| Hotline: 0983.970.780

Địa phương trải qua 3 dịch bệnh

Thứ Ba 09/06/2020 , 07:01 (GMT+7)

Huyện Mê Linh (Hà Nội) vừa qua gặp phải ba dịch là Covid-19, H5N6 và tả lợn Châu Phi nhưng đã dần vượt qua với một số tín hiệu tăng trưởng tốt trong sản xuất.

Tiêu hủy lợn dịch ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Tiêu hủy lợn dịch ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Gặp khó toàn ngành

Vụ Xuân 2020 diễn biến thời tiết thất thường, dịch bệnh trên người cũng như gia súc, gia cầm rất phức tạp thì các bệnh nguy hiểm huyện Mê Linh đều phải trải qua.

Việc cách ly y tế đối với thôn vạn dân Hạ Lôi của xã Mê Linh diễn ra trong suốt thời gian dài khiến diện tích hoa, rau màu trên địa bàn xã không được chăm sóc thường xuyên, sinh trưởng kém, sản lượng giảm.

Về chăn nuôi, đầu năm 2020, xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đầu tiên tại thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng khiến phải tiêu hủy bắt buộc 744 con.

Dịch trên gà chưa nguôi thì tháng 1/2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một hộ dân thuộc xã Chu Phan làm 14 con lợn phải tiêu hủy dần bùng phát khiến số lợn trên địa bàn giảm mạnh từ 63.000 con còn 28.000 con.

Thêm vào đó, mạng lưới khuyến nông trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn cả nhân lực lẫn vật lực khá mỏng.

Lực lượng cán bộ thú y của một số xã, thị trấn còn thiếu, khối lượng công việc nhiều và có phần độc hại, nguy hiểm trong khi mức phụ cấp thấp nên không khuyến khích được cán bộ tham gia phòng, chống dịch.

Không bỏ đất vì dịch bệnh

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng diện tích gieo trồng vụ xuân của huyện là 6.278ha đạt 100% so với kế hoạch. Riêng diện tích rau các loại đạt 1.077ha tăng 4%, hoa các loại 720ha tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Diện tích rau đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn là 42,83ha, sản lượng trung bình 8,2 tấn/ngày trong đó có 1 mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, 284ha áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS).

Mê Linh phấn đấu đưa diện tích cây vụ đông năm 2020 tăng lên 3.232ha (hơn 71ha so với năm 2019), mở rộng diện tích rau các loại lên 1.800ha; cây ăn quả 887,2ha tăng 36,9ha so với năm 2019.

Tình hình dịch trên đàn gia súc, gia cầm không phát sinh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ổ dịch tả lợn Châu Phi đã qua 4 tháng không phát sinh ổ dịch mới, 3 ổ dịch cúm gia cầm qua 2 tháng không phát sinh ổ dịch mới.

Công tác tái đàn lợn đã được UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không làm ồ ạt. Phấn đấu đàn lợn 42.000 con (bằng 66,7% tổng đàn trước khi có dịch tả Châu Phi), đàn bò 4.850 con, đàn trâu 1.000 con, đàn gia cầm 1.000.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 10.871 tấn, trong đó thịt lợn chiếm ưu thế với 10.130 tấn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Bùi Xuân Cường, để đạt được những kết quả đó, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh, quản lý tổng đàn vật nuôi; Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, kinh phí sẵn sàng xử lý dập dịch không để lan ra diện rộng.

Ngay từ đầu năm toàn huyện đã triển khai công tác tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm. Hỗ trợ các xã, thị trấn 100,5 tấn vôi và triển khai 4 đợt phun khử trùng tiêu độc trên hơn 9.200.000 m2 diện tích khu vực chuồng nuôi và nơi có nguy cơ lây nhiễm.

Nhờ đó tình hình dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản được kiểm soát kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại của nhân dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tạo thương hiệu cho nông sản phát triển bền vững

Trước tình hình diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, tốc độ đô thị hóa nhanh, Mê Linh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó phát triển rau, hoa theo hướng sản xuất công nghệ cao, phát triển chuỗi liên kết, nhận diện thương hiệu cho sản phẩm...

Hiện tại, huyện đã có 6 làng nghề đã được công nhận, 80 HTX, 34 trang trại, 19 mô hình sản xuất công nghệ cao, 45 mô hình chuỗi liên kết và 65 sản phẩm được cấp mã QR code. Hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Thu hoạch hoa hồng. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch hoa hồng. Ảnh: NNVN.

Không thể không kể đến các mô hình chuỗi liên kết đáng chú ý như chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong, xã Tiến Thịnh; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt.

Các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiếp tục được nhân rộng tại các xã, thị trấn khác như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Việt Doanh, xã Đại Thịnh; HTX Rau quả sạch Thắng Lợi, xã Văn Khê; Công ty giống cây trồng ở xã Đại Thịnh; Công ty TNHH Lam Thiệu xã Hoàng Kim, HTX DVNN Bồng Mạc, xã Liên Mạc…

Để quảng bá nông sản sâu rộng hơn, Mê Linh còn chú trọng việc kết nối HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

UBND huyện hỗ trợ 100% kinh phí hội nghị triển khai, hội nghị tổng kết, kinh phí vận chuyển tham gia hội nghị xúc tiến thương mại. Sau khi tham gia các hoạt động, nhiều nông sản được các đối tác thương mại lựa chọn tiêu thụ, lợi nhuận tăng từ 10-25%.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Mê Linh, trong năm 2020 đơn vị sẽ triển khai thêm 4 mô hình: trồng 4.000 chậu hoa đồng trong nhà màng và hệ thống tưới tiết kiệm, trồng hoa lily giống mới 1.000ha, đầu tư 7 máy làm đất đa năng, mô hình thủy sản 2ha.

Tuy nhiên, hiện các sản phẩm nông nghiệp của địa phương vẫn chưa tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bởi thế, ông Ngọ Văn Ngôn-Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại (Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội) cho rằng, huyện Mê Linh cần tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng toàn bộ sản phẩm nông sản trên địa bàn để đạt mục tiêu đưa 36 sản phẩm tham gia OCOP trong thời gian tới và xây dựng đề án cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nông thôn mới để kịp thời hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2020 cần phải đạt thêm 2/9 tiêu chí về giáo dục và môi trường.

Hiện nay huyện chỉ có 2/6 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 33,33% (theo quy định là trên 60%). Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn rất hạn chế do hầu hết các xã, thị trấn chưa có điểm tập kết rác.

Hai xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là xã Tam Đồng và Tự Lập chưa hoàn thiện hồ sơ để thành phố sớm xét duyệt.

Trước mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 từ 6,2% trở lên của Mê Linh trong khi thời gian còn lại không nhiều, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho hay, điều đó có thể nếu thực sự quyết tâm. Mê Linh có thế mạnh lớn về sản xuất nông nghiệp với các nông sản như hoa, rau và cây ăn quả cộng với tiềm năng tái đàn lợn.

Nếu chỉ đạo tốt, huyện còn có thể đạt tăng trưởng cao hơn 6,2% để đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp của Thành phố.

Xem thêm
Cần quan tâm chuyên sâu tới chất lượng đàn hươu giống

HÀ TĨNH Để phát triển nghề chăn nuôi hươu bền vững, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có khuyến khích doanh nghiệp duy trì, nâng cao chất lượng đàn hươu giống.

Tiêm vacxin phòng dại gặp khó vì chủ vật nuôi không hợp tác

Đắk Lắk đang đẩy nhanh việc tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo, nhưng đang gặp nhiều khó khăn vì một số chủ vật nuôi không hợp tác.

Bí kíp sản xuất cây rau giống ở Mộc Châu

SƠN LA Nhờ được chuyên gia của FAO hỗ trợ, anh Tú đã học được bí kip ghép và sản xuất cây rau giống cung cấp cho địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La).

Hợp tác xã Tân Mỹ đưa bưởi sang trời Âu

BÌNH DƯƠNG Môi trường xanh, sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là chìa khoá giúp HTX Cây ăn trái Tân Mỹ đưa được quả bưởi sang trời Âu.