Đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) về hiệu quả của dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam).
Lượng hóa các yếu tố định tính trong sản xuất
Ông đánh giá thế nào về những tác động của dự án VnSAT trong việc đẩy mạnh phát triển mô hình trồng lúa “1 phải 5 giảm” và áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ở ĐBSCL, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi, trình độ kỹ thuật của người nông dân, thúc đẩy tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo bền vững?
Trước hết chúng ta thấy rằng, việc chuyển đổi từ mô hình trồng lúa “3 giảm 3 tăng” sang “1 phải 5 giảm” đã tích hợp thêm rất nhiều tiến bộ kỹ thuật ở các khâu trong quá trình canh tác lúa. Để mỗi kỹ thuật tiên tiến đến với bà con nông dân, chúng ta đã có nhiều hoạt động tập huấn. Và dự án VnSAT là một cơ hội để chúng ta có thể tập hợp lại các tiến bộ kỹ thuật đơn lẻ và tập huấn bài bản hơn, mang tính chất lâu dài, bền vững hơn.
Đồng thời, chúng ta biến những yếu tố trước đây thường mang tính chất định tính (như giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) thành những con số cụ thể thông qua việc lượng hóa nó. Từ đó, có thể tính toán được hiệu quả mang lại cho việc áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”.
Mặt khác, trong tiến trình thực hiện “1 phải 5 giảm”, Dự án VnSAT đã hỗ trợ những khâu cần cơ giới hóa mà chúng ta đang khiếm khuyết, ví dụ như khâu sấy lúa, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Những kỹ thuật đó được tập hợp lại thành một quy trình hoàn chỉnh, giúp nông dân thực hiện một cách dễ dàng hơn.
Và còn về vai trò của dự án VNSAT trong việc hỗ trợ các địa phương ĐBSCL phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo từ bảo quản, chế biến, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu?
Trước đây, trong hoạt động canh tác lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng ta đều đề cập đến chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ. Tuy nhiên nó chưa hình thành được chuỗi mang tính chất rõ ràng và chưa thích ứng với từng vùng sản xuất lúa gạo. Vì mỗi vùng sản xuất cần phải hình thành một chuỗi khác nhau, dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng vùng.
Vì thế, dự án VnSAT đi vào 8 vùng sản xuất lúa gạo của ĐBSCL với từng điều kiện đặc thù mang tính chất quy mô lớn, từ đó hình thành nên chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo cho các tỉnh, và tạo ra các lợi thế trong sản xuất theo chuỗi của mình, khắc phục những yếu tố bất lợi để tạo lợi nhuận gia tăng cao hơn cho bà con nông dân, chất lượng lúa gạo tham gia vào thị trường tốt hơn và sự điều hành, tổ chức sản xuất các địa phương cũng bền vững hơn.
Giảm phát thải khí nhà kính
Ngoài các yếu tố kể trên, dự án VnSAT còn hỗ trợ nông dân và HTX ở vùng ĐBSCL xây dựng và phát triển các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, vay vốn… Tác động của những gói hỗ trợ này thế nào tới sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL thưa ông?
Tôi cho rằng, việc dự án VnSAT đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ mang ý nghĩa rất lớn trong canh tác nông nghiệp của Việt Nam. Bởi, chúng ta đã tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nội dung quốc gia tự quyết về giảm phát thải khí nhà kính.
Trong đó, biện pháp tưới ngập - khô xen kẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Vì phương pháp tưới ngập truyền thống trước đây gây phát thải khí nhà kính rất lớn.
Mặt thứ hai, đây là một biện pháp có thể áp dụng trên diện rộng với những địa phương có hệ thống quản lý thủy lợi tốt. Và chính dự án VnSAT cùng các cơ quan chuyên môn ở địa phương, hệ thống quản lý ngành thủy lợi từ trung ương đến cơ sở phối hợp trong thời gian qua đã phát huy việc vận hành điều tiết nước cho sản xuất, tiết kiệm chi phí.
Việc tưới ngập - khô xen kẽ còn mang yếu tố về kỹ thuật, hạn chế các loại dịch hại tấn công cây trồng, giúp cây lúa khỏe mạnh hơn, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nguồn nước và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là giải pháp mà chúng ta dễ dàng áp dụng số hóa, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dự án VnSAT là một điển hình thành công về hợp tác quốc tế trong mọi mặt, mọi chỉ tiêu. Vậy theo ông, những kết quả đó đã tác động như nào đến phát triển ngành hàng lúa gạo trong bối cảnh hội nhập bền vững và đặc biệt là tái cơ cấu ngành trồng trọt?
Trước hết, chúng ta thấy rằng dự án VnSAT được triển khai trên quy mô diện tích canh tác lúa chiếm 1/10 tổng diện tích lúa của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên tôi nghĩ, tính lan tỏa của dự án đến những đối tượng không tham gia trực tiếp vào dự án là rất lớn. Mặc dù chúng ta chưa đo đếm được, nhưng đã thấy rất rõ tính hiệu quả sản xuất lúa trong những năm. Cụ thể, giá thành sản xuất lúa của các địa phương đều có xu hướng giảm xuống và chất lượng gạo tăng lên.
Đặc biệt, khi dự án VnSAT thực hiện các yếu tố về mặt kỹ thuật, đã củng cố thêm sức thuyết phục. Bởi, khi lượng hóa được việc chúng ta giảm được bao nhiêu kg phân bón thì sẽ mang lại hiệu quả cho từng hộ cụ thể là bao nhiêu tiền. Và một điều nữa, dự án diễn ra liên tục ở tất cả các vụ sản xuất lúa trong năm, như vậy sự cộng tác và hợp tác về quốc tế cho thấy chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tại địa phương, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Ban Quản lý dự án VnSAT và nhà tài trợ đã gắn kết thành một khối thống nhất.
Qua đó, vừa đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án VnSAT, đồng thời thực hiện được những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường của địa phương. Những yếu tố đó đan xen vào nhau, làm cho dự án này sinh động hơn và có tính chất duy trì, kéo dài nhiều hơn.
Được biết, Bộ NN-PTNT giao cho Cục Trồng trọt xây dựng Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030. Theo ông, những kết của của dự án VnSAT có ý nghĩa gì trong việc hoạch định Chiến lược này và chúng ta cần làm gì để lan tỏa chương trình ý nghĩa này?
Dự án VnSAT là một chương trình có tính chất phương pháp, cách tiếp cận cũng như tổ chức triển khai trên phạm vi rộng. Ngoài chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, dự án còn triển khai với chuỗi giá trị cà phê. Đây là những bài học kinh nghiệm rất giá trị cho ngành trồng trọt đối với những ngành hàng còn lại như rau, trái cây.
Đây là định hướng cho sản xuất trong thời gian tới theo hướng chất lượng, nâng cao giá trị bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, nó cũng mang tính chất về kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn. Điều đó cho thấy rằng, chúng ta cần đẩy mạnh áp dụng những giải pháp kỹ thuật, tổ chức theo cách tiếp cận của dự án VnSAT (chuyển đổi sản xuất một cách bền vững).
Tính bền vững về môi trường được hiểu là chúng ta vừa thích ứng với những biến đổi xảy ra, nhưng cũng đóng góp lại bằng việc không tác động tổn hại đến môi trường. Do đó, trong chiến lược của ngành trồng trọt thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì các kỹ thuật sản xuất lúa này không chỉ cho ĐBSCL mà mở rộng ra với cà phê ở Tây Nguyên và các loại cây trồng khác trên cả nước, đặc biệt là cây ăn trái.
Xin cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ kiểm tra, đánh giá kỹ các mô hình triển khai dự án VnSAT tại ĐBSCL, đồng thời tổ chức một số hội nghị để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, bàn các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ các tiểu dự án, các đơn vị tiếp tục chú trọng đào tạo, tập huấn, nhân rộng mô hình tham gia dự án VnSAT. Đồng thời, tổ chức, đánh giá kết quả trong thực tế sản xuất.
Từ nay đến khi kết thúc dự án VnSAT còn chưa đầy 6 tháng. Do đó, các đơn vị cần nhanh chóng hoàn thành thủ tục kết thúc dự án dựa trên hướng dẫn từ các nghị định liên quan. Đồng thời, cần phối hợp, tạo tiếng vang và lan tỏa các giá trị của dự án VnSAT ra xã hội.