| Hotline: 0983.970.780

'Dì hai' phá vòng cương tỏa

Thứ Tư 24/10/2018 , 14:35 (GMT+7)

Không nằm trong cơ cấu là vòng cương tỏa lớn đối với sự phát triển của một giống lúa bởi tốc độ của nó có thể sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Vậy “dì hai” (tức giống lúa gốc Nhật J02) đã phá vòng cương tỏa ấy như thế nào và được người nông dân đón nhận ra sao? Câu chuyện ghi nhận ở Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

13-57-12_dsc_2254
Niềm vui được mùa J02 trên đồng Thanh Lãng

Anh Nguyễn Huy Lực, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thanh Lãng thống kê cho tôi hay, địa phương có 420ha lúa 2 vụ, 180ha lúa 1 vụ mỗi năm cấy dăm bảy giống lúa chính trong đó gồm cả chất lượng và phổ thông như Khang Dân 18. Với Khang Dân 18, giống lúa nhập nội có tuổi đời trên dưới 20 năm thì người dân nơi đây chỉ gặt, phơi se rồi bán luôn trên đồng cho cánh hàng xáo về chế biến mì sợi, bún hay nấu rượu. Với các giống chất lượng thì họ phơi kỹ, cất trữ để dùng dần hay bán nếu thừa.

Cách đây mấy năm, địa phương mời 11 chi hội trưởng chi hội nông dân trong thôn đi thăm mô hình J02 (giống lúa gốc Nhật do Cty cổ phần Giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sản xuất) ở xã bên Tân Phong, thấy năng suất rất tốt dù chất đất bên đó xấu hơn. Mỗi đại biểu còn được tặng 1kg gạo để dùng thử. Người có nồi cơm điện tốt, nấu vừa nước thì khen ngon, khen đậm, người có nồi cơm điện kém, nấu thừa nước thì lại chưa ưng. Tuy nhiên vụ xuân 2017 thị trấn vẫn quyết định cấy thử 5ha.

J02 - giống lúa chất lượng nhưng năng suất lại đứng đầu bảng ở Thanh Lãng, trung bình 2,6 - 2,8 tạ/sào. Vì chất lượng tốt, tỷ lệ thành gạo đạt 70 - 72% nên giá bán thóc đạt 1 triệu/1 tạ, giá bán gạo đạt 15.000đ/kg.

Phấn khởi trước kết quả đó nên vụ xuân năm 2018 Thanh Lãng mở rộng quy mô cấy J02 lên 80ha, đạt năng suất trung bình 2,8 tạ/sào. Dù có một số cán bộ kỹ thuật cấp trên còn ngập ngừng khuyên không nên cấy lúa Nhật trong vụ mùa bởi nghĩ nó chỉ ưa lạnh chứ không chịu được nóng nhưng vụ mùa 2018 Thanh Lãng vẫn cho cấy thử ở 5ha. Đợt gặt điểm vừa qua J02 đã đạt năng suất trên 2 tạ/sào trong khi các giống khác chỉ trung bình 1,5 tạ/sào khiến cho một hai hộ đầu vụ đã từng gieo mạ xong rồi bỏ không cấy lại đâm ra tiếc.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng, ông Lưu Văn Trọng tâm tư: Khó khăn của một giống lúa khi không đưa vào cơ cấu là không có hướng dẫn, lịch cấy, khuyến cáo của trên mà bên dưới phải tự chỉ đạo, tự chịu trách nhiệm. Đạt kết quả tốt thì không sao, ngược lại thì trách nhiệm rất nặng nề. Bởi thế mà địa phương phải làm từng bước rất thận trọng.

“Chúng tôi rất muốn giống lúa Nhật này được đưa vào cơ cấu chương trình lúa chất lượng cao không hẳn vì được hỗ trợ giá giống mà vì muốn thống nhất sự chỉ đạo, lịch khung thời vụ từ cấp tỉnh, cấp huyện xuống cấp xã, thị trấn để cán bộ cũng như nông dân thêm yên tâm mở rộng”.

Bà Đỗ Thị Sáu, Chi hội nông dân tổ dân phố Hồng Bàng bảo J02 có đặc điểm mạ phát triển chậm hơn lúa khác nhưng sau đó lớn rất nhanh. Về cách thức chăm sóc, bà khuyên nên bón lót mỗi sào 2 xe bò phân chuồng, khi lúa bén rễ hồi xanh bón thúc đợt 1 bằng 10kg lân Lâm Thao cộng với 8kg NPK Lâm Thao, đợt 2 khi lúa phân hóa đòng bón nốt 7kg NPK Lâm Thao, 3kg kali và 1kg đạm.

"Lúc lúa gặt về thôn xóm xôn xao. Hộ không cấy J02 thì bảo không có gì địch nổi chất lượng gạo của lúa nhà tôi, còn hộ cấy J02 thì bảo chẳng gì bằng gạo của lúa Nhật: Trước đây dân quen trộn gạo Khang Dân 18 cùng gạo Hương Thơm số 1 để khi ăn cơm dở khô, dở dẻo nhưng từ hồi có J02 thì không cần phải làm thế”, bà Sáu nói.

Vợ chồng anh Nguyễn Bá Đào - Nguyễn Thị Nhung cấy 7 sào lúa J02, gặt xong về dùng thử. Bình thường mỗi bữa chưa bao giờ họ ăn nổi 2 bát cơm nhưng bữa đó ăn liền 3 - 4 bát. Hay như anh Nguyễn Bá Trung - chồng chị Nguyễn Thị Hồng vốn thể tạng khiêm tốn nên ít khi ăn quá 1 bát từ hồi cấy J02 ăn được tới 2 bát. Vụ xuân chưa tới mà anh cứ giục vợ đăng ký nhanh kẻo mà hết giống.

Bà Nguyễn Thị Phòng, Chi hội trưởng Chi hội nông dân tổ dân phố Độc Lập bổ sung thêm: “Nấu gạo Nhật cứ phải có nồi cơm tốt. Tổ dân phố chúng tôi nhiều nhà sắm toàn nồi cơm điện Cuckoo loại từ 2,5 triệu trở lên để có hơi nhiều giúp cho cơm thêm thơm dẻo, dai, ngọt”.

Bà Phòng cấy 3 sào lúa, phần ít để gia đình dùng còn phần nhiều để biếu con cháu, họ hàng ngoài thành phố. “Không có quà gì quý bằng cân gạo quê ngon. Nhiều người ăn quen cứ nhờ tôi đong hộ, mệt quá tôi mới cho họ luôn số điện thoại của đại lý xay xát”, bà Phòng bảo.

"Khi phơi lúa Nhật cũng không nên phơi 1 lần dưới nắng gắt trên nền bê tông cho xong mà phải phơi dày 1 nắng rồi cất 2 - 3 ngày cho thóc nghỉ lại đem ra phơi tiếp để có được hạt gạo rộng, sáng trong, không bị nát. Khi xay xát nên nhẹ nhàng để giữ lại dưỡng chất bên trong", bà Nguyễn Thị Phòng.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm