| Hotline: 0983.970.780

Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp – 25 năm phát triển:

Dấu ấn từ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD)

Thứ Hai 04/01/2021 , 17:30 (GMT+7)

Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững từ nguồn vốn ODA.

Ban Quản lý Các dự án Lâm nghiệp phối hợp cùng dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tập huấn kiến thức quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng.

Ban Quản lý Các dự án Lâm nghiệp phối hợp cùng dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tập huấn kiến thức quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng.

Những thành quả nổi bật

Trong những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của Thế kỷ 20, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước củng cố phát triển quan hệ song phương truyền thống, mở rộng quan hệ đa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nước ngoài và các nguồn viện trợ phi chính phủ đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp không ngừng tăng lên.

Trước thực tế đó, đòi hỏi phải có một cơ quan chung để thống nhất tổ chức quản lý thực hiện và phát huy hiệu quả các nguồn viện trợ đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Ngày 03/01/1995, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có Quyết định số 02/TCLĐ để hợp nhất các tổ chức quản lý các dự án - chương trình viện trợ nước ngoài của Bộ Lâm nghiệp thành “Ban quản lý dự án viện trợ Lâm nghiệp” (nay là Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp).

Cũng bắt đầu từ đây, nguồn viện trợ từ nước ngoài tăng lên đáng kể. Các Nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… đã bắt đầu quan tâm và hỗ trợ tài chính cho phát triển lâm nghiệp.

Trải qua 25 năm hoạt động, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và trở thành một cơ quan quản lý các dự án ODA theo hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững. 

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, dự án với phương pháp và cách tiếp cận mới khoa học, CPO Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trong việc xây dựng một số thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn trong quản lý và phát triển ngành lâm nghiệp và phát triển nông thôn, từng bước làm thay đổi nhận thức về sản xuất lâm nghiệp, đóng góp tích cực nâng cao độ che phủ, gia tăng đóng góp GDP của ngành lâm nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành; cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân vùng miền núi góp phần xóa đói giảm nghèo.

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được thực hiện bởi Tổ chức Winrock International với sự phối hợp của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS) nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển theo định hướng bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được thực hiện bởi Tổ chức Winrock International với sự phối hợp của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS) nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển theo định hướng bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trong 25 năm qua, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đã triển khai thực hiện 29 chương trình/dự án, trồng mới được khoảng 640.000 ha rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được khoảng 32.000 ha, khoán bảo vệ rừng và quản lý rừng cộng đồng được trên 265.000 ha, hỗ trợ các địa phương giao gần 100,000 ha rừng và đất rừng cho hộ nông dân và cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện điều kiện môi trường, nâng cao độ che phủ, xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi, cải tạo nguồn nước, bảo tồn nguồn gien quý hiếm và tăng cường tính đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế hộ.

Trong giai đoạn 2005 đến 2019, các dự án ngoài việc trồng rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ) còn hỗ trợ ngành xây dựng và phát triển thể chế chính sách (Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 99 và Nghị định 156...).

Dự án VFD do USAID tài trợ mang lại những thành công ban đầu

Theo báo cáo của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới sẽ phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu trong 30 năm tới. Từ năm 2013, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được thực hiện bởi Tổ chức Winrock International với sự phối hợp của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS) nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển theo định hướng bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Giai đoạn đầu của Dự án (2013-2018) đã giúp đưa các chính sách và chiến lược quốc gia vào thực tiễn để ứng phó, và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp.

Từ năm 2018, giai đoạn 2 của Dự án tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực tài chính từ khối tư nhân để bảo vệ và phát triển dịch vụ môi trường rừng thông qua việc hoàn thiện, đơn giản hóa và minh bạch hóa việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với mục tiêu hỗ trợ Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam (VNFF) hoàn thiện hệ thống giám sát trong chi trả dịch vụ môi trường rừng; thay đổi phương thức thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng không dùng tiền mặt nhằm đơn giản hóa và minh bạch hóa việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và hỗ trợ Quỹ bảo vệ phát triển rừng mở rộng thêm các nguồn thu góp phần đáng kể vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

Kết quả điển hình nhất là việc VNFF đã ban hành cuốn sổ tay hướng dẫn kiểm tra, giám sát và đánh giá dịch vụ môi trường rừng với 28 bộ chỉ số và Sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua giao dịch điện tử, bưu điện.

Sổ tay này xây dựng dựa trên kết quả tổng kết thí điểm việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ViettelPay và bưu điện tại các tỉnh Sơn La, Lâm Đồng, Yên Bái và Thanh Hóa. Đến nay, số tài khoản ViettelPay được hỗ trợ mở mới trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng trên 8.000 hộ gia đình.

Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT xây dựng dự thảo Quyết định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 4 tỉnh là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Đồng hành cùng Tổ chức Winrock International, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng của dự án VFD khi tham gia hỗ trợ rất nhiều hoạt động nổi bật của dự án và cũng được các cơ quan đối tác ở cấp trung ương và địa phương ghi nhận.

Từ những thành công của dự án Rừng và đồng bằng (VFD) nhà tài trợ USAID tiếp tục bổ sung thêm gói tài trợ mới để thực hiện Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tại 11 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng trong giai đoạn 2021- 2025, điều này cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ trong công tác bảo vệ và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Phấn đấu vì mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững

Ông Đỗ Quang Tùng – Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, chia sẻ: Trong giai đoạn 2021 – 2025, Ban sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện định hướng của ngành. Nhất là đảm bảo tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2025.

Với áp lực nợ công ngày càng cao, do vậy Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đã định hướng phải chủ động hơn trong việc thu hút và vận động ODA. Ngoài các nhà tài trợ truyền thống, cần phải tiếp cận các nhà tài trợ mới đặc biệt huy động các nguồn vốn không hoàn lại thông qua các chương trình biến đối khí hậu, quỹ khí hậu khí hậu xanh, quỹ môi trường toàn cầu…. các khoản vay ưu đãi và huy động các khối tư nhân tham gia các hoạt động ngành Lâm nghiệp.

Các dự án sử dụng vốn ODA sẽ tập trung bảo vệ và khôi phục rừng, đặc biệt những diện tích rừng tự nhiên nhằm tăng độ che phủ của rừng, cải thiện môi trường, giảm thiểu các rủi ro thiên tai chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hỗ trợ ngành xây dựng cơ chế chính sách nhằm mục tiêu quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tăng giá trị của rừng trồng sản xuất theo hướng xã hội hoá ngành lâm nghiệp thông qua chuyển đổi kinh doanh rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng để tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân và các chủ rừng; quản lý bền vững, hiệu quả vốn rừng hiện có; khai thác tối đa tiềm năng giá trị của rừng thông qua dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ cac-bon, du lịch sinh thái; lồng ghép hiệu quả giữa phát triển lâm nghiệp gắn với các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công của nhà nước gặp nhiều khó khăn, những nỗ lực của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp nhằm huy động và quản lý các dự án, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.