| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức Vườn quốc gia U Minh Hạ

Thứ Ba 31/10/2023 , 08:42 (GMT+7)

Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2025 là một yêu cầu cần thiết, tạo điều kiện để phát triển, đa dạng sản phẩm du lịch.

Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, với tổng diện tích gần 8.830ha nằm trong hệ thống 32 Vườn quốc gia của cả nước. Ảnh: Trọng Linh.

Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, với tổng diện tích gần 8.830ha nằm trong hệ thống 32 Vườn quốc gia của cả nước. Ảnh: Trọng Linh.

Lợi thế lớn chưa được khai thác

Cà Mau là tỉnh ven biển cực Nam của Tổ quốc, hình thái là một bán đảo giáp cả Biển Tây và Biển Đông với chiều dài bờ biển là 254 km. Khí hậu Cà Mau ôn hòa thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa- nắng rõ rệt, không bị ảnh hưởng của lũ và ít có bão. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là hơn 5.220 km2 . 

Tỉnh Cà Mau rất giàu tài nguyên về rừng và biển, với hệ sinh thái rừng ngập nước diện tích hơn 100.000 ha được chia thành 2 vùng: Rừng ngập lợ úng phèn với đặc trưng cây tràm là chủ yếu nằm sâu trong đất liền ở vùng U Minh Hạ và rừng ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển. Trong rừng còn có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng Cà Mau nổi tiếng trên thế giới và chỉ đứng sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon (Brazil).

Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ chia sẻ: Vườn quốc gia U Minh Hạ được thành lập năm 2006 trên cơ sở hợp nhất Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi với một phần diện tích rừng tràm thuộc các lâm ngư trường: U Minh III, Trần Văn Thời và đã được tổ chức UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, với tổng diện tích gần 8.830ha nằm trong hệ thống 32 Vườn quốc gia của toàn quốc.

Cần khai thác hết tiềm năng du lịch tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Trọng Linh.

Cần khai thác hết tiềm năng du lịch tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Trọng Linh.

Trong đó, khu Vồ Dơi rộng gần 2.900 ha là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ tự nhiên. Thành phần loài trong rừng tràm chủ yếu là: Cây gỗ như tràm bùi, trâm khế, móp, trâm rộng, cây bụi như mua láng, mật cật gai, bòng bong, dầu dấu ba lá, thảm tươi sậy, năng, dây choại, dớn mây mước, nhiều loài dương xỉ, tảo… Đây thực sự là một bảo tàng sinh thái sống động về các loài thực vật thuộc hệ sinh thái rừng ngập của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Về động vật rừng ở đây gồm: Thú có 23 loài, các loài thường gặp như heo rừng, nai, khỉ đuôi dài, cầy hương, dơi quạ, cầy vòi hương, mèo rừng, mèo cá, rái cá lông mũi…Chim có 91 loài, các loài quý hiếm như già đẫy Java, điêng điển diệc lửa, diệc xám, cò trắng, còng cọc…

Lưỡng cư, bò sát có 47 loài, trong đó phải kể đến như rắn hổ đất, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, trăn gấm, kỳ đà nước, rùa ba gờ, rùa răng, rùa hộp lưng đen… Ngoài ra còn có lưỡng thê và nhiều loài côn trùng khác.

Bên cạnh đó, trên lâm phần có hơn 184km kênh mương với tổng diện tích mặt nước hơn 1.000.000m2 (chưa kể diện tích của các thảm cỏ ngập nước theo mùa) đây thực sự là thiên đường cho các loài cá nước ngọt sinh sống và phát triển. Theo đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ được chia làm 3 phân khu chức năng để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và đầu tư phát triển. Trong đó dự kiến quy hoạch khu du lịch sinh thái có quy mô diện tích gần 1.320ha (gồm khu dịch vụ hành chính, khu phục hồi sinh thái).

Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện có 91 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Ảnh: Trọng Linh.

Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện có 91 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây đã và đang đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện phần nào đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch sinh thái của du khách trong và ngoài nước. Với tiềm năng và thế mạnh như trên, có thể nói Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách.

Đặc biệt vào mùa khai thác cá, du khách dễ dàng bắt gặp một số loài cá có giá trị khoa học và kinh tế như cá lóc, sặc rằn, sặc bướm, trê vàng, rô đồng, thát lát, …Hệ động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có mức độ tập trung cá thể rất lớn.

Bên cạnh đó, du khách có thể tận mắt nhìn thấy những đàn khỉ trèo cây hái trái, nhiều loài chim bay đi, bay về từng đàn nhộn nhịp trông rất đẹp mắt. Mặt khác, U Minh Hạ còn có các làng nghề truyền thống, các đặc sản có nguồn gốc từ hệ sinh thái rừng tràm, do đó nếu kết hợp các làng nghề truyền thống, các loại đặc sản của rừng tràm sẽ góp phần cho du lịch sinh thái phát triển.

Ông Hoằng cho rằng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ban tặng thì trong những năm qua các hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể là hoạt động du lịch còn mang tính đơn điệu, quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên khả năng thu hút khách du lịch chưa cao...

Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Trọng Linh.

Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Trọng Linh.

Những khó khăn, hạn chế trên làm cho hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia U Minh Hạ chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của mình. Để tạo bước chuyển biến trong việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác hợp lý các thế mạnh, tiềm năng của Vườn quốc gia U Minh Hạ, định hướng phát triển của ngành du lịch Cà Mau đã lập “Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2025”, đang kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để phát triển dịch vụ du lịch ở đây, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của địa phương.

Làm gì để níu chân du khách?

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc  Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết: Doanh thu ngành du lịch của địa phương trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 2.200 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với thời điểm 2017), tăng gần 28% so cùng kỳ, với hơn 1,75 triệu lượt khách du lịch đến Cà Mau.

Doanh thu ngành du lịch tăng là do các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách liên tục được triển khai, các sản phẩm và dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao về chất lượng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư đã thu hút được nhiều du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi.

Hơn 1,75 triệu du khách đổ về Cà Mau tham quan trong 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trọng Linh.

Hơn 1,75 triệu du khách đổ về Cà Mau tham quan trong 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trọng Linh.

Về khách du lịch nội địa, khách nội địa đến Cà Mau lớn hơn nhiều so với lượng khách quốc tế do tài nguyên du lịch ở đây phù hợp phục vụ cho khách nội địa hơn, đồng thời xu thế khách du lịch nội địa đi du lịch trong nước ngày càng tăng.

Trong vòng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của UBND tỉnh Cà Mau và Tổng cục Du lịch cấp vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển các khu du lịch mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tạo thế cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực, lượng khách du lịch nội địa bắt đầu có xu hướng tăng trưởng.

“Hiện nay, khách quốc tế đến Cà Mau mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng khách đến, trung bình mỗi năm chưa đến 4%. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Cà Mau đang ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước”, ông Hùng cho hay.

Cũng như ở các tỉnh khác, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch đến Cà Mau còn chưa hợp lý, doanh thu từ các dịch vụ ăn uống, bán hàng hóa tiêu dùng chiếm đa số trong tổng doanh thu du lịch, ngược lại doanh thu từ các dịch vụ lưu trú, vận chuyển khách, tham quan giải trí… nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của Cà Mau nói chung và U Minh Hạ nói riêng.

So tiềm năng thì lượng khách quốc tế đến Cà Mau vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: Trọng Linh.

So tiềm năng thì lượng khách quốc tế đến Cà Mau vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: Trọng Linh.

Vấn đề hiện nay là thời gian lưu trú của du khách tại Cà Mau còn thấp. Ngoài ra, các mặt hàng lưu niệm, các hàng hoá đặc sản đặc trưng của tỉnh chưa phong phú nên đã hạn chế đến sức chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. 

Theo ông Hùng, nguyên nhân cơ bản là khoảng cách di chuyển đến Cà Mau khá xa, trong khi đó sản phẩm du lịch khá tương đồng, na ná như các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra, khả năng tiếp thị cũng như việc tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế nhằm giới thiệu tiềm năng và lợi thế cho khách du lịch…

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, khách du lịch quốc tế đến Cà Mau những năm gần đây cho thấy số lượng khách có tăng nhưng không ổn định, đồng thời ngày lưu trú của khách quốc tế nhìn chung không tăng trưởng. Điều này cho thấy Cà Mau nói chung và U Minh Hạ nói riêng còn có những hạn chế.

Thứ nhất, chưa có sức hấp dẫn du khách, chưa cạnh tranh được với các tỉnh trong khu vực, do đó chưa tạo được nguồn khách ổn định. Thứ hai,  các sản phẩm du lịch chưa phong phú và đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu của khách nên không giữ được khách lưu trú dài ngày.  

Thứ ba, ở các điểm du lịch còn ít các dịch vụ và các sản phẩm có chất lượng cao, hấp dẫn du khách; Thứ tư, công tác tổ chức tiếp thị, tuyên truyền quảng bá còn hạn chế và việc tổ chức kết nối tour tuyến đưa đón khách chưa bài bản.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.