| Hotline: 0983.970.780

Để người dân nông thôn tỉnh Yên Bái có nước sạch

Thứ Tư 12/05/2021 , 10:41 (GMT+7)

Người dân nông thôn tỉnh Yên Bái hiện có 659.774 người, chiếm 80,16% dân số toàn tỉnh. Để người dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh phải huy động mọi nguồn lực.

Ông Đinh Trọng Hoài - GĐ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình  trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuyến về việc vay vốn ngân hàng xây dựng công trình nước sạch và VSMT nông thôn. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Đinh Trọng Hoài - GĐ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình  trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuyến về việc vay vốn ngân hàng xây dựng công trình nước sạch và VSMT nông thôn. Ảnh: Thái Sinh.

Tỉnh Yên Bái hiện có 352 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, giá trị xây dựng 455,98 tỷ, giá trị còn lại là 146,29 tỷ. Trong đó có 70 công trình hoạt động bền vững, 127 công trình hoạt động trung bình, 111 công trình hoạt động thấp, 39 công trình “đắp chiếu” nhiều năm không hoạt động, người dân phải tự tìm nguồn nước thay thế.

Từ năm 2017 tỉnh Yên Bái thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới cho vay để xây dựng 26 công trình cấp nước ăn tập trung. Đến đầu năm 2020 đã có 19 công trình cấp nước sinh hoạt vốn vay hoàn thành để cấp cho hơn 7.000 hộ dân các xã: Y Can, Đông An, Hưng Khánh, Phong Dụ Thượng, Yên Phú, Cát Thịnh…

Năm 2021 xây dựng thêm 7 công trình cấp nước ăn tập trung, nhằm đạt mục tiêu của Chương trình cung cấp nước sạch cho 11.185 hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Gia đình ông Nguyễn Khắc Dần thôn Thắng Lợi xã Y Can, huyện Trấn Yên và các hộ gia đình ở đây nằm trên nền đất Graphit, đào giếng từ 2- 3,5m thì có nước. Đây là tầng nước mặt, mùa mưa mức nước từ 1- 1,5m, nhưng chất lượng nước rất kém.

Vào mùa khô, từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng tư nước giếng chỉ còn 0,2m, múc vài gầu là cạn. Nhiều năm việc tắm giặt phải ra sông hay vào ngòi phía trong rừng, xa nhà hơn 1 km, nên cuộc sống vô cùng khổ sở. Nếu đào qua lớp quặng Graphit thì giếng không có nước.

Nhờ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới cho vay nên công trình nước sạch Y Can được xây dựng lại, hơn 700 hộ dân nơi đây được hưởng lợi từ công trình này. Gia đình ông Nguyễn Khắc Dần và các hộ ở đây chấm dứt thời kỳ sống bán sa mạc, ông và các hộ mua téc nước, xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, không ảnh hưởng tới môi trường, góp phần rất lớn trong việc xây dựng NTM.

Những địa phương có nguồn nước tự chảy không bị các hoạt động khai khoáng hay các nhà máy chế biến, cơ sở chăn nuôi… làm ô nhiễm nguồn nước thì xây dựng được các công trình cấp nước tập trung. Đến nay các công trình cấp nước tập trung cũng chỉ đảm bảo cấp nước cho khoảng 32% dân số nông thôn, còn lại người dân phải tự đào giếng ở vùng thấp, bắc nước lần ở vùng cao.

Nhiều nơi người dân phải đào giếng 15- 20m hay kéo đường ống 2-3 km mới có nước dùng. Vì thế, nhiều hộ phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng giếng nước ăn và công trình vệ sinh môi trường.

Từ năm 2006 đến hết năm 2020 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái (NHCSXH) đã cho vay 812 tỷ đồng cho 63.657 hộ để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó nước sạch là 62.633 công trình.

Trong 4 tháng đầu năm 2021 Ngân hàng đã cho 3.501 hộ vay 69,9 tỷ để xây dựng 3.501 công trình nước sạch. Chỉ 4 tháng đầu năm 2021 dư nợ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 394 tỷ, tăng 42 tỷ.

Để tận mắt thấy đồng vốn NHCSXH cho người dân vay hiệu quả như thế nào, tôi theo ông Đinh Trọng Hoài - GĐ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình đến một số hộ ngân hàng cho vay. Ông cho hay: Từ năm 2019 đến nay đã cho vay 183,4 tỷ để xây dựng 22.914 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, riêng 4 tháng đầu năm 2021 cho vay 70,426 tỷ để xây dựng 8.238 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đến gia đình bà Nguyễn Xuyến thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, gia đình bà vay 20 triệu đầu năm 2021 của NHCSXH thông qua tổ tín dụng Hội phụ nữ xã để mua téc đựng nước, đường ống, máy bơm và làm nhà vệ sinh. Giếng nhà bà sâu 18m, trước đây không có máy bơm nước phải kéo ròng rọc nên vô cùng khó nhọc. Số tiền vay không lớn, chỉ bằng một phần ba số tiền gia đình bà bỏ ra xây dựng, Nhưng đó là số tiền vô cùng quan trọng, nếu ngân hàng không cho vay thì không biết đến bao giờ gia đình bà mới có đủ tiền xây dựng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn cách nhà bà Xuyến chừng vài trăm mét, bà Nhạn năm ngoái vay 20 triệu để làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chi phí hết 57 triệu. Bà cười bảo: Với số tiền ngân hàng cho vay như một “liều thuốc” giúp chúng tôi cố gắng vượt lên, nếu không vay thì không làm được gì. Kiếm tiền ở nông thôn khó lắm…

Bà Nguyễn Thị Nhạn (giữa) trình bày việc vay vốn với cán bộ tổ tín dụng xã Thịnh Hưng và ngân hàng việc vay vốn của gia đình. Ảnh: Thái Sinh.

Bà Nguyễn Thị Nhạn (giữa) trình bày việc vay vốn với cán bộ tổ tín dụng xã Thịnh Hưng và ngân hàng việc vay vốn của gia đình. Ảnh: Thái Sinh.

Chị Nguyễn Thị Minh Huấn - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thịnh Hưng cho biết: Số hộ vay vốn NHCSXH đến nay là hơn 500 hộ, vay 10,6 tỷ, trong đó có 400 hộ vay hơn 6 tỷ để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Ông Đinh Trọng Hoài cho biết: Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình đứng đầu tỉnh Yên Bái về doanh số cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chính vì thành tích ấy, năm 2020 tôi được Bộ trưởng Bộ NN - PTNT tặng bằng khen…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.