| Hotline: 0983.970.780

Đáng nể Tư Sang

Thứ Sáu 08/01/2010 , 10:22 (GMT+7)

Ban đầu, chỉ là ý định phục vụ đồng ruộng của mình cho “công cán nhẹ nhẹ”. Nhưng dần, công việc dẫn dắt ông Lang đi tới ý nghĩ lớn lao hơn là phục vụ cho tất cả nhà nông.

Xuất thân từ một nông dân, ông Nguyễn Văn Lang (Tư Sang) hiểu rõ nỗi khổ cực của công việc thu hoạch lúa trên đồng. Dù lúa đã chín ngoài ruộng, nhưng nhà nông còn phải qua nhiều công đoạn cực khổ nữa, như: gặt, ngố (gom), đạp (đập), làm sạch, phơi khô…, mới đưa được hạt lúa vào bồ. Trong đó, khâu gặt đập, làm sạch theo lối thủ công ngày trước rất cực nhọc và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, khi học được nghề cơ khí, ông mới theo đuổi công việc làm máy nông nghiệp cho nhà nông.

Ban đầu, chỉ là ý định phục vụ đồng ruộng của mình cho “công cán nhẹ nhẹ”. Nhưng dần, công việc dẫn dắt ông đi tới ý nghĩ lớn lao hơn là phục vụ cho tất cả nhà nông. Đầu tiên, ông chú ý những nông cụ làm giảm nhẹ công việc trên ruộng đồng cho bà con nông dân, như: thùng ngốn, thùng tuốt. Nhưng, ông sớm không bằng lòng với mấy nông cụ này, bởi nó chỉ giảm nhẹ đôi chút sự nặng nhọc.

Cơ sở ông bắt đầu làm thùng phóng. Ban đầu, thùng phóng được làm cho ra lúa bị mất năng suất, phải giũ lại rơm vì còn nhiều lúa đi theo rơm. Ông phải nghiên cứu cải tiến để không còn tình trạng ấy nữa. Thời gian sau, được tiếp cận với mấy cái máy gặt đập “nghĩa địa” của Nhật đem về, ông lại mơ ước: nếu tạo được máy vừa cắt, vừa đập luôn như thế thì sẽ đỡ hơn cho nông dân biết mấy. Nghĩ thì dễ, nhưng làm không dễ. Thời gian kinh nghiệm trong nghề và lòng quyết tâm, một lần nữa giúp ông vượt qua trở ngại. Máy ở cơ sở ông làm ra, dần dà chạy cũng có thứ hạng.

Lần đi Kiên Giang dự cuộc thi “Máy gặt đập liên hợp” do Bộ NN & PTNT tổ chức, ông phải đem máy cùng đội thợ sang tận nơi tổ chức. Cũng có nhiều đơn vị dự thi trong đợt này. Doanh nghiệp của ông đại diện cho Tiền Giang, rồi doanh nghiệp Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp…, có cả đơn vị Hà Nội và Trung Quốc. (Trung Quốc đem tới cả 3 máy để dự thi). Cuộc thi được tổ chức hết sức bài bản, nghiêm ngặt. Đầu tiên, ban tổ chức cho chạy thử để điều chỉnh. Vào cuộc thi chính, mỗi chiếc được phân đồng để chạy 1 đoạn, rơm, bui bui, lúa được hứng lấy để kiểm tra khả năng gặt, đập, làm sạch. Cuộc thi kế tiếp, mỗi máy được phân một đồng rộng hơn độ vài công để chạy biểu diễn gặt đập, tính lượng dầu tiêu thụ và thời gian hoàn thành. Cuộc thi mất cả tuần lễ mới xong. Lần đó, ông được huy chương Vàng, sau một lần giành giải Khuyến khích.

Phải thừa nhận, Tư Sang là một “thí sinh” chịu khó đi thi. Thời gian gần đây, ông đã có ba lần dự thi: năm đầu 2007, ông được giải Khuyến khích, năm sau 2008, ông nhận huy chương Vàng, năm vừa rồi 2009, ông đạt huy chương Bạc. Mỗi lần đi thi khá vất vả, nhưng ông không ngại. Nhiều ông thầy chấm thi biết mặt cũng bảo vui với ông, “ông đi thi nữa, rớt rồi sao?”. Ông tâm sự: “Rớt đậu có nghĩa gì. Mình đi thi để biết được chiếc máy gặt đập của mình còn hạn chế chỗ nào trên đồng. Cái chính là mong sản phẩm mình mỗi ngày một hoàn hảo hơn, nhằm giúp bà con làm việc hữu hiệu hơn trên đồng ruộng. Mình không đi thi để lấy huy chương Vàng rồi thôi. Nếu năm tới có tổ chức thi, tôi cũng sẽ đi thi nữa”.

Máy gặt đập của ông đã đăng kí Sở Công thương thuộc “hàng Việt chất lượng cao”, giá khoảng 210 triệu đồng/cái. Máy Trung Quốc giá cũng chỉ mắc hơn vài chục triệu, nhưng nông dân ở đây chọn máy của ông, vì nó “chạy ngon hơn”, do được sản xuất phù hợp với ruộng đồng miền Tây. Máy Nhật có giá đắt hơn nhiều, tới 450 triệu đồng/cái, hơn gấp đôi hàng Việt, nên nông dân không dám xài sang.

Việc làm nào cũng có vui buồn. Làm được thì vui; làm không được thì buồn và mệt. Nhờ yêu thích công việc nên ông đã phấn đấu theo đuổi được nghề. Khó khăn ban đầu vẫn là đồng vốn, phải vay vốn. Nghề này cần phải mua trước nguyên liệu để làm; trong khi nông dân đặt làm máy bỏ cọc ít, chỉ dăm ba triệu đồng cho một máy. Bây giờ, công việc của ông đã ổn định. Với ông: Nông dân, họ thật thà, tiền bạc sòng phẳng, thành thử mình phải đàng hoàng thì mới có được uy tín.

Khách hàng của ông là nông dân các tỉnh ĐBSCL. Bình quân mỗi năm, ông cũng cung cấp cho đồng ruộng khoảng cả trăm chiếc. Năng suất máy mỗi lần sản xuất được nâng cao hơn. Ông cho biết: “Với đồng rộng, máy gặt đập có thể chạy 7-8 ha/ngày. Gặp trường hợp lúa sập, đồng hẹp, trước đây máy chỉ chạy được 1 mẫu (ha), 1 mẫu rưỡi là cùng; nay có thể tăng năng suất gấp đôi, lên 3 mẫu/ngày”.

Theo đánh giá của một số nhà nông đã mua máy của ông, máy gặt đập do ông sản xuất nhiều năm rồi vẫn chạy tốt. Thông thường, máy không chất lượng lên đồng ruộng không thể chạy được lâu, một hai bữa sẽ bị trục trặc ngay. Dầu vậy, máy xuất xưởng cũng được cơ sở ông bảo hành qua một mùa vụ.

Hiện ông có hai cơ sở sản xuất, với 60 thợ vừa sản xuất máy suốt, vừa sản xuất máy gặt đập. Lương thợ bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng, bao ăn uống. Có một số thợ bậc cao, lương đến khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với thời gian 1 tháng, 60 thợ ở cơ sở của ông có thể làm được cả chục máy gặt đập và hàng chục máy suốt. Hai loại máy trên được ông sản xuất với khối lượng lớn, mỗi năm có đến cả trăm cái cho mỗi loại. Theo đuổi nghề trên 20 năm, ông đã đóng góp cho ruộng đồng miền Tây vài ngàn máy suốt và cả trăm máy gặt đập liên hợp. Kể cũng là một thành tích đáng nể.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.