| Hotline: 0983.970.780

Đi bán cá mồi, chuyển sang nuôi cá sấu làm giàu

Thứ Sáu 13/10/2023 , 07:32 (GMT+7)

An Minh là một trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Gần đây, một số hộ đã mạnh dạn nuôi cá sấu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Tôn Văn Sồi bên trại cá sấu 6.000 con chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Tôn Văn Sồi bên trại cá sấu 6.000 con chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bén duyên với nghề nuôi cá sấu từ năm 2017, trang trại của anh Tôn Văn Sồi ở xã Đông Hòa (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) không ngừng phát triển, đến nay tổng đàn cá sấu đã lên đến hàng ngàn con. 

Bình quân, cá sấu sau khi sinh nuôi khoảng 24 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 25 - 30 kg/con. Công thức cho ăn được áp dụng theo tỷ lệ 1/5, nghĩa là cứ 5kg cá mồi sẽ được 1kg cá sấu thương phẩm. Nghề nuôi cá sấu tương đối nhàn vì cách 2 - 3 ngày mới cho ăn một lần. Tùy theo độ tuổi của cá, giá bán dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg. 

Anh Sồi cho biết, trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu bằng nghề thu mua các loại cá tạp (cá mồi) để bán lại cho các hộ nuôi cá trong ao hầm và cá sấu. Từ việc đi nhiều tỉnh ở ĐBSCL để bán cá mồi, anh nhận thấy nghề nuôi cá sấu có triển vọng mang lại thu nhập ổn định hơn. Bên cạnh đó, anh làm nghề bán cá mồi nên càng thuận lợi hơn vì chủ động được nguồn thức ăn dồi dào cho cá sấu.

Vì vậy từ năm 2017, anh bỏ ra hơn 40 triệu đồng đầu tư xây 5 chuồng (mỗi chuồng rộng khoảng 60m2) để thả nuôi 400 con cá sấu. Chỉ sau gần 18 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 15 - 20 kg/con, xuất chuồng bán cho thương lái, năm đó anh lãi gần 120 triệu đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá sấu, năm 2018, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng đàn lên 1.200 con với 9 chuồng nuôi. Vụ nuôi năm 2018, anh bán cá sấu được giá 115.000 đồng/kg, lợi nhuận 300 triệu đồng.

Thức ăn của cá sấu chủ yếu là các loại cá tạp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thức ăn của cá sấu chủ yếu là các loại cá tạp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thừa thắng xông lên, anh Sồi mở rộng trang trại nuôi cá sấu quy mô hàng ngàn con nên phải cần số vốn lớn để đầu tư chuồng trại và thuê nhân công chăm sóc. Anh đã vay vốn ở Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh An Minh hơn 3 tỷ đồng/năm để đầu tư nuôi 6.000 con cá sấu với quy mô trang trại rộng hơn 5.000m2.

Hiện nay, đàn cá sấu của gia đình anh Sồi đã đến lứa cho thu hoạch, cá đạt trọng lượng từ 15 - 30kg/con. Giá cá sấu trên thị trường hiện nay có phần giảm nên anh quyết định neo đến cuối năm, hi vọng giá tăng lên. Anh nhẩm tính khi xuất bán sẽ cho doanh thu 6,2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí và trả nợ ngân hàng ước sẽ còn lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Bên cạnh nuôi cá sấu, anh Sồi còn có mặt nước rộng 3.000m2 làm ao lắng lọc nước thải từ nuôi cá sấu và tận dụng thả 20 nghìn con cá thát lát, bình quân mỗi năm anh thu lãi từ cá thát lát trên 400 triệu đồng.

Anh Sồi chia sẻ: Do cá sấu là động vật hoang dã nên chuồng trại phải được bao chắn kiên cố. Đồng thời, người nuôi phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định. Trong quá trình nuôi nhốt, phải chú ý đến nhiệt độ môi trường, vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh cho cá sấu. Theo đó, cứ 1 - 2 tuần phải rửa chuồng, thay nước để đảm bảo môi trường luôn sạch.

Hiện nay, da cá sấu được dùng nhiều trong việc sản xuất túi xách, ví, dây nịt, va li, giày dép... nên luôn có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, muốn thành công đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về tập tính sống, khả năng tăng trưởng và một số đặc tính quan trọng khác của cá sấu.

Đặc biệt, ngoài việc chăm chỉ, nhẫn nại bám nghề thì vốn đầu tư rất quan trọng vì một chu kỳ nuôi cá sấu khá dài, đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn mạnh. Thấu hiểu điều này, thời gian qua, Agribank đã luôn đồng hành tiếp sức về vốn, giúp bà con an tâm đầu tư nuôi cá sấu, đây chính là yếu tố quyết định thành công của mô hình.

Bình quân, cá sấu nuôi khoảng 24 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 25 - 30kg/con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bình quân, cá sấu nuôi khoảng 24 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 25 - 30kg/con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh An Minh (thuộc Agribank Kiên Giang II) cho biết: Agribank đã hỗ trợ anh Tôn Văn Sồi vay vốn mở trang trại để phát triển nghề nuôi cá sấu. Đây là mô hình thành công nhất trong huyện An Minh. Hiện nay, Agribank cũng đang hỗ trợ cho vay vốn một số hộ khác trong huyện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều hộ tiếp cận vốn để phát triển nghề nuôi cá sấu.

Tính đến nay, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh An Minh đạt trên 1.400 tỷ đồng, với khoảng 6.000 khách hàng vay vốn. Trong đó khoảng 99% là vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt trên 30% tổng dư nợ. Hiện nợ xấu của Agribank Chi nhánh An Minh chỉ có 0,34% trên tổng số dư nợ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, huyện An Minh cho biết: Thành công của mô hình nuôi cá sấu của hộ anh Tôn Văn Sồi không chỉ giúp gia đình anh vươn lên khá giả mà còn góp phần giải bài toán phát triển kinh tế của huyện An Minh. Sự đồng hành của Agribank đã tiếp thêm sức để địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra và sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất