| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ: Quan trọng nhưng phải cảnh giác

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:10 (GMT+7)

Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển sản xuất và xuất khẩu gỗ trong những năm qua.

16-53-29_du_tu_nuoc_ngoi_vo_ngnh_go
Một nhà máy chế biến gỗ.

Tuy nhiên, cần phải thận trọng với những dự án đầu tư với mục đích gian lận thương mại.
 

Vai trò quan trọng

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, do Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) chủ trì, phối hợp với Hiệp Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức vào ngày 27/11 tại TP.HCM, các thông tin cho thấy đầu tư nước ngoài đã có tác động lớn tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam những năm qua.

Theo nhóm tác giả Tô Xuân Phúc (Forest Trends), Cao Thị Cẩm (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) và Trần Lê Huy (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định), trong báo cáo ”Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam cập nhật đến 9/2019”, các dự án FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là một bộ phận không thể thiếu được của ngành gỗ Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2018 có 529 doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ trực tiếp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,48 tỉ USD của ngành.

Trong 9 tháng đầu 2019, số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng lên con số 565, với tổng kim ngạch gần 3,4 tỷ USD, tương đương 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (7,3 tỉ USD) các mặt hàng gỗ. Không chỉ trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp FDI khác hiện đang cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến, cung cấp dịch vụ logistic và các loại hình dịch vụ khác. Mặc dù không trực tiếp tham gia xuất khẩu, vai trò của các doanh nghiệp FDI này không kém phần quan trọng.

Ngành gỗ đang chứng kiến sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Gia tăng đầu tư FDI cho thấy ngành gỗ vẫn còn tính hấp dẫn của mình, thể hiện qua các điểm mạnh như giá nhân công thấp, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ dàng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam, bao gồm cả sự mở rộng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong thời gian gần đây.

9 tháng đầu năm nay, ngành gỗ nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương với 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018.
 

Cảnh giác với gian lận xuất xứ

Bên cạnh những tác động tích cực, vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng đang gây ra những mối lo ngại.

Trong 9 tháng đầu năm nay, số dự án FDI từ Trung Quốc đầu tư mới vào Việt Nam là 40, chiếm tới gần 60% trong tổng số dự án đầu tư. Điều đáng chú ý là mặc dù Trung Quốc có số lượng dự án FDI lớn, nhưng tổng vốn đầu tư của các dự án từ quốc gia này chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký.

Hầu hết các dự án FDI từ Trung Quốc có quy mô nhỏ. Cụ thể, trong số 15 dự án có quy mô dưới 1 triệu USD đầu tư mới trong 9 tháng 2019, có tới 10 dự án từ Trung Quốc, tương đương 67%. Trong đó, có một nhà máy sản xuất ván tại Yên Bái, với vốn đầu tư đăng ký chỉ 23.000 USD.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, do Mỹ áp thuế từ 10-25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hầu như không thể chịu nổi với mức thuế này. Vì thế, để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác. Do đó, 40 dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay mới chỉ là khởi đầu và có thể chỉ là con số nhỏ so với những dự án sắp tới.

Sự chuyển dịch vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam, đã bắt đầu gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam về tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất là nguy cơ gian lận xuất xứ.

Ông Hiệp cho rằng, để dịch chuyển một nhà máy từ nước này sang nước khác, đòi hỏi khá nhiều thời gian, từ chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dịch chuyển máy móc, thiết bị, con người… Do đó, chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp Trung Quốc chọn cách dễ dàng nhất là né tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ bằng cách đầu tư vào Việt Nam rồi tìm cách đưa đồ gỗ sản xuất ở Trung Quốc sang để đội lốt hàng Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, sự gia tăng các dự án FDI chế biến gỗ vào Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiềm ẩn rủi ro, vì tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Nguy cơ các doanh nghiệp gian lận xuất xứ sản phẩm hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu để được hưởng lợi từ các chính sách thuế, đặc biệt là gỗ dán.

Chính vì vậy, ông Hiệp cho rằng, bên cạnh sự tăng cường quản lý, kiểm soát từ phía nhà nước, các hiệp hội ngành gỗ cũng phải chủ động phát hiện kịp thời các hiện tượng gian lận xuất xứ, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết dự kiến năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019. Kết quả nói trên có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn nước ngoài đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA:

Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam, cũng cần co những chính sách khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Hiện tại, doanh nghiệp trong nước đang chiếm tỷ lệ lớn về số lượng trong ngành gỗ (gần 2.000 doanh nghiệp) so với doanh nghiệp FDI (gần 600 doanh nghiệp), nhưng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm hơn 50%, còn doanh nghiệp FDI là gần 50%.

Điều đó cho thấy, tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước nói chung còn khá hạn chế so với doanh nghiệp FDI. Thực tế cho thấy, co những doanh nghiệp FDI đang xuất khẩu mỗi tháng khoảng 2.000-3.000 container đồ gỗ. Còn với doanh nghiệp trong nước, xuất được 200-300 container mỗi tháng đã là lớn.

Do đó, trong thời gian tới phải làm sao có được những doanh nghiệp trong nước co quy mô lớn để dẫn dắt cả ngành gỗ và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định của ngành.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.