| Hotline: 0983.970.780

Dân tộc 100 người

Thứ Năm 01/09/2011 , 09:36 (GMT+7)

Một dân tộc không có trong danh sách 54 dân tộc. Một dân tộc hiếm hoi nhất trong các dân tộc Việt với dân số chỉ trên 100 người. Một dân tộc đang trên đà bị đồng hóa, biến mất. Đó là dân tộc Thủy.

Một dân tộc không có trong danh sách 54 dân tộc. Một dân tộc hiếm hoi nhất trong các dân tộc Việt với dân số chỉ trên 100 người. Một dân tộc đang trên đà bị đồng hóa, biến mất. Đó là dân tộc Thủy.

1. Năm 1973, Viện Dân tộc học Việt Nam đã kết hợp với Ủy ban Dân tộc và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức một cuộc hội nghị khoa học chính thức xác nhận dân tộc Thủy có ở Tuyên Quang. Trước đó dân tộc này bị coi là một phân nhánh của người Mông.

Già làng người Thủy kể rằng, dân tộc mình có nguồn gốc ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Thủa đó, một đoàn người cả trăm gia đình đã theo đường mòn vạch biên giới từ Quý Châu sang vùng miền núi ở Hà Giang sinh sống. Họ dựng nhà bằng cây rừng, đào củ mài, củ nâu, hái rau dại để ăn. Sơn lam chướng khí cộng với cuộc sống cơ cực nơi thâm sơn, cùng cốc đã làm cho nhiều người Thủy chùn bước, trở về quê, chỉ còn một nhóm chừng 30 gia đình kiên trì, bám trụ.

Đường vào thôn người Thủy

Ngặt thay, trồng sắn thì hươu ăn lá, lợn lòi đào củ, không có thu hoạch, người Thủy chỉ còn nước ôm nhau mà khóc. Bệnh tật, đói khát đã bào mòn sinh lực họ, mạng người cứ rụng rơi như lá cuối mùa thu. Hòa bình lập lại, nhóm người Thủy đã chết gần hết, họ Vàng đã bị xóa sổ, chỉ còn 3 hộ với 13 người thuộc 3 họ Lý, Mùng, Bàn sống sót. Rời Hà Giang, người Thủy rút vào vùng núi đá hiểm trở ở xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) sống tiếp cuộc đời du canh, du cư như những cơn gió không biết bao giờ dừng lại. Đến tận lúc phong trào HTX ở miền Bắc phát triển, chính quyền địa phương vận động người Thủy hạ sơn, dựng nhà, hướng dẫn cấy lúa nước, học nuôi gia súc, gia cầm…

2. Nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ bốn bề núi đá, có con suối Pó Phao ấp ôm, thôn Thượng Minh hiện ra với những mái nhà lá cọ, vách liếp. Thượng Minh có 148 hộ, 658 khẩu gồm người Pà Thẻn, người Mông, người Thủy cùng sinh sống. Vài năm nay sắn ngô được giá, thôn dân hầu như ai cũng có tivi, vài nhà còn có cả xe máy nhưng đại bộ phận vẫn còn rất nghèo. Dân bản có tật nghiện rượu, con gái, con trai đều lấy chai rượu làm bầu bạn, say quên ngày, say hết tháng. Rượu cộng điều kiện y tế kém nên cả thôn chỉ có 16 người trên 60 tuổi trong đó có 6 người trên 70 tuổi, đa số người chết khi đầu chưa kịp bạc, mới ngoài 50 vì bệnh phổi, khớp và nhất là gan.

Không có gì phân biệt trong kiến trúc nhà của người Thủy với người Pà Thẻn. Người Thủy ở trong những ngôi nhà đất, cách chế biến món ăn, phong tục đa phần đều giống người Pà Thẻn chỉ mỗi tiếng nói là hoàn toàn khác. Dân tộc Thủy có tín ngưỡng tôn thờ hòn đá thiêng. Đó là viên đá cuội dạng tròn, to cỡ nắm tay con trẻ, được thầy cúng nhặt về từ lòng suối và ban cho nó sứ mệnh kết nối con người với thế giới tâm linh.

Mỗi khi mùa màng thất bát, dân bản ốm đau, gia súc chết dịch, thầy cúng lại hành lễ. Viên đá được buộc vào một đầu sợi chỉ, đầu sợi chỉ kia treo trên ngón tay. Lời thần chú của thầy sẽ mời thần linh về chứng giám cho tấm lòng thành của người Thủy, cho những nguyện ước bình an. Khi thần về, ngài sẽ ngự trong hình hài của hòn đá thiêng và báo hiệu cho dân làng biết bằng cách rung rung, đung đưa hòn đá. Người Thủy còn có tục cúng linh hồn. Người sống khi bị ốm đau, cầu cho linh hồn chóng khỏe. Lễ cúng hồn sống được báo hiệu bằng cái ngọn tre cài ở trong nhà.

Vì số lượng còn quá ít nên đa số người Thủy đang trên đà bị xóa sổ, bị Pà Thẻn hóa. Họ mang trong mình đến quá nửa dòng máu lai với người Pà Thẻn, người Dao, người Tày, người Mông. Như nhà bà Bí thư thôn Bàn Thị Tài, bà là người Dao, chồng người Thủy; đến đời con thì trong giấy chứng minh thư, người ghi là dân tộc Dao, người lại ghi là dân tộc Thủy.

Nhà bà Lý Thị Toàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà nội là người Pà Thẻn, ông nội người Thủy, ở nhà hầu như toàn nói tiếng Pà Thẻn chứ ít khi dùng đến tiếng Thủy. Trẻ con người Thủy có đứa không biết tiếng của dân tộc mình hoặc nói lẫn tiếng Pà Thẻn cũng là chuyện không lạ. Hiện cả thôn Thượng Minh chỉ có một đôi vợ chồng người nguyên Thủy hiếm hoi là anh Mùng Văn Chấn và chị Lý Thị Văn.

Bà Lý Thị Toàn làm một cuộc điều tra dân số nhanh trong đầu và cho tôi một thống kê về dân tộc ít nhất của Việt Nam với 19 hộ 140 người, đó là đã tính cả vợ hoặc chồng dân tộc khác gộp vào, nếu tính thuần người Thủy chắc có lẽ chỉ khoảng 100. Không chỉ là dòng máu đã bị phôi pha, lai tạp mà các phong tục, tập quán của người Thủy cũng bị đổi khác với một tốc độ chóng mặt.

Người Thủy hiện nay tục ma chay, cưới xin đều lai Pà Thẻn, mời thầy Pà Thẻn về cúng. Lễ tết chỉ khác nhau đêm giao thừa, người Pà Thẻn cúng từ 28 đến mùng 3 còn Thủy cúng chỉ mỗi đêm 30. Người Pà Thẻn cúng thịt gì cũng được còn người Thủy nhất thiết phải cúng gà trống thiến. Chữ viết của người Thủy hiện không còn vết dấu. Cả dân tộc chỉ còn 2 bộ trang phục nữ truyền thống, một ở nhà bà Tài - Bí thư thôn may lại theo trí nhớ của người già, một ở nhà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng là quần áo phục dựng.

Trang phục của đàn ông Thủy thế nào, hiện chưa hề có tài liệu nghiên cứu. Những đồ vật của tổ tiên cũng gần như không còn lại gì. Cộng đồng người Thủy có hai ông thầy cúng nhỏ, cúng không hết bài, ma không biết làm. Tôi đến nhà ông Bàn Văn Kim 77 tuổi, thầy cúng cao tuổi nhất thôn. Gặp buổi nóng nực, ông Kim đang xoay trần trước cái quạt điện tự chế cực kỳ thô sơ, cánh bằng nhôm lá, thân bằng tre, chân đế là một khối gỗ. Ông Kim đã yếu lắm rồi, nói với tôi bằng tiếng Thủy với giọng bị ngắt quãng, hụt hơi đến thều thào.

Qua thầy cúng Hin, người Pà Thẻn phiên dịch lại, đại ý rằng khi trước ông Kim có giữ 3 hòm sách cúng của người Thủy nhưng lửa ăn nhà đã ăn mất sách. Ngoài làm thầy cúng ông Kim là người dạy hát các bài cổ của dân tộc mình nhưng truyền mãi cũng chỉ có một hai người học được hai ba bài rồi chẳng thấy ai đến học nữa. Sau đợt ông ốm đi chữa trên huyện về, cái bệnh nó ăn hết cả trí nhớ, những bài hát giờ chẳng còn dáng, còn hình.

3. Dân tộc Thủy giờ có mấy người làm công an, có một sinh viên đại học (một trong hai sinh viên đại học hệ chính quy trong lịch sử xã Hồng Quang), đó là Lý Thị Hạnh, em gái Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lý Thị Toàn. Hạnh học năm thứ nhất Trường Đại học Hành chính Quốc gia dưới Hà Nội. Buổi thi sinh viên với trang phục truyền thống, em diện chính bộ trang phục của dân tộc mình khiến bao người tò mò, lạ lẫm. Một năm Hạnh chỉ về quê được một lần vì không có tiền. Những lúc nhớ nhà quá, trong vô thức, em lại nói tiếng Thủy khiến cho bạn học trọ cùng được một phen tròn mắt, bụm miệng cười.

Tôi nhờ em hát một bài nghe chơi, em đỏ mặt thẹn thùng bảo không thuộc. Chỉ đến khi bà Lý Thị Toàn về, đề nghị ấy của tôi mới được đáp ứng. Toàn thổi kèn lá rồi hát rằng:

Trước người Thủy sống trên vùng núi cao

Phát rẫy làm nương phá biết bao rừng

Khổ cực bao nhiêu không có ăn mặc đủ

Nay có Đảng, người Thủy cấy lúa nước thôi

Không phát rẫy nương phá biết bao rừng…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.