| Hotline: 0983.970.780

Dầu ăn tái chế, hiểm họa khôn lường

Thứ Bảy 28/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo rất nhiều về hiện tượng dầu ăn bẩn, dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Nhưng hiện tượng này vẫn không giảm mà ngày có chiều hướng gia tăng, làm cho người tiêu dùng hết sức hoang mang vì không biết được khi nào thì những chai dầu ăn bẩn loại này có thể lọt vào gia đình mình...

Dầu ăn "móc" từ cống rãnh

Dầu ăn chế biến thực phẩm thường được sản xuất từ tinh dầu của các loại thực vật như lạc, mè, đỗ, ôliu hay các loại mỡ động vật như lợn, gà, bò... Các loại dầu này khi ra thị trường đã được đăng ký và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý thực phẩm y tế.

Tuy nhiên, hiện nay việc xuất hiện dầu ăn bẩn được pha chế lại từ dầu ăn cũ hoặc được làm từ cống rãnh, da động vật không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều và tinh vi mặc dù đã được các cơ quan chức năng triệt phá nhiều, nhưng vì lợi nhuận cao nên chúng vẫn phát triển ngày càng nhiều.

Cách thức của những người kinh doanh trên sức khỏe của người khác bằng cách là chúng cho thu mua lại dầu ăn cũ ở các nhà hàng khách sạn và các quán ăn.

Ngoài ra, chúng cũng không ngần ngại vớt dầu ăn từ nước thải. Ban đầu, người ta vớt dầu bẩn này lên với mục đích làm sạch môi trường vì chúng thường nổi lên mặt nước thải khiến bề mặt nước thải không được thoáng khí, vi sinh vật không tồn tại được, khó xử lý.

Sau khi vớt, dầu được làm trong, xử lý tiếp nhưng vẫn rất bẩn vì không lọc được hết các tạp chất. Dầu này ban đầu được dùng làm nguyên liệu trong các sản phẩm ngành công nghiệp như sản xuất đồ gốm (bôi trơn bề mặt gói, gạch nung...), hay có phần rất nhỏ trong thức ăn chăn nuôi. Nhưng vì lợi nhuận cao, nên chúng không ngần ngại thu mua lại về lọc sạch và tái chế bán ra thị trường.

Dầu ăn loại này nếu con người ăn trực tiếp thì sẽ rất nguy hiểm. Vì nó là dung môi hòa tan các chất độc hại nằm trong nước thải, cống rãnh (từ các hóa chất tẩy rửa tới cặn kim loại nặng...).

Dầu ăn bẩn khi được chế biến lên bàn thức ăn cho người sử dụng nguy hiểm vô cùng. Khi ăn vào, cơ thể con người sẽ tích tụ không biết bao nhiêu chất độc này có thể gây các bệnh nguy hiểm. Khi mới ăn vào có thể không bị ảnh hưởng ngay, bởi mỗi lần ăn với lượng không nhiều thì chưa sao. Nhưng càng ngày nó sẽ tích tụ lại và gây nhiễm độc dần dần. Sau đó, gây ra các biến chứng, bệnh tật như bệnh về máu, bệnh ung thư...

Đặc biệt khi sử dụng mỡ này để chế biến đồ ăn, dầu mỡ này rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa...

Ngoài ra, các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó... Lâu dài thì sẽ xuất hiện triệu chứng tim đập chậm, huyết áp tăng cao.

Cách nhận diện dầu ăn chất lượng

Người tiêu dùng nhận biết dầu ăn an toàn bằng mắt thường và mùi vị là vô cùng khó khăn, đánh đố người sử dụng, vì dầu bẩn vẫn có thể không có mùi, màu nào khác lạ. Vì thế để tránh mua nhầm vào dầu ăn pha trộn giả, dầu ăn kém phẩm chất, người tiêu dùng cần phải có những hiểu biết nhất định, thông qua phương pháp cảm quan nhận xét mùi vị, trạng thái và màu sắc...

08-32-31_tu-vn-tieu-dung-2
Dầu ăn cống rãnh rất hại cho sức khỏe

Đánh giá mùi của dầu: Trước hết, phải rửa tay thật sạch, không dùng xà phòng thơm để tránh lẫn mùi lạ, gây nhiễu khi nhận xét. Lấy một chiếc đũa sạch chấm vào dầu, rồi nhỏ vào lòng bàn tay trái, dùng ngón tay trỏ phải di miết, dàn rộng dầu ra lòng bàn tay rồi đưa lên mũi ngửi.

Dầu có chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu, không ôi, không hôi, không khê, không khét, không có mùi lạ, mùi khó chịu gì khác.

Nhận xét vị của dầu: Lấy một chiếc đũa sạch chấm vào dầu và nhỏ 1-2 giọt vào chỗ hõm bàn tay. Dùng lưỡi nếm xem dầu có mùi vị gì lạ không. Nếu dầu có chất lượng tốt, hương vị sẽ bình thường, không chát, không đắng, không chua mà chỉ có hương vị đặc trưng của sản phẩm, tùy theo từng loại dầu. Khi nếm xong, nhổ bỏ và súc miệng kỹ.

Đánh giá trạng thái trong suốt của dầu: Nếu dầu có phẩm chất cao, hàm lượng nước và tạp chất có rất ít thì sẽ trong suốt. Nếu không trong suốt thì tùy theo độ đục nhiều hay ít, ta có thể đánh giá được phẩm chất dầu thấp hay cao, có hàm lượng nước và tạp chất nhiều hay ít.

Ngoài ra, quan sát cả màu sắc ánh lên của dầu để phân biệt loại dầu và phẩm chất. Nếu dầu đạt phẩm chất tốt thì có màu vàng sẫm, dầu chất lượng bình thường có màu vàng nhạt. Nếu là dầu hạt cải thì trong màu vàng vẫn thấy thoáng màu lục, nếu là dầu lạc thì có màu vàng nhạt hay màu da cam nhạt; nếu là dầu hạt bông thì màu vàng nhạt hơn.

Phát hiện dầu pha trộn: Để phát hiện dầu ăn bị pha trộn hay không, lấy một ít dầu cho vào ống nghiệm, thêm vào mấy giọt axít sunfuric, đun cách thủy 60 độ C trong 15 phút. Nếu có dầu pha trộn thì sẽ thấy dung dịch vảy lên như đám mây, nếu lượng dầu trộn quá nhiều thì sẽ kết thành mảng cục.

Để phát hiện việc pha trộn thêm chất có tinh bột vào dầu ăn, lấy một ít dầu,nhỏ thêm mấy giọt iod vào, sẽ thấy dầu xuất hiện màu xanh lam.

Dầu vừng là loại dầu quý, khi mới sản xuất có màu vàng ánh hồng, đưa ra ánh sáng thấy trong suốt, không có chất lắng đọng ở đáy, không phân lớp, mùi vị rõ rệt. Nếu bị pha trộn, dù chỉ là 0,5% thành phần bằng nước cũng có thể phát hiện được: Dầu sẽ không trong suốt lắm, không đậm đặc như dầu nguyên chất, phân lớp, ngửi không thấy mùi vị thơm ngon, lại sực lên mùi vị khác lạ vì dầu đã bị phân giải, ôxy hóa, biến chất, hư hỏng...

Ngoài ra trước ma trận của dầu thực vật, các loại thực phẩm kém an toàn thì người tiêu dùng nên chọn mua dầu ăn ở các siêu thị, khi mua nên lưu ý các sản phẩm trên phải có nhãn mác và thương hiệu đàng hoàng. Không nên ham rẻ mà mua dầu không rõ nguồn gốc mà rước họa về sau.

(KTGĐ số 20)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm