Học viên của khóa học được lựa chọn từ Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số trường đại học, cao đẳng. Đây là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đồng thời có khả năng tập huấn và truyền tải kiến thức cho người chăn nuôi sau khóa tập huấn.
Khóa tập huấn có hai chuyên đề chính. Nội dung phương pháp tập huấn bao gồm kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trình bày vấn đề, kỹ năng trình bày powerpoint, kỹ năng hướng dẫn thực hành. Về nội dung chuyên môn bao gồm: Kỹ thuật chọn giống và chăm sóc nuôi dưỡng đàn vịt sinh sản bố mẹ; An toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi; Các nguyên tắc về cách ly và kiểm soát ra vào trại; Xác định nguy cơ lây nhiễm; Vệ sinh làm sạch và khử trùng; Xử lý vịt bệnh, chết và chất thải chăn nuôi; Sử dụng vacxin cho vịt sinh sản; Ghi chép sổ sách trong chăn nuôi.
Tham gia khóa tập huấn các học viên còn được tham quan mô hình trang trại chăn nuôi vịt sinh sản bảo đảm an toàn sinh học và cơ sở chưa đáp ứng được tiêu chí theo kiến thức đã học để học viên có sự so sánh và áp dụng...
Kết thúc khóa học, các giảng viên đánh giá cao tinh thần học tập của các học viên, chất lượng học viên có sự thay đổi rõ ràng sau khóa tập huấn thể hiện qua bài kiểm tra đầu vào và đầu ra lớp học, trên 95% học viên đạt kết quả từ mức tốt đến xuất sắc. Những học viên có bài kiểm tra đầu ra đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Trên cơ sở này các chuyên gia của FAO và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ lựa chọn một số giảng viên nguồn trong số các học viên hoàn thành khóa học để tham gia tập huấn trực tiếp cho người chăn nuôi về thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi vịt sinh sản bố mẹ.