| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức Ba Vì - Phải bằng tình yêu tận hiến với thiên nhiên

Thứ Tư 05/05/2021 , 07:10 (GMT+7)

Bảo tồn và phát huy giá trị phế tích ở Ba Vì không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là sự tâm huyết, tình yêu, sự trân trọng đối với thiên nhiên.

Ký họa về những di sản người Pháp để lại ở Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Ký họa về những di sản người Pháp để lại ở Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Khát vọng Ba Vì 

Theo phân tích của các chuyên gia, trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngành du lịch đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ và đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói” quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Những khu du lịch danh tiếng nhất hiện nay như khu Fansipan ở Sapa, Bà Nà ở Đà Nẵng, Vinpearl Nha Trang hay Phú Quốc, Melia Ba Vì... đều do những tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng.

Không thể phủ nhận, sự phát triển của những khu du lịch tư nhân đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, tạo sức hút lớn đối với quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người bản địa và đóng góp to lớn cho ngân sách.

Đơn cử như ở Melia Ba Vì, trước khi có dự án nguồn thu bán vé ở Vườn Quốc gia Ba Vì khoảng 180 triệu/năm, nhưng hiện nay, tiền bán vé vào Vườn Quốc gia Ba Vì mỗi năm đã lên tới 24 tỷ đồng mà trong đó, du khách đến Melia Ba Vì chiếm đến 1/3.

Nhà văn Nguyễn Như Phong nhìn nhận, có một thực tế mà ai cũng thấy, đó là những nơi nào được các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư làm du lịch thì nơi đó môi trường được đảm bảo, cảnh quan được giữ gìn, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Và các tập đoàn kinh tế tư nhân đã gìn giữ môi trường, cảnh quan và gìn giữ các giá trị văn hóa, kiến trúc, du lịch tốt hơn so với nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng thấu hiểu của những người làm du lịch tư nhân là họ phải bỏ tiền tấn ra làm để thu về bạc lẻ.

“Tôi thấy một điều rằng, các ông chủ của các tập đoàn tư nhân làm du lịch thường là những người nặng lòng với đất nước. Họ đã bỏ tiền bỏ của vào đầu tư các khu du lịch bằng tình yêu đất nước và trên nữa là trách nhiệm cao cả của họ đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế.

Nói như vậy, sẽ có người cho rằng đó là sự sáo rỗng, nhưng nếu đi sâu vào đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh trên những đồng vốn bỏ ra thì mới thấy họ đã phải hi sinh thế nào. Hay nói một cách nôm na, ông chủ của những khu du lịch này phải dùng tiền từ những khoản thu khác để “đập” vào du lịch. Tuy nhiên họ vẫn làm.

Như ở Melia Ba Vì, vùng đất địa linh, gắn liền với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, đang là nơi thể hiện khát vọng của doanh nhân Việt đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam”, ông Phong nêu quan điểm.

Ký họa về sân bay người Pháp trên đỉnh núi Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Ký họa về sân bay người Pháp trên đỉnh núi Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Lẽ tất nhiên, đã đầu tư thì phải tính đến giá trị kinh tế, nhưng vấn đề phát huy giá trị các phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì, yếu tố kinh tế chắc chắn không phải đầu tiên. Bằng chứng là sau hàng chục năm tiếp cận, thái độ của chủ đầu tư đối với thiên nhiên vẫn rất đáng để trân trọng.

Khu du lịch sinh thái Melia Ba Vì được xây dựng trên nền phế tích di sản lịch sử do người Pháp để lại với cao độ 400 – 600 – 700 – 800 – 1.000m, trong đó, các công trình dịch vụ, khách sạn nghỉ dưỡng chủ yếu nằm tại cao độ 600 - 800m theo cách ứng xử khá khiêm nhường với kiến trúc lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.

Tổng diện tích nghiên cứu dự án khoảng 70,42ha vẫn chủ yếu thừa hưởng các yếu tố tự nhiên của tổng thể khu vực và yếu tố vật chất thuộc về di sản lịch sử, các phế tích…

Cụ thể, tại cao độ 400m là khu quy hoạch của người Pháp có diện tích khoảng 21ha với số lượng 29 công trình.

Cao độ 600 - 700m rộng 54ha, với số lượng 70 công trình, trong đó một số di tích chỉ còn lại nền móng.

Cao độ 800m, diện tích quy hoạch cũ chiếm khoảng 10ha, với số lượng 16 công trình.

Cao độ 1.000m, diện tích quy hoạch cũ chiếm khoảng 10ha, với số lượng khoảng 16 công trình.

Sự ứng xử trân trọng của chủ đầu tư đối với thiên nhiên đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Các kiến trúc sư nổi tiếng như Thái Lan Anh, Doãn Minh Thu cho rằng Tập đoàn Melia có cách thức tiếp cận khá khéo léo và tinh tế giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, thể hiện sự khiêm nhường với những gì vốn có tại đây, đặc biệt là về khía cạnh ứng xử với cảnh quan.

“Nhìn chung, cảnh quan khu vực Melia Ba Vì có hiện trạng cảnh quan nguyên bản và được tác động khá tốt, các góc nhìn sinh thái được chú trọng, không phá vỡ quy luật sinh trưởng của tự nhiên. Một số giải pháp thiết kế cảnh quan khá tinh tế, phù hợp với địa phương…”, kiến trúc sư Thái Lan Anh và Doãn Minh Thu đánh giá.

Trước đó, trong những cuộc khảo sát, đánh giá, nhiều kiến trúc sư, nhiều nhà quy hoạch khác đều nhìn nhận, phần lớn khu vực cảnh quan ở Melia Ba Vì chưa bị tác động, hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

“Có thể nói rằng, khu nghỉ dưỡng đã nhìn nhận đúng giá trị môi trường và kiến trúc mà khu vực sẵn có.

Việc đánh giá và tiếp cận này vô cùng quan trọng, bởi rất ít đơn vị doanh nghiệp nhìn nhận sản phẩm môi trường và kiến trúc đúng với giá trị của nó, phần lớn các giá trị đó đã bị coi thấp hoặc bỏ đi hoàn toàn trong những lợi ích về mặt kinh tế và xây dựng.

Việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc tiếp cận dự án giai đoạn hiện tại và tương lai sẽ mang lại hiệu quả rất lớn không những về giá trị kinh tế mà còn về giá trị môi trường, giúp cho việc phục hồi, tăng trưởng và bảo tồn chất lượng tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái”, những phân tích của kiến trúc sư Thái Lan AnhDoãn Minh Thu thể hiện.

Melia có thái độ tiếp cận khá tinh tế, khéo léo với thiên nhiên. Ảnh: CĐT.

Melia có thái độ tiếp cận khá tinh tế, khéo léo với thiên nhiên. Ảnh: CĐT.

Tiếp nối giấc mơ cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh núi

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ là một trong những người Việt ít ỏi có những kỷ niệm gắn bó với thị trấn Pháp trên núi Ba Vì. Trong câu chuyện của gia đình ông có thể cảm nhận một cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh núi đang thức dậy sau giấc ngủ dài gần một thế kỷ.

Chuyện nhà ông Lữ hình thành từ những tư liệu gốc trong lưu trữ gia đình, ký ức về những năm tháng sống trên đỉnh núi từ 1944 đến 1948, hành trình tìm thấy và trở lại di tích nhà Ba Vì và cả những cảm hứng đẹp đẽ, hào sảng từ những người đã và đang bảo tồn và phát triển ở nơi linh thiêng núi Tản.

Giấc mơ cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Giấc mơ cuộc sống Suối Hoa trên đỉnh Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Ông Lữ là con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một trong số ít những người Việt sở hữu nhà ở thị trấn Pháp trên đỉnh Ba Vì những năm 1944.

Kể lại hành trình tìm lại ký ức của gia đình ở độ cao 1.000m,  ông Lữ xúc động: “Mới đầu bố tôi mua đất và dựng một nhà lá chừng 50m2 nền để ở tạm. Sau là nhà xây 200m2 nền, bằng cả bê tông, gạch, đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường. Năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao khó khăn về mọi mặt. Phải là người rất quyết tâm và yêu Ba Vì lắm mới có thể vượt qua những khó khăn ấy”.

Họa sĩ Trịnh Lữ bắt đầu hành trình tìm dấu vết “cuộc sống Suối Hoa” từ 2007. Ròng rã hai năm, với sự giúp đỡ của kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì ông mới tìm thấy ngôi nhà của gia đình từ hơn 70 năm trước, bây giờ đã là phế tích nằm khuất dưới cây cối rừng già, chỉ còn những góc tường đá rễ cây bao bọc.

Từ bấy đến nay, năm nào cả gia tộc họ Trịnh cũng đều lên Ba Vì để sống lại cảm giác xưa kia. Hai người chị lớn của ông Trịnh Lữ, bà Trịnh Thị Nhạn, cựu cán bộ ban biên tập đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam và bà Trịnh Ngọc Anh, nghệ sỹ đàn dương cầm dù đã xấp xỉ tuổi 90 nhưng ký ức về Cuộc sống Suối Hoa đỉnh núi vẫn chưa hề phai nhạt.

Những tráng sĩ lãng mạn đang đánh thức Ba Vì. Ảnh: CĐT.

Những tráng sĩ lãng mạn đang đánh thức Ba Vì. Ảnh: CĐT.

“Mưa rừng, sương núi, những đàn chim trĩ, muôn loài bướm, bọ cành cây, chim chóc đủ màu, cua suối… Rồi con Vàng con Bạc, hai chú chó bắt cua rất giỏi, mà mỗi lần run sợ chúi nấp trong nhà là chúng tôi biết có hổ đến gần, sáng sớm hôm sau phân hổ còn nóng hổi ngay rìa vườn rau.

Bố Ngọc không cho ai dùng súng bao giờ. Nhà thơ Quang Dũng có lần đem súng săn lên Nhà Ba Vì, bị bố Ngọc mắng mãi, đến những năm cuối đời chú vẫn vừa cười vừa nhắc lại.

Các bác hướng đạo thân thiết với gia đình cũng thường lên ở với chúng tôi, người một hai ngày, người hàng tuần lễ. Bác Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Nhữ Thế Bảo… Trai cả của bác Thúy lên ở nhà Ba Vì từ tuổi 13, sau này thành anh rể cả của chúng tôi…”, những ký ức ùa về, rõ mồn một qua lời kể của ông Trịnh Lữ.

Cuộc sống Suối Hoa chỉ kéo dài được khoảng 4 năm. Vào năm 1948, tình hình chiến sự khiến ông Trịnh Hữu Ngọc buộc phải đưa vợ con trở lại Hà Nội. Nhà Ba Vì mà ông gây dựng cho tương lai con cháu đã chìm thành ký ức.

Thời cuộc làm đứt gẫy giấc mơ Suối Hoa của gia tộc họ Trịnh, cho đến khi Melia Ba Vi Mountain Retreat, dự án mà ông Trịnh Lữ gọi là “những tráng sĩ lãng mạn” đánh thức núi thiêng Ba Vì: “Với chúng tôi, Melia Ba Vì đã đánh thức cuộc sống Suối Hoa rất xứng đáng với Non Tản linh thiêng.

Nhà cửa nép mình như được núi rừng che chở, lối đi nào cũng được đặt tên hoa cỏ Ba Vì, chim thú có chỗ ở yên ổn giữa thiên nhiên, phòng người ở nào cũng nhìn thấy cây lá núi rừng ngay cửa sổ…

Một tấm bản đồ cho du khách giữa rừng, một biển báo sắp vào nơi cư trú của chim muông, một bảng gỗ nhắc nhở du khách có thể cho muông thú ăn vào giờ nào, và đặc biệt là những chuồng gà hình tam giác, rất giống trại gà của gia đình chúng tôi sau Nhà Ba Vì thời xưa, xúc động lạ lùng.

Tất cả những chi tiết ấy là hình hài của một tình yêu vô bờ của người phục dựng cuộc sống Suối Hoa. Thái độ nâng niu núi rừng rất lãng mạn ấy khiến chúng tôi tin chắc rằng tương lai của Melia Ba Vì thực sự đã diễn ra rồi”.

Quả là điểm cao 600m vốn được coi là đặc khu quân sự của Pháp trước đây, giờ đẹp thật. Khu nghỉ dưỡng nằm trọn trong khu nghỉ mát quân sự hơn 80 năm trước. Những công trình mới được đặt trên chính nền của những biệt thự cũ. Rừng nguyên sinh được giữ nguyên vẹn và được chăm chút hàng ngày. Không gian được điểm tô thêm những đường cây, đường hoa... Cánh rừng đã được tô điểm để khai thác tiềm năng phục vụ lại con người.

Đã có nhiều bài học về bảo tồn và phát triển, chỉ có làm nghiêm túc mới thành công. Ảnh: CĐT.

Đã có nhiều bài học về bảo tồn và phát triển, chỉ có làm nghiêm túc mới thành công. Ảnh: CĐT.

Bạn ông Trịnh Lữ, họa sĩ Thành Chương vẫn thường nói về Melia Ba Vì rằng, những việc như thế này, chỉ có tình yêu tận hiến mới làm được… Và thật vui khi nhìn thấy những nền móng phế tích cũ được nâng niu, trân trọng, được hồi sinh trong một không gian rất thơ mộng tại Melia Ba Vì.

Theo họa sĩ Thành Chương, chỉ khi được đầu tư và phát triển đúng, thì chúng ta mới giữ được rừng, và bảo tồn được văn hoá: "Tất cả những công trình hiện nay dù chỉ còn là phế tích, nhưng ta cũng có thể hình dung được những công trình mọc lên của người Pháp, đều được gắn kết thật nhuần nhuyễn với thiên nhiên, tạo nên một không gian, cảnh quan văn hoá thật đẹp".

“Nhiều bài học về bảo tồn và phát triển cần được chúng ta nghiêm túc rút kinh nghiệm như các địa phương Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt…

Văn hoá Đông Dương là kết hợp của kiến trúc văn hoá phương Tây và phương Đông. Tinh thần văn hoá Đông Dương rất có giá trị, luôn được quan tâm và đánh giá cao, thu hút và rất hấp dẫn với thế giới.

Dãy núi Ba Vì có rừng nguyên sinh, có di sản văn hoá của người Pháp để lại, là kho báu vô cùng quý giá. Để kho báu được toả sáng và trường tồn, là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay”, họa sĩ Thành Chương nêu quan điểm.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.