tái định cư.

Ông Phạm Văn Hải đã nhận đề bù 6.525m2 đất, kể: “Đất tôi có 50m mặt tiền tỉnh lộ 922 rồi chạy dài vào phía sau, chỉ là đất sản xuất, còn nhà ở nơi khác. Tổng cộng tiền đền bù đất và cây trái hoa màu là 2,28 tỷ đồng, giá rất thấp nhưng chủ đầu tư và cán bộ chính quyền địa phương vận động tôi lấy, có gì khiếu nại sau, nay thấy thiệt thòi quá muốn khiếu nại tăng giá”.

Chính đám đất của ông Hải cùng vài người khác nằm giữa vùng quy hoạch “khu đô thị mới”, được chủ đầu tư bơm cát san lấp đã bít đường nước vô ra cả khu đất rộng lớn, làm cho nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù phải chịu thất bát trong sản xuất, thiệt hại hàng năm khá lớn.
 

Không biết đi đâu

Gia đình bà Vân và các con đã mất gần hết đất đai, nhà cửa cho hơn 1/3 diện tích “khu đô thị mới”, yêu cầu cấp 5 nền tái định cư, bán 5 nền khác để có chỗ sinh sống làm ăn nhưng chưa được chấp nhận. “Trong lúc giá đền bù đất là 90.000 đồng/m2, không biết bây giờ đất ở đâu tại thị trấn này có giá thấp như vậy, các ông ký quyết định đền bù làm ơn chỉ giùm cho dân mua kiếm chỗ sinh sống”, bà Vân nói.

Nhiều người dân từng bị giải tỏa khi mở rộng chợ huyện và xây dựng cầu ở trung tâm thị trấn, về đây mua đất sinh sống, nay lại bị giải tỏa với giá đền bù thấp và không tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Bé là một người trong số đó, kể: “Chục năm trước, mở rộng chợ huyện, tôi mất 105m2 đất, được đền bù 1,8 tỷ đồng, thỏa đáng nên đồng ý. Tôi sang phía này mua 316m2 đất ruộng hết 160 triệu đồng, lên thổ cư 80m2 và cất nhà hơn 100 triệu đồng nữa, có người trả 600 triệu đồng nhưng không bán. Nay bị thu hồi đất và nhà với thông báo đền bù tổng cộng 151 triệu đồng, không cấp nền tái định cư, tôi không thể nào chấp nhận”.

Ông thương binh hạng 3/4 Trần Văn Lựa cũng mất nhà và 49m2 đất khi xây dựng cầu ở trung tâm thị trấn vào năm 2010, được bồi hoàn 400 triệu đồng. Về đây mua 333,4m2 đất ruộng, lên thổ cư 100m2, làm nhà ở và mở tiệm hớt tóc, đào ao nuôi cá, nay được thông báo bồi hoàn tổng cộng 413 triệu đồng. Quyết định của huyện ngày 23/3/2018 cho biết, ông được giao 100m2 đất ở và phải đóng tiền hạ tầng theo giá do UBND TP Cần Thơ quy định.

17-26-23_0605182
Ông Bé (trái) và ông Lựa với đất có đủ sổ đỏ, sổ hồng nhưng bồi hoàn “giá rẻ như cho” mà không rõ tái định cư

Ông nói: “Tôi yêu cầu đền bù giá 3 triệu đồng/m2, còn nền tái định cư phải cho biết giá cụ thể từ bây giờ, kẻo sau này ra giá trên trời thì không có tiền nộp”. Bà Phạm Thị Cẩm Hà có 169m2 đất (100m2 thổ cư), thông báo đền bù hơn 92 triệu đồng, còn tái định cư chỉ nêu “sẽ được giải quyết theo quy định hiện hành” nên bà không đồng ý.
 

Hy vọng vì dân

Có 57 hộ dân làm đơn kiến nghị tập thể từ cuối năm ngoái, yêu cầu nâng giá đền bù và tái định cư rõ ràng, đến nay chưa được giải quyết. Một số hộ dân mất nhiều đất như bà Vân, mở hướng cho chủ đầu tư bằng giải pháp “đất đổi đất”, như giao đất nông nghiệp và lấy 20 - 25% đất ở đã có cơ sở hạ tầng, cũng chưa được trả lời.

Chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư CADIF. Vốn ở Cty chủ yếu của Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ (Can Tho City Development Investment Fund - CADIF), một tổ chức tài chính Nhà nước. Giám đốc CADIF Lê Văn Thống cho biết, dự án được UBND huyện Thới Lai phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cuối năm 2016, và phê duyệt điều chỉnh cục bộ ngày 1/12/2017. Hiện đang xem xét tái định cư với các hộ dân cũng như đề nghị mua nền của một số hộ, nhưng chưa tính được giá cơ sở hạ tầng nên chưa có giá bán nền cụ thể.

Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Thanh Danh nói: “Quy hoạch khu đô thị mới cần thiết để thị trấn huyện phát triển và người dân cũng ủng hộ, tuy nhiên phải xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết bồi hoàn, tái định cư cho đúng quy định. Chúng tôi sẽ đôn đốc chủ đầu tư giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân”.

Hy vọng, quan điểm của Chủ tịch Danh sẽ trở thành hiện thực.

CADIF có gần 1.500 tỷ đồng, khoảng một nửa là vốn chủ sở hữu (chủ yếu ngân sách cấp), còn lại huy động (vay ngân hàng và tổ chức nước ngoài) để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội những nơi khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua tập trung vào kinh doanh bất động sản và chưa hiệu quả. Trong nhiều dự án kinh doanh bất động sản gây bức xúc dư luận do CADIF làm chủ đầu tư, một dự án tại phường An Hòa (Ninh Kiều, Cần Thơ) đang khiến Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển phàn nàn. Tại cuộc họp báo tháng 4/2018 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch quận Dương Tấn Hiển nói: “Dự án chỉnh trang đô thị rộng gần 10ha mà kéo dài đã chục năm với nhiều lần điều chỉnh. Cứ chúng tôi đề nghị thu hồi thì CADIF bảo làm rồi lại ngưng, khiến dân rất bức xúc. Hiện nay, tiến hành thủ tục bồi hoàn nhưng kết quả chưa khẳng định được”.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.