| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Xâm nhập mặn bắt đầu bủa vây

Thứ Năm 17/02/2011 , 09:48 (GMT+7)

Xâm nhập mặn đã bắt đầu bủa vây đời sống của cư dân các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Người dân xứ biển Bình Đại, Bến Tre đã phải mua nước ngọt với giá 70.000 – 100.000 đồng/m3

Xâm nhập mặn đã bắt đầu bủa vây đời sống của cư dân các tỉnh ven biển ĐBSCL. Ở Sóc Trăng đã có gần 60 ha lúa xuân hè sớm ở huyện Long Phú bị thiệt hại do mặn xâm nhập. Ở Bến Tre xâm nhập mặn đã làm cho cư dân các xã ven biển huyện Bình Đại phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá đắt đỏ từ 70.000 – 100.000 đồng/m3.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, PGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng cho biết: Độ mặn đo được trung tuần tháng 2/2011 tại các cửa biển và sông chính đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước và đang diễn biến phức tạp. Độ mặn tại vàm Đại Ngãi, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng, cách cửa biển Trần Đề khoảng 30km là 6,3%o, cao hơn cùng kỳ từ 3 – 6%o; trên kênh Maspero tại cầu C247 thuộc địa phần thành phố Sóc Trăng độ mặn đo được là 3%o; trên sông Mỹ Thanh thuộc xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc trăng độ mặn đã lên 4%o, cao hơn cùng kỳ 0,8 - 1%o.

Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & Phòng chống lụt bão Sóc Trăng lo lắng: Độ mặn đo được các nơi ngay thời điểm này đều tăng hơn gấp đôi cùng kỳ. Với diễn biến mặn năm nay sẽ là một bất lợi cho vụ lúa xuân hè sớm. Theo kế hoạch vụ hè thu 2011, Sóc Trăng sẽ xuống giống khoảng 169.500 ha. Đến ngày 15/2, nông dân Sóc Trăng đã xuống giống được gần 45.000 ha lúa xuân hè sớm. Trong đó, huyện Mỹ Tú là 4.500 ha, Thạnh Trị 2.350 ha, Châu Thành 11.770 ha, Long Phú 12.283 ha, Kế Sách 12.480 ha và thành phố Sóc Trăng 1.493 ha.

Ông Việt nói: Vùng lúa xuân hè sớm ở huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và Châu Thành không đáng lo nhưng ở hai huyện Trần Đề và Long Phú là nằm trong “tầm ngắm” của nước mặn xâm nhập. Hiện tại, gần 3.000 ha của huyện Long Phú, Sóc Trăng đã bị mặn bao vây và hiện đã có gần 60 ha lúa xuân hè sớm ở xã Hậu Thạnh, Long Phú và Tân Hưng đã bị thiệt hại do mặn tràn đồng. Trước diễn biến độ mặn ngày càng cao, đe dọa một số diện tích lúa xuân hè sớm của nông dân, theo đó tỉnh đã chỉ đạo Cty CP Thủy lợi Sóc Trăng theo dõi sát đo độ mặn trước khi mở cống lấy nước cho vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt như cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe... Đối với hai huyện Long Phú và Trần Đề nông dân cần theo dõi sát diễn biến độ mặn để bơm nước vào ruộng; mặt khác tích cực bơm trữ nước tưới trong thời gian cống mở để lấy nước ngọt.

Ở Bến Tre, nước mặn đã theo triều cường biển Đông và gió chướng xâm nhập sâu vào các sông chính của tỉnh. Độ mặn đo được trên sông Hàm Luông tại xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú cách cửa sông khoảng 25 km là 6,9%o, cũng trên sông này độ mặn 0,9%o đã xâm nhập sâu khoảng 47 km. Trên sông Cửa Đại, tại vàm Giao Hòa, huyện Châu Thành, cách cửa sông 42 km độ mặn đo được là 2,3%o; Trên sông Cổ Chiên độ mặn 2%o đã về đến xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày Nam, cách cửa sông khoảng 42 km. Đợt triều cường rằm tháng giêng này độ mặn 4%o sẽ xâm nhập sâu vào các sông và cách các cửa sông khoảng 35 km, sâu hơn cùng kỳ và sớm hơn khoảng một tháng. Độ mặn tại các vị trí này có khả năng duy trì ở mức bằng và cao hơn trong vài ngày tiếp theo, sau đó giảm theo triều. 

Còn ở Tiền Giang, độ mặn đo được trên sông Tiền tại cống Vàm Kênh thuộc xã Tân Thành, Gò Công Đông là 19,1%o cao hơn cùng kỳ 3%o; tại Vàm Giồng xã Vĩnh Hựu, Gò Công Tây độ mặn đo được là 3,8 g/l cao hơn cùng kỳ 1,6 g/l. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: Trước mắt, các cống trong hệ thống dự án Phú Thạnh, Phú Đông đã đóng để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Còn dự án ngọt hóa Gò Công thì Trung tâm khí tượng thủy văn đang khuyến cáo bà con nông dân theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo mặn tiếp theo để kịp thời ứng phó trong sản xuất. Cống Vàm Giồng đã bắt đầu đóng để ngăn mặn cho toàn hệ thống chỉ còn cống Xuân Hòa vẫn còn vận hành lấy nước ngọt phục vụ dân sinh. Năm nay, mặn xâm nhập sâu, nắng hạn kéo dài thì đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhà nông sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo khẩn trương triển khai ngay các giải pháp phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt mùa khô, ổn định đời sống nhân dân. Theo đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tổ chức quan trắc sát diễn biến xâm nhập mặn và thông tin lên truyền thông đại chúng để người dân cập nhật và chủ động đối phó. Các địa phương tích cực làm thủy lợi nội đồng, giải quyết kịp thời nước tưới cho những khu vực úng hạn cục bộ, theo dõi sát tình hình nhiễm mặn trên hệ thống sông rạch để có kế hoạch lấy nước tưới tiêu phù hợp.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.