Theo Phòng NN-PTNT huyện A Lưới, địa phương này hiện có 12.000 con trâu, bò, địa phương có số lượng gia súc lớn nhất tỉnh. A Lưới cũng là địa phương có số gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) lên đến 70/82 con toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong số đó có 4 con đã chết, tiêu hủy.
Đến nay, bệnh VDNC đã xảy ra trên 14 thôn/5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện là xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Trung Sơn, Quảng Nhâm và thị trấn A Lưới.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, UBND huyện A Lưới đã bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh VDNC với khoảng 540 triệu đồng mua vacxin phòng, chống dịch bệnh, đồng thời giao Phòng NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan tiêm phòng khẩn cấp vắc xin này cho trâu, bò.
Theo ông Văn Lập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện A Lưới, huyện đã tiêm hơn 8.000 liều vacxin trên tổng số gần 12.000 liều (khoảng 70%), chủ yếu là có gia súc mắc bệnh. Đến nay cơ bản tình hình dịch bệnh VDNC trên trâu, bò được trên đại bàn đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vẫn sẽ đẩy nhanh để đảm bảo an toàn cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 82 con gia súc mắc bệnh VDNC. Tiến độ tiêm phòng vacxin VDNC trên trâu, bò ở huyện A Lưới rất nhanh là cơ sở để đáp ứng miễn dịch, phòng chống bệnh dịch hiệu quả. Việc khống chế, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC ở trâu, bò tiến hành rất quyết liệt.
Để ngăn chặn tình hình dịch bệnh trên gia súc, UBND huyện A Lưới cũng đã chỉ đạo công chức nông nghiệp các xã, thị trấn phối hợp với trưởng thú y và thôn trưởng, tổ trưởng dân phố thực hiệm tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC, có giải pháp xử lý với những trường hợp không chấp hành.
Cùng với đó, các ngành chức năng địa phương này cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.