| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL đẩy nhanh tiêm phòng, chặn dịch viêm da nổi cục trâu bò

Thứ Hai 20/09/2021 , 17:12 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, các địa phương ở ĐBSCL đang siết chặt nhiều giải pháp phòng chống, nhất là đẩy nhanh tiêm vacxin phòng bệnh.

Hiện nay, điều kiện nắng nóng và mưa bão thất thường đã làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Thời gian qua, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện và có biểu hiện lây lan nhanh trên đàn bò tại các tỉnh ĐBSCL.

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Cục Thú y, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 117 đơn vị cấp xã (xã) của 35 đơn vị cấp huyện thị xã, thành phố (huyện) tại 6/13 tình thành phố ĐBSCL gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang. Tính đến ngày 14/9, tổng đàn bò mắc bệnh lên đến 1.811 con, trong đó chết 142 con.

Cục Thú y cho biết, kết quả sử dụng vacxin tại nhiều địa phương đã chứng minh giải pháp phòng chống dịch bệnh VDNC bằng vacxin là hiệu quả nhất, quan trọng nhất. Chi phí sử dụng vacxin thấp (40.000 đồng/liều), rất hiệu quả so với giá trị của trâu bò là rất lớn (khoảng 15 triệu đồng/con).

Tỉnh Tiền Giang có nghề nuôi bò phát triển với tổng đàn khoảng 121.000 con, tập trung nhiều nhất tại một số huyện như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Tân Phước. Bệnh VDNC trên trâu, bò xảy ra đầu tiên vào ngày 16/8/2021 tại xã Song Bình, huyện Chợ Gạo. Đến nay, dịch bệnh đã lan ra 31 xã thuộc 9 huyện với 199 con bò mắc bệnh.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đang triển khai chiến dịch tiêm vacxin phòng bệnh VDNC trên đàn trâu, bò từ ngày 25/8/2021 đến ngày 25/9/2021 tại các vùng có nguy cơ cao với 50.000 liều vacxin.

Dự kiến, ngành NN-PTNT Tiền Giang sẽ tiếp tục mua thêm đợt 2 là 45.000 liều vacxin nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu đạt 90% tổng đàn trâu, bò địa phương. Các hộ chăn nuôi và diện trâu, bò tiêm phòng sẽ được miễn phí vacxin nhưng chi phí tiêm phòng do chủ nuôi phải tự chi trả.

Theo đánh giá của ngành chức năng cho thấy, bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại huyện Chợ Gạo và huyện Tân Phước. Do vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh VDNC, bảo vệ đàn trâu, bò nói riêng và ngành chăn nuôi gia súc địa phương nói chung.

Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh sát trùng, chuẩn bị tiêu huỷ bò bệnh viêm da nổi cục  Ảnh: Minh Đảm.

Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh sát trùng, chuẩn bị tiêu huỷ bò bệnh viêm da nổi cục  Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại Trà Vinh, bệnh VDNC ở trâu, bò lần đầu tiên phát sinh trên địa bàn tỉnh từ 06/8/2021. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan sang 533 hộ của 29 xã thuộc 6/9 huyện. Tổng số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh 921 con/tổng đàn 3.236 con. Ngành NN-PTNT Trà Vinh đã tiêu hủy 40 con với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 8,4 tấn.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã thành lập 4 chốt kiểm tra ở 3 tuyến Quốc lộ 53, 54 và 60 nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh. Khi phát hiện trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò ra vào tỉnh trái phép thì xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh cũng đã khẩn cấp tiêm phòng vacxin VDNC cho đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đã triển khai tiêm phòng được trên 141.800 con trâu, bò (đạt gần 70% gia súc thuộc diện tiêm) của trên 34.800 hộ chăn nuôi.

Tại tỉnh Bến Tre, theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Đến nay, bệnh VDNC trên trâu, bò đã phát sinh trên 46 hộ tại 20 ấp thuộc 12 xã của 3 huyện với tổng số bò bệnh là 61 con. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tỉnh đã triển khai tiêm phòng trên 92.500 liều VDNC. Trong đó có 42.700 liều chống dịch, gần 50.000 liều người dân tự tiêm phòng, đạt tỷ lệ gần 44 % tổng đàn.

Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Cục Thú y nhận định, có nhiều lý do khiến dịch bệnh VDNC lây lan nhanh. Trong đó, một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, dứt điểm và tiêu huỷ gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh. Quan trọng không kém, giá trị kinh tế của trâu bò khá cao trong khi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ động vật nhiễm bệnh còn khá thấp, do đó có tình trạng người dân bán chạy, giết mổ gia súc bệnh.

Bên cạnh đó, đường lây lan rất phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt là lây lan qua các véc-tơ truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu… Tình trạng chăn thả trâu bò trên cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ gia súc còn cao. Thời tiết cực đoan như nắng nóng, bão lũ… làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.