| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện thành công của trái khóm Tân Phước

[Bài 4] – Ngày đêm đỏ lửa lò kẹo, mứt khóm

Thứ Bảy 30/10/2021 , 22:00 (GMT+7)

Tiền Giang Với sự sáng tạo trong ẩm thực, qua bàn tay khéo léo, người dân Tân Phước đã làm ra loại kẹo, mứt trứ danh, được chế biến chính từ loại khóm trên vùng đất khó.

Hứa hẹn cái Tết bận rộn

Sau hơn 3 tháng “đóng lò” vì giãn cách xã hội, những ngày này, các cơ sở sản xuất kẹo khóm tại làng khóm Tân Phước lại đỏ lửa để chạy đua với thời gian để làm ra những ổ kẹo khóm vừa thơm, vừa dẻo, lại đẹp mắt để phục vụ người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) đang đến gần.

Các cơ sở sản xuất kẹo khóm tại làng khóm Tân Phước hoạt động trở lại sau giãn cách. Ảnh: Minh Sáng.

Các cơ sở sản xuất kẹo khóm tại làng khóm Tân Phước hoạt động trở lại sau giãn cách. Ảnh: Minh Sáng.

Theo người dân địa phương, đa phần người làm mứt sử dụng khóm do chính tay mình trồng. Vào cao điểm, sản lượng tăng, các gia đình phải mua khóm của các ấp, xã lân cận mới đủ nguyên liệu làm. Thông thường, từ 1 trái khóm, người làm phải gọt bỏ vỏ, bằm nhuyễn và trộn với đường theo tỷ lệ 1 kg khóm, 3 kg đường cùng với mè, đậu phộng và các phụ gia cần thiết. Tùy theo cách làm, bí quyết của từng gia đình mà mứt khóm làm ra có vị đặc trưng riêng.

Sau khi tuyển chọn được những quả khóm phù hợp sẽ được sơ chế trước khi sản xuất kẹo. Ảnh: Minh Sáng.

Sau khi tuyển chọn được những quả khóm phù hợp sẽ được sơ chế trước khi sản xuất kẹo. Ảnh: Minh Sáng.

Đến thăm cơ sở sản xuất kẹo khóm của gia đình bà Trần Thị Cẩm Tiên, một trong những hộ có thâm niên hơn 10 năm làm kẹo khóm thủ công tại thị trấn Mỹ Phước (Tân Phước), ngay từ ngoài ngõ hương thơm của khóm đã phảng phất làm đắm say lòng người.

Chia sẻ bí quyết để làm ra những mẻ kẹo, mứt thơm ngon, bà Tiên cho biết, muốn có kẹo, mứt khóm ngon, điều quan trọng nhất là trái khóm phải vừa mới thu hoạch, tươi và có màu hoa cà. Nguyên liệu để làm còn có đậu phộng rang giã nhỏ, mè và đường cát trắng. Sau khi được sên trong lò, khóm phải được đưa vào khuôn khi còn nóng để rắc thêm mè và đậu phộng, ở công đoạn này đòi hỏi người làm phải nhanh tay và khéo léo…

“Do được trồng trên đất phèn, kết hợp các nguyên liệu khác sẵn có tại địa phương, kẹo khóm làm tại đây có vị chua chua, ngọt ngọt, có vị thơm béo của đậu phộng, mè, vỏ tắc, vị the the của gừng… Mặc dù, kẹo, mứt làm theo phương pháp truyền thống thủ công, sản lượng không nhiều nhưng bù lại được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm ngọt đặc trưng, giá cả hợp lý và an toàn cho người sử dụng” bà Tiên nói.

Những mẻ kẹo, mứt khóm nóng thơm lừng vừa được ra lò. Ảnh: Minh Sáng.

Những mẻ kẹo, mứt khóm nóng thơm lừng vừa được ra lò. Ảnh: Minh Sáng.

Theo bà Tiên, lúc mới bắt đầu sản xuất gia đình bà chủ yếu bán cho khách dạo hay giao cho các tiệm tạp hóa tại địa phương, dần dần người mua ở khắp nơi biết đến, gọi điện thoại đặt hàng, nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Kẹo, mứt khóm làm ra được khen ngon, hút hàng, dù có vất vả nhưng bà cảm thấy rất vui vì góp phần đưa hương vị quê hương bay xa.

"Hiện trung bình cơ sở của tôi sản xuất được 300kg mứt khóm/ngày để phục vụ nhu cầu các đơn hàng của khách sau thời gian giãn cách xã hội. Dự kiến Tết đến nhu cầu sử dụng mứt khóm cao gấp 5 - 7 lần so với ngày thường, gia đình tôi phải mướn thêm nhân công phụ làm để kịp giao cho khách hàng", bà Tiên nói.

Đầu tư máy móc hiện đại

Bên cạnh phương thức làm kẹo, mứt thủ công, nắm bắt nhu cầu thị trường, không ít hộ đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong đó, cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm Tài Linh là một trong những cơ sở tiên phong.

Cơ sở Tài Linh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Minh Sáng.

Cơ sở Tài Linh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Phạm Văn Tài chủ cơ sở kẹo, mứt khóm Tài Linh cho biết, gia đình anh đã gắn bó với nghề này hơn 5 năm. Trước đây, khi sản xuất thủ công, mỗi ngày gia đình anh chỉ làm được khoảng 20 kg kẹo/ngày, không theo kịp đơn hàng của khách. Nhờ đưa công nghệ vào sản xuất như máy ngào, máy cắt kẹo… đã giúp không chỉ sản lượng tăng gấp 30 lần, mà chi phí sản xuất giảm hơn 30%, sản phẩm làm ra đồng đều và bắt mắt.

Theo anh Tài, thị trường tiêu thụ kẹo, mứt khóm không chỉ trong tỉnh mà ngày càng được mở rộng ra các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh. Do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều, nên mứt khóm hiện nay không chỉ sản xuất vào dịp Tết mà sản xuất quanh năm, cao điểm vào khoảng tháng 11 Âm lịch là cơ sở của anh cũng như các hộ gia đình ở đây phải sản xuất từ sáng đến tận khuya.

Các sản phẩm chế biến từ quả khóm Tân Phước ngày đa dạng từ mẫu mã đến chủng loại phục vụ khách hàng quanh năm. Ảnh: Minh Sáng.

Các sản phẩm chế biến từ quả khóm Tân Phước ngày đa dạng từ mẫu mã đến chủng loại phục vụ khách hàng quanh năm. Ảnh: Minh Sáng.

“Dù mới hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng sản xuất vì dịch Covid-19, nhưng trong tuần qua, cơ sở đã tiếp nhận hàng chục đơn hàng của khách. Dù hút hàng nhưng cơ sở vẫn giữ giá ổn định từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg tùy chủng loại kẹo, mứt. Dự báo thời gian tới, nhu cầu khách hàng sẽ tăng đột biến, cơ sở đang có kế hoạch liên kết với các cơ sở và hộ sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương để sản xuất”, anh Tài chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, kẹo khóm tại đây được hình thành và phát triển một cách tự nhiên cùng những cây khóm. Ban đầu, vì khóm nhiều được mùa mất giá, không bán được, người dân mới sáng tạo ra món mứt khóm (kẹo khóm) đơn giản chỉ bằng thịt khóm ngào đường, trộn thêm gừng, mè, đậu phộng.

Dần dà, kẹo, mứt khóm Tân Phước là một trong những đặc sản nổi tiếng thơm ngon, mang tính chất làng nghề mới nổi lên của tỉnh Tiền Giang nói chung, của huyện Tân Phước nói riêng và chinh phục được thị trường khắp nơi.

“Hiện tại, huyện Tân Phước có hơn 60 hộ gia đình và cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm. Tết về cũng là cao điểm sản xuất kẹo, mứt khóm ở Tân Phước. Do đó, vào thời điểm này, các cơ sở sản xuất kẹo khóm đều "đỏ lửa" cho ra hàng tấn kẹo mỗi ngày, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho bà con huyện Tân Phước”, ông Đoàn Văn Tuấn chia sẻ.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất