| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề nông nghiệp hướng đến xóa đói, giảm nghèo

Thứ Hai 06/11/2023 , 11:22 (GMT+7)

Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đã giúp người dân huyện miền núi Khánh Vĩnh nâng cao kiến thức, ứng dụng vào mô hình sản xuất của gia đình đạt hiệu quả cao.

Nâng cao chất lượng lao động

Huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) hiện có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trong định hướng phát triển kinh tế năm 2023, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều là 8,06% tương đương với 867 hộ, giảm 877 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo.

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân địa phương được ngành chức năng huyện Khánh Vĩnh chú trọng. Ảnh: PC.

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân địa phương được ngành chức năng huyện Khánh Vĩnh chú trọng. Ảnh: PC.

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí để nâng cao kiến thức nông nghiệp cho người dân được chú trọng. Đây là một trong những giải pháp giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, từ đó nâng cao đời sống cho người dân.

Theo đó, vào tháng 6/2023, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Vĩnh triển khai lớp đào tạo quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi tại địa bàn xã Khánh Trung cho 35 học viên, thời gian đào tạo trong 6 tháng.

Chị Phạm Thị Bưởi, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Vĩnh cho biết, mục đích của lớp đào tạo nhằm nâng cao kiến thức cho học viên về cách trồng, chăm sóc cây bưởi theo hướng hữu cơ, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại.

Việc đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành giúp các học viên nắm vững kiến thức. Ảnh: PC.

Việc đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành giúp các học viên nắm vững kiến thức. Ảnh: PC.

Để các học viên nắm vững được kiến thức và vận dụng vào thực tế có hiệu quả, ngoài các buổi đào tạo lý thuyết, Trạm kết hợp cho các học viên thực hành ngoài vườn bưởi. Đến nay đã có 8 buổi lý thuyết và 7 buổi thực hành đã được Trạm triển khai.

“Sau hơn 5 tháng đào tạo, các học viên đã nhận biết được các loại sâu bệnh hại, hiểu được vòng đời sinh trưởng từ đó chủ động phòng trừ. Bên cạnh đó, nắm bắt được phương pháp bón phân tránh thất thoát, kỹ thuật tỉa cành tạo tán, bảo vệ thiên địch trong vườn bưởi để cây phát triển tốt, đạt năng suất cao”, chị Phạm Thị Bưởi cho hay.

Tạo sinh kế cho người dân

Tháng 7/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã mở lớp đào tạo kỹ thuật nuôi dê sinh sản tại xã Khánh Trung, Khánh Phú và thị trấn Khánh Vĩnh.

Lớp đào tạo kỹ thuật nuôi dê sinh sản tổ chức tại huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: PC.

Lớp đào tạo kỹ thuật nuôi dê sinh sản tổ chức tại huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: PC.

Thông qua lớp đào tạo, người dân được hướng dẫn về tập tính và đặc điểm sinh học, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dê… Trong đó, kỹ thuật lựa chọn con giống và chăm sóc nuôi dưỡng dê được cơ quan chuyên môn nhấn mạnh. Đây là yếu tố then chốt để nuôi dê thành công.

Là một trong những học viên tham gia lớp đào tạo, ông Trần Thanh Bách, trú tại xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) đã vận dụng những kiến thức học được để chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Bách cho biết, nguồn thu nhập của gia đình ông trước đây chủ yếu từ trồng bưởi và dâu da. Tuy nhiên, những năm gần đây bưởi mất giá nên thu nhập giảm sút. Được sự khuyến khích của UBND xã Khánh Phú, với lợi thế có hơn 2ha đất sản xuất và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, ông thử sức với mô hình chăn nuôi dê với số lượng 42 con, trong đó có 2 con dê đực và 40 con dê cái sinh sản.

Theo ông Bách, nuôi dê không quá khó và không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nguồn thức ăn cho dê cũng đơn giản như lá, cỏ có sẵn trong tự nhiên.

“Dê giống ban đầu nhận về do thay đổi môi trường sống nên gặp một số bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm loét. Từ những kiến thức học được tôi đã vận dụng để điều trị bệnh cho dê thành công”, ông Bách nói và cho biết thêm, sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến nay đàn dê của gia đình ông đã phát triển khỏe mạnh, trung bình mỗi con nặng khoảng 30kg. Hiện đàn dê có 15 con đang chuẩn bị sinh sản.

Cùng tham gia lớp đào tạo, ông Triệu Đức Phấn, trú tại xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh) hiện đang nuôi 63 con dê.

Mô hình nuôi dê sinh sản của ông Triệu Đức Phấn tại xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh) hiện đang phát triển rất tốt. Ảnh: PC.

Mô hình nuôi dê sinh sản của ông Triệu Đức Phấn tại xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh) hiện đang phát triển rất tốt. Ảnh: PC.

Ông Phấn cho biết, trước khi nuôi dê ông được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đào tạo kỹ thuật nên ông nắm bắt được tập tính, cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê.

Vận dụng những kiến thức học được, ông lựa chọn địa điểm gần núi xây dựng chuồng trại nhằm tạo sự thông thoáng và thuận tiện cho việc chăn thả. Hàng ngày, ông thả dê vào những lúc thời tiết khô ráo để tận dụng nguồn thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên và giúp dê khỏe mạnh hơn.

“Nhờ nuôi dê theo hình thức bán chăn thả nên gia đình tiết kiệm được 50% chi phí thức ăn, đàn dê tăng trưởng rất nhanh. Hiện đàn dê của gia đình có một số con đã đạt trọng lượng gần 40kg và có 20 con đang trong chuẩn bị sinh sản”, ông Phấn vui mừng chia sẻ.

Với những kết quả đạt được, sắp tới ông Phấn tiếp tục nhân rộng đàn dê để phát triển kinh tế gia đình và cung cấp con giống cho người dân địa phương để mở rộng mô hình.

Ông Phan Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh) cho biết, các lớp đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn xã thời gian qua đã mang đến nhiều kết quả tích cực, người dân đã tiếp thu được nhiều kiến thức, vận dụng vào sản xuất đạt hiệu quả hơn, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm