| Hotline: 0983.970.780

Đến giờ chồng cháu vẫn trách móc cháu hỗn láo vì lần ra đi ấy

Thứ Tư 13/12/2017 , 06:50 (GMT+7)

Đi làm thì vui vẻ, bước chân về đến ngõ là muốn trầm cảm luôn cô ạ. Thêm chồng cháu vô tâm không bênh vực vợ, chồng đi cả tháng mới về, chở vợ đi ăn sáng mà bố gọi về bảo trông con của chị gái để ông đi chơi, thế mà cũng chạy về luôn, nếu lên nhà vợ ăn cơm...

Kính thưa cô Dạ Hương, 

Cháu cưới chồng do qua mai mối, vì anh là bộ đội xa nhà. Tiếp xúc bố mẹ anh sẽ cảm thấy là khó sống với gia đình họ: bố mẹ anh chê bai thông gia và con rể ngay trước mặt cháu, chửi con rể và bố mẹ đẻ của anh ấy ngay trước mặt bố mẹ cháu (vì anh ấy bận việc nên đến đám giỗ muộn), chê mẹ cháu xấu khi xem album hình cưới, chê lẵng trái cây bố cháu mang sang cúng…

Khi ấy cháu chỉ nghĩ đơn giản, cố gắng có thai rồi về nhà mẹ đẻ cho yên, đằng nào chồng cũng đi làm xa. Trớ trêu là 1 năm rưỡi mới đậu thai, đó cũng là khoảng thời gian cháu chán ngán đến tận cổ. Chị chồng lười biếng, bố mẹ chồng thì tìm cách dòm ngó tiền bạc của con trai. Chồng cháu tự chi tiêu đám cưới nhưng chị chồng bảo chị gái cháu phải giao thùng tiền mừng cho nhà chồng, tất nhiên chị của cháu đâu có đồng ý.

Bố mẹ cháu vẫn bảo là biết gia đình họ như thế thì đáng lẽ nhà mình làm tiệc vu quy riêng. Cưới xong được dư ra một ít, bố mẹ chồng lại bảo đưa tiền cho chị chồng vay chạy việc. Cháu không cho, vì tiền đã gửi ngân hàng không rút được. Nhưng cháu biết bố mẹ chồng đã lấy tiền của chồng cháu cho chị ấy vay (trước khi cưới chính mẹ chồng bảo có giữ 380 triệu của anh, sau lại bảo là nói nhầm chứ thật ra chỉ có 280 triệu thôi). Rồi bóng gió cháu làm ít tiền, bố mẹ cháu không biếu được cái gì giá trị...

Đi làm thì vui vẻ, bước chân về đến ngõ là muốn trầm cảm luôn cô ạ. Thêm chồng cháu vô tâm không bênh vực vợ, chồng đi cả tháng mới về, chở vợ đi ăn sáng mà bố gọi về bảo trông con của chị gái để ông đi chơi, thế mà cũng chạy về luôn, nếu lên nhà vợ ăn cơm anh phải nói dối là đi ăn ngoài tiệm. Đỉnh điểm là chuyện khi cháu có bầu tháng đầu tiên, đi làm về, bố chồng đút cơm cho cháu ngoại, mẹ chồng ngồi xem phim, cháu phải chờ đến hơn 7 giờ tối mới được ăn cơm. Trên mâm quá sơ sài, cháu nộp mỗi tháng 2 triệu để ăn một bữa tối thôi, mà lại được cho ăn như thế trong khi cháu đang có bầu sao? Cháu kể riêng, chồng bực tức cãi cọ rồi bảo cút đi. Ngay chiều hôm sau cháu dọn về nhà ngoại.

Thật sự lúc ấy cháu nghĩ phải ly hôn. Đến giờ chồng cháu vẫn trách móc cháu hỗn láo vì lần ra đi ấy. Nói chung cháu vẫn thấy không thể hợp nổi gia đình nhà chồng. Bây giờ đang bầu bí thì còn lánh nạn ở nhà ngoại được, sau này không lẽ cứ ở mãi đây? Chồng lúc nói ở riêng, lúc nói không ở riêng, không biết đâu mà lần. Chồng cháu là con trai một nhưng không tuyên bố cho nhà. Trước bảo cho con trai và 2 anh rể hùn tiền xây khách sạn trên miếng đất đang ở, sau lại bảo sẽ để nuôi cháu ngoại, đầu năm nay nghe giá đất lên nên có ý bán nhà.

Bố mẹ cháu gợi ý cho nhà (bên cháu có 2 cái, cho cháu một) nhưng anh từ chối, sau bố mẹ bán đi chia cho cháu 500 triệu. Giờ cháu sắp sinh, bố mẹ lại muốn cho cháu 1 phần đất khoảng 70m2 để vợ chồng cháu xây nhà ở. Tất nhiên chồng cháu lại từ chối. Cháu chán lắm. Chồng thì không đủ tiền ra riêng và hình như cũng không có ý muốn ra riêng. Ở chung với gia đình ấy chắc cháu nổ não mà chết. Bố mẹ cháu thì không thể tự ý để cháu xây nhà riêng được, phải hỏi ý kiến chồng cháu chứ, đúng không cô? Chồng thì không lấy nhà, giờ cũng không lấy đất (sợ mang tiếng), hai mẹ con cháu tương lai không biết đi đâu về đâu?

---------------------

Cháu thân mến!

Thật ra lấy nhau qua mai mối nhất định phải mang bên trong việc đó những tiềm ẩn bất cập. Vấn đề là nhà cháu khá giả, bố từng có địa vị và cả nhà giỏi thu vén, chăm sóc nhau. Bên chồng của cháu, theo lá thư mô tả dài mà cô đã gọt hơn phân nửa do khuôn khổ chuyên mục, cô thấy người ta ô trọc, thô cộ, ham tiền ham bạc lộ liễu quá.

Làm sao có tương thích khi hai bên không ai thay đổi được ai. Cháu thì bước vào đã ngán dội và luôn muốn chạy về nhà mình. Sự không xác định ấy làm cháu cứ muốn nhao ra và người ta đọc thấy, cảm thấy điều đó. Rồi việc bố mẹ chồng nàng dâu đã âm ỉ trong mắt chồng cháu, con trai duy nhất của người ta, dĩ nhiên cậu ấy sẽ đứng về phía nhà mình, thể diện đàn ông, sâu xa huyết thống của nhau, họ không chọn cháu nếu cần phải có một sự gay gắt chọn lựa.

Có một người cháu của cô, nó trai một, nhà bố mẹ nó cho, bố mẹ không ở gần nhưng nhà vợ ở gần. Nhà vợ đông, cũng có của, cậy của, cùng với tiền riêng vợ nó họ làm một ngôi nhà hai tầng cách nhà nó mấy căn. Bên họ có mẹ vợ nó, em vợ nó, bàn thờ, giỗ chạp, tụ tập, họ muốn nó về ở hẳn, cho thuê cái nhà nó được sở hữu. Họ lộng hành như vậy là vì khi cưới, bố mẹ nó cho vợ chồng nó cùng đứng tên căn nhà. Nó cố thủ, về ăn cơm chứ không ngủ, nó biết hình dung, nó chả dại. Nhưng vợ chồng bắt đầu bời rời, có hôm chồng ngủ một nhà, vợ ngủ một nhà.

Vậy đó, sự phức tạp của các gia đình bây giờ chừng như phức tạp hơn. Cháu hãy ở bên mẹ cháu khi bụng bầu gần ngày và cả khi con còn bé tí, nên viện cớ con nhỏ, nhờ mẹ nuôi, mẹ chăm. Sau đó, tùy tình hình, tính tiếp. Đất của bố mẹ cho, để đó, sinh xong, con lớn nữa, hãy tính. Đừng dồn một cục việc vào với nhau, rối bời. Cháu đẻ ở bên nhà mình, thường là vậy, cháu bà nội tội bà ngoại. Chồng vẫn xê dịch, vai trò người chồng hay đi vắng là vậy, cháu cứ cầm cự cuộc hôn nhân này, chồng về nhà ngoại thăm hay không tùy, con đầy năm sẽ có phương án tiếp, nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm