| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để đẩy lùi tụt hậu

Thứ Năm 19/04/2018 , 06:55 (GMT+7)

Trưởng đoàn công tác, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu các đề xuất kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Bộ NN – PTNT cũng như các ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc...

* Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển

17-28-33_ton_cnh_buoi_lm_viec
Toàn cảnh buổi làm việc

Để xây dựng báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về Chiến lược biển Việt Nam” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư phục vụ Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII tới đây, sáng 18/4, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN – PTNT. Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Vũ Văn Tám tiếp và làm việc với đoàn.
 

Quốc gia biển đã mạnh mẽ chưa?

Tại buổi làm việc, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng tiểu ban Quốc phòng – An ninh – Đối ngoại, Trưởng đoàn công tác cho biết, nội dung trọng tâm của buổi làm việc này nhằm tìm hiểu quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam của Bộ NN – PTNT; những kết quả và hạn chế về thực hiện các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược biển Việt Nam thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ.

“Trong đó đáng chú ý về kết quả điều tra khai thác nguồn lợi thủy sản, đầu tư phát triển thủy sản, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực ngành thủy sản, công tác phòng chống thiên tai liên quan đến biển…”, GS.TS Vũ Văn Hiền đề cập và lưu ý rằng, qua buổi làm việc nhằm tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp, thiết thực của Bộ NN – PTNT để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN – PTNT, Việt Nam là quốc gia biển với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ và hơn 200 đảo xa bờ. Đường bờ biển trải dài trên 3.260 km, có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh ven bờ. Dọc bở biển có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển; có 83 cảng cá và 51 khu neo đậu tránh trú bão... Những đặc điểm này tạo cho Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển và kinh tế vùng ven biển trong lĩnh vực thủy sản.

Ngày 09/02/2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X đã ra Nghị quyết về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực KT - XH, KHCN, tăng cường củng cố QPAN, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…”

Tiếp tục chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo được xác định trong các văn kiện trước đây của Đảng, Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm (2011 - 2020) được Đại hội XI của Đảng thông qua, nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”.

Như vậy, Đảng và nhà nước ta luôn khẳng định, biển, đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta; là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp CNH - HĐH. Hiện nay, kinh tế biển đang phát huy vai trò chủ yếu trong kinh tế đối ngoại và vai trò đầu tàu thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển.

Thực tế xây dựng đất nước trong những thập kỷ qua cho thấy, thu nhập của đất nước từ kinh tế biển càng ngày tăng, quan trọng hơn vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chỉ có đẩy mạnh phát triển kinh tế biển mới đẩy lùi được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định về Chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Bộ NN – PTNT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động cùng với sự nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành thủy sản đã đạt được những kết quả quan trọng.
 

Cần Bộ chủ quản vấn đề biển

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, các cơ chế chính sách về chiến lược biển luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành NN - PTNT đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm này hệ thống pháp luật về thủy sản đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện.

17-28-33_thu_truong_tm
Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc

Ông Tám cho rằng, ngư dân là cột mốc sống trên biển cho nên chính sách phải đặc biệt ưu tiên và phải sát với thực tế. Từ chỗ ngân sách eo hẹp nhưng chúng ta bố trí hợp lý. Chính phủ có Quyết định 48, Nghị định 67, mới đây là Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 như luồng sinh khí mới tạo động lực phát triển cho ngành thủy sản cũng như ngư dân nước ta.

Lãnh đạo Bộ NN – PTNT cho rằng, trong bối cảnh biển đông hiện nay thì nghề cá rất tốt cho việc thắt chặt các mối quan hệ với các nước trong khu vực do đó Đảng, Nhà nước cần phải dành sự quan tâm đặc biệt hơn nữa cho ngư dân. Hiện luật pháp các nước rất rắn đối với vùng chủ quyền trên biển. Như Indonesia là xây dựng luật theo hướng hình sự hóa việc ngư dân đánh bắt không đúng vùng chủ quyền.

Các ông Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Hiệp hội nuôi biển Việt Nam và ông Nguyễn Tử Cương, đại diện Hiệp hội nghề cá Việt Nam đã đưa ra nhiều lý lẽ và cho rằng, đã đến lúc Trung ương cần nhìn thẳng vào việc phải thành lập ngay Bộ Kinh tế biển. Ông Cương cho rằng, cái gì cắt giảm thì vẫn phải cắt giảm nhưng những vấn đề cốt tử cho sự phát triển kinh tế và nền an ninh quốc gia thì buộc phải hình thành nó lên để mà giữ nhà giữ cửa. Cần lắm một Bộ chủ quản cho riêng vấn đề biển.

Lãnh đạo Tổng Cục thủy sản cũng bày tỏ sự cần thiết đầu tư của nhà nước đối với hệ thống tàu kiểm tra, kiểm soát cũng như nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhất mọi tình huống trong tình hình hiện nay.

Trưởng đoàn công tác, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu các đề xuất kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Bộ NN – PTNT cũng như các ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc. Ông Hiền cho rằng, nhiều vấn đề hay, mới, hấp dẫn được đề cập tại buổi làm việc với những thông tin tin cậy rất đáng được lưu tâm cho một báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về đề xuất thành lập Bộ kinh tế biển, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, ông cũng đã nghe được nhiều ý kiến kiến nghị và qua buổi làm việc này càng cũng cố cho đoàn có thêm các luận chứng khoa học và tiếp tục nghiên cứu thêm trong đề án báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng quan nhận thấy, kinh tế biển, ven biển nước ta đã được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển kết hợp phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; tăng nhanh các ngành dịch vụ du lịch; kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với đảm bảo ANQP vùng biển; xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng chân ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống xói lở trên các đảo thuộc quần đảo; quy hoạch, triển khai xây dựng cụm công nghiệp ven biển. Công tác quản lý Nhà nước về biển và công tác cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế được quan tâm đẩy mạnh; thiết lập các dự án, công trình nâng cao chất lượng môi trường ven biển, cải thiện môi trường ven biển phục vụ phát triển KT - XH mang tính bền vững...

 

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.