Đây là nơi sống còn đối với hàng trăm ngàn ngư dân Việt Nam.
Đảo Bom Bay nhìn từ xa, hiện có công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc |
Hầu hết ngư dân các tỉnh miền Trung đều gọi đảo đá Bông Bay là đảo Bom Bay. Nếu hỏi ngư dân các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... về quần đảo Hoàng Sa thì địa danh mà bà con nhắc đến nhiều nhất sẽ là đảo Bom Bay. Hòn đảo này nằm ở mạn ngoài cùng, cách trung tâm quân sự Trung Quốc đang đóng trái phép trên đảo Phú Lâm quần đảo Hoàng Sa gần 100km. Ngư dân ở Bom Bay gắn với thân phận của những con người bị xô đẩy và phải đi rất xa, tìm về nơi an toàn để mưu sinh. Nhưng động thái gần đây của Trung Quốc đã cho thấy, nơi bình yên đó rồi sẽ không còn nữa.
Mỗi khi trời nổi bão, lên máy Icom lại nghe loạn xạ âm thanh, tiếng nói của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi gọi nhau “vô đảo Bom Bay chưa, vô hay chạy vòng ngoài?”. Đảo này giống như một sân vận động khổng lồ hình bầu dục, chiều dài gần 20km, rộng 5km, duy nhất chỉ có một cửa ở hướng tây nam. Nếu ngư dân không tranh thủ cho tàu chạy vào vành đai thì sóng lớn sẽ bít cửa. Tàu vào trong đảo có thể trụ được bão cấp 8. Nếu bão mạnh hơn thì sóng sẽ tràn bờ.
Các ngư dân thường hỏi ý kiến nên vào hay ở vòng ngoài là ngư dân Bình Định và Quảng Nam, bà con lo ngại vào đảo thì bị tàu tuần tra Trung Quốc đến bịt cửa ra. Ngư dân Nguyễn Hữu Quang ở Quảng Ngãi cho biết, không sợ, “vì tàu tuần tra to không vào lọt, nếu họ đứng xa ra hiệu đuổi thì mình cứ giả điếc là xong việc, còn chuyện bắt thì không thể được, vì họ thả ca nô vào chạy lượn vòng rồi chạy ra”.
Đảo Bom Bay đã trở thành ngôi nhà của ngư dân suốt 30 năm qua. Ngư dân Bùi Trửu ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, ra hòn đảo này hơn 20 năm về trước và chỉ thấy tàu của ngư dân Việt Nam và nhiều năm sau mới có tàu cá của ngư dân Trung Quốc xuất hiện. Nếu gió thổi từ Philippines sang thì tàu chạy qua bên bờ tây neo đậu, nếu gió mùa đông bắc thì tàu cá sang hướng nam. Khi gió ngớt thì cả ngàn tàu cá tỏa ra tiếp tục đi đánh bắt.
Các ngư dân phân tích, hải trình từ đất liền ra Bom Bay khoảng 2 ngày rưỡi, nếu gặp gió mà chạy một mạch vào bờ thì tốn khoảng 1.000 lít dầu, chưa kể thời gian đi lại và tổn phí dầu quay trở ra. Vì vậy, Bom Bay giống như một ngôi nhà của mẹ thiên nhiên giúp ngư dân trụ lại giữa Hoàng Sa đầy sóng gió.
Ngư dân Nguyễn Tấn Đại (ngoài cùng bên trái) ở Quảng Nam có cha là Nguyễn Biểu bị gió lốc mất tích ở đảo Bom Bay vào tháng 4/1991 |
Ngư dân Nguyễn Đình Chơi ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2001, ngư dân Đà Nẵng làm nghề lưới rút đến dựa vào đảo Bom Bay để lấy đà rồi đi ra bãi ngầm Trung Sa (bãi Macclesfield). Bãi ngầm này từng là nơi nhiều cá nhất trên Biển Đông. Lúc đó ngư dân ra đánh được những con cá cờ nặng 200 - 250kg và phải cắt làm nhiều khúc thì mới có thể bỏ xuống hầm tàu chở vào bờ. Mỗi khi nghe trời có gió thì ngư dân lại từ bãi ngầm giữa biển chạy ngược 74 hải lý vào Bom Bay. Vì vậy đảo này rất quan trọng và nếu mất đi là ngư dân ta bỏ mạng ngoài biển rất nhiều.
Ngư dân Lê Văn Năm ở Quảng Ngãi cho biết từ tháng 52018 đã phát hiện Trung Quốc có động thái xây dựng công trình ở Bom Bay nên bà con đã điện vào đất liền. Phỏng vấn nhiều ngư dân khác thì bà con đều nhấn mạnh rằng, “mất đảo Bom Bay, ngư dân coi như mất chiếc phao, tiếp tục bị đẩy ra giữa biển và sinh mạng của hàng trăm ngàn con người chưa biết ra sao”. Còn ngư dân Võ Trường Tiến, thuyền trưởng tàu BĐ 97323 TS ở Bình Định thì cho biết, “gần đây nghe tình hình Trung Quốc làm khó nên mỗi khi câu cà bò gù xong thì tàu không dám vào sát đảo, phải thả trôi cách 10 hải lý, thả trôi nổi như vậy mà bão gió thì mất mạng như chơi”.
Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho xây dựng một cấu trúc mới trên đá Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt - Trung và Tuyên bố DOC, làm phức tạp, căng thẳng tình hình Biển Đông”. |
Tôi từng đi qua đảo này vào năm 2017 và chứng kiến nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam trụ ở gần đảo. Trong một số tài liệu có ghi lại, vào tháng 6/1881, con tàu Eiske của Anh bị mắc cạn và chìm, con tàu vẫn còn nhìn thấy bây giờ. Nhưng theo nhiều ngư dân Lý Sơn, từ năm 1997, họ đã cho tàu ra khai thác và đục hết số sắt phế liệu từ con tàu chìm mang về bờ. Năm 1929, phái đoàn Perrier-Rouville của Pháp từng đề xuất kế hoạch xây dựng một ngọn đèn biển tại đá Bông Bay để phát tín hiệu cho tàu thuyền đi qua eo biển Malacca. |