| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL tìm giải pháp nuôi cá tra thích ứng biến đổi khí hậu

Chủ Nhật 18/12/2022 , 09:15 (GMT+7)

Đồng Tháp Tìm nhiều giải pháp để nâng cao giá trị ngành hàng cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng công nghệ trong nuôi cá tra

Ngày 17/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 27 trong nhóm 33 quốc gia trên thế giới có nền kinh tế bị tổn thương cao nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, thể hiện ở 2 cấp độ vi mô và vĩ mô và thủy sản là ngành dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Thiệt hại do biến đổi khí hậu ngày càng nhiều và rõ ràng, đối với khâu sản xuất từ cá bột đến cá giống ngày càng khó khăn, tỷ lệ sống rất thấp. 

Theo các chuyên gia, chất lượng con giống cá tra ngày càng giảm sút, những biến đổi đột ngột của thời tiết cũng làm cho tốc độ tăng trưởng của cá chậm lại, tỷ lệ hao hụt cao. Hơn nữa, để tăng sức đề khủng cho cá, tạo môi trường nước ổn định, hộ nuôi phải đầu tư mua hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi, thuốc phòng và trị bệnh cho cả nhiều hơn. Vì vậy, hiệu quả đầu tư cho nuôi cá tra thương phẩm ngày càng thấp.

Theo ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp: ĐBSCL có lợi thế trong nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu với sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm 2022 đạt trên 1.357 ngàn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, đạt cao nhất so với cùng kỳ các năm qua.

ĐBSCL tìm nhiều giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng cá tra và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL tìm nhiều giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng cá tra và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng, thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp làm cho ngành cá tra đối diện với những thách thức rất lớn như bệnh xảy ra nhiều hơn do nhiệt độ tăng cao, thiếu ngọt và thay đổi chất lượng nước, cũng như tình trạng nước biển dâng làm ảnh hưởng đến diện tích và chất lượng và hiệu quả của việc nuôi cá tra của các địa phương ven biển.

Đồng thời, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, rất dễ bị tổn thương cả về hình thái khí hậu khi mực nước biển tăng, lẫn diện tích đất canh tác sẽ bị thu hợp. Nuôi trồng và chế biến thủy sản lâu nay vẫn được coi là thế mạnh của khu vực vùng ĐBSCL. Trong đó, cá tra là đối tượng mũi nhọn và góp phần không nhỏ vào kim ngạch toàn vùng, vì vậy cần đưa ra một số giải pháp nuôi cá tra thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Hiệp Hội cá tra Việt Nam, ĐBSCL mỗi năm có gần 6.000ha nuôi cá theo hình thức thâm canh, nhưng đối diện với nhiều thách thức và khó khăn do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí. Vì vậy để nuôi cá tra đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Phong, Thư ký Hiệp Hội cá tra Việt Nam đưa ra một số giải pháp nuôi cá tra bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước tiên, áp dụng các giải pháp công nghệ về cơ giới hóa trong nuôi cá tra là rất cần thiết. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất và chế biến cá tra nhằm giảm chi phí nuôi, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đưa con cá tra phát triển bền vững hơn.

ĐBSCL mỗi năm có gần 6.000ha nuôi cá theo hình thức thâm canh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL mỗi năm có gần 6.000ha nuôi cá theo hình thức thâm canh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi cá tra thâm canh gồm: xây dựng hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước, quản lý thức ăn, quản lý sức khỏe vật nuôi, quản lý chất thải, thu hoạch và vận chuyển. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung. Áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất và tốt nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi (thức ăn, vật tư thiết yếu, công nghệ thu hoạch,...) và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. 

Ngành hàng cá tra phát triển vượt bậc

Ông Trần Ngọc An, Chủ nhiệm Hội quán cá tra giống huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Từ khi nghề cá tra qua bàn tay con người bắt đầu cho sinh sản nhân tạo được, đã giúp hàng ngàn người dân trong tỉnh hay ngoài tỉnh làm nghề ép đẻ cá giống và nuôi cá tra thương phẩm đã đem lại thu nhập cao cho người dân ĐBSCL.

Để hỗ trợ và định hướng cho nghề sản xuất cá tra giống huyện Hồng Ngự tại địa phương ổn định và bền vững hơn, thì việc thành lập hội quán là nhu cầu thiết thực để tạo điều kiện cho các hộ nông dân gặp gỡ. Trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để có thêm kiến thức nuôi và sinh sản nhân tạo các loại cá và phòng trị bệnh hiệu quả. Giảm được tỷ lệ rủi ro, giảm giá thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ đặc biệt chuỗi giá trị ngành hàng cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xuất phát từ các vấn đề trên Hội quán cá tra giống huyện Hồng Ngự, được thành lập và ra mắt vào tháng 7 năm 2022 với 34 hộ tham gia tổng số lượng đàn cá bố của các hộ tham gia hội quán là 175.700 con, trọng lượng bình quân đàn cá mỗi con là 4,5kg, năng suất sản xuất bột là 25 tỷ 350 triệu con bột. Quá trình sản xuất hiện nay mỗi thành viên tự học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nhau để sản xuất và bán cho các hộ nuôi tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Ngành hàng cá tra phát triển vượt bậc trong năm 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành hàng cá tra phát triển vượt bậc trong năm 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông An, hiện nay do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nghề nuôi cá tra không còn thuận lợi như trước đây. Để cá tra phát triển ổn định, ông An đưa ra các đề xuất kiến nghị với các cơ quan chuyên môn và bộ ngành liên.

Thứ nhất, khâu lựa chọn giống bố, mẹ để sản xuất rất quan trọng nhằm tạo ra con giống khỏe mạnh, phát triển ít bệnh nên cấp cho các thành viên hội quán đàn cá bố chất lượng cao.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tiếp cận được nguồn thuốc kích dục tố (HCG) chất lượng và giá ổn định để các hộ sản xuất mang lại lợi nhuận và ổn định, tránh tình trạng đầu cơ thuốc. Giúp thành viên Hội quán tiếp cận được nguồn thuốc mới thay thế HCG.

Thứ ba, làm cầu nối cho các hộ sản xuất được mua thức ăn với giá thành đảm bảo thực tế để nhằm giảm chi phí sản xuất.

Thứ tư, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, phân công cán bộ có chuyên môn bám sát các hộ sản xuất giống, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các ao nuôi, kịp thời hướng dẫn bà con phòng ngừa dịch bệnh và điều trị khi có dịch bệnh xảy ra trong diễn biến khí hậu biến đổi.

Thứ năm, làm cầu nối phát triển đầu ra ổn định, tạo thương hiệu, uy tín, chất lượng cho người nuôi.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian qua, ngành hàng cá tra đã có những bước tiến vượt bậc nhờ áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ. Nhiều mô hình tốt áp dụng vào sản xuất giống, thức ăn, nuôi và chế biến đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu cá tra. Đồng thời ngành hàng cá tra đã tiên phong trong hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường khắp các châu lục trên toàn thế giới. Cụ thể ngành thủy sản tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó cá tra là một trong 2 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực góp phần vào thành công đó cụ thể: diệc tích thả nuôi ước đạt 5.500 ha, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD, năm 2022 đã đạt kỷ lục từ trước đến nay đạt 11 tỷ USD.

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đề nghị các chuyên nghiên cứu các giải pháp về quản lý môi trường nuôi cá tra, dinh dưỡng (thức ăn cho cá tra), phòng trị bệnh cá tra, tăng tỷ lệ sống về con giống cá tra và nâng cao chất lượng con giống. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các giải pháp, quản lý vận hành cơ sở nuôi theo các điều kiện sản xuất và lợi thế của vùng nuôi. Xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, tiến đến hợp tác, tổ chức sản xuất, liên kết thị trường đa dạng hóa sản phẩm, chế biến tiêu thụ, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

“Thủy sản là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, cá tra là một trong 2 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực góp phần vào thành công đó cụ thể diện tích thả nuôi ước đạt 5.500 ha, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD”, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám Trung tâm Khuyến nông quốc gia thông tin.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 1 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.