Mạnh dạn chuyển đổi
Gia đình chị Vũ Thị Chi (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) có 2ha na hoàng hậu, hơn 1ha nhãn và 1ha trồng xen nhiều loại cây ăn quả (ổi, vú sữa hoàng kim, sầu riêng). Trước đây, gia đình chị chỉ trồng các loại cây như mía, mì, bắp (ngô)... tuy nhiên hiệu quả không cao do giá cả bấp bênh. Năm 2016, nhận thấy cây nhãn và na hoàng hậu đang được trồng nhiều, cho thu nhập ổn định nên vợ chồng chị đã mạnh dạn mua cây giống về trồng thử. Nhờ được chăm sóc tốt nên chỉ 2- 3 năm, vườn đã bắt đầu cho thu bói.
“Tôi thấy cây na hoàng hậu, nhãn rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Cây phát triển nhanh, cho năng suất cao và chất lượng quả cũng được thương lái, người tiêu dùng đánh giá cao nên đã mạnh dạn đầu tư”, chị Chi chia sẻ.
Cũng theo chị Chi, bình quân na hoàng hậu cho thu hoạch từ 7 - 10 tấn/ha, giá bán 20 - 40 ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm. Còn cây nhãn bình quân năng suất đạt 7 - 15 tấn/ha, giá bán 20 - 30 ngàn đồng/kg. Như vậy sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi ha cây ăn quả cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. “Trồng nhãn, na vừa ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh mà hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng mía, mì (sắn). Năm nay gia đình đang làm hồ sơ để đưa sản phẩm na hoàng hậu tham gia chương trình OCOP của huyện”, chị Chi chia sẻ.
Tương tự, sau nhiều năm gắn bó với cây mì, cây mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao, gia đình anh Nguyễn Tự Vững (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) đã chuyển đổi 2,5ha sang trồng nhãn và na dai. Năm 2018, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, bạn bè và người dân về cây nhãn, anh đã lặn lội về quê hương Hưng Yên để lấy giống nhãn Hương Chi và na dai về trồng. 3 năm sau, cây nhãn và na dai không phụ công người chăm sóc, đã cho ra những trái bói đầu tiên. Tuy nhiên, khi cây na dai có trái, anh Vững lại thấy điểm hạn chế của cây này là tỷ lệ đậu quả thấp, khi vào vụ thu hoạch na chín nhanh, nếu thương lái thu mua chậm na sẽ bị rụng hết ngoài vườn.
Theo đó, anh chặt bỏ hết na dai, thay thế hoàn toàn bằng cây nhãn Hương Chi. Ngoài ra, anh đầu tư khoan giếng và hệ thống tưới nước nhỏ giọt để đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Hiện cây nhãn của gia đình anh Vững đã cho thu hoạch được 3 năm, năng suất tăng lên theo từng năm, năm đầu thu được 3 tấn, năm thứ 2 thu được 7 tấn, năm thứ 3 thu được gần 10 tấn.
“Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới, tôi đã ép cho cây nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ nên dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Mấy năm qua, vườn nhãn của gia đình luôn ổn định giá bán ra từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng mì, mía”, anh Vững nói.
Chính quyền cùng chung tay
Yang Trung là một trong những xã phát triển diện tích cây ăn quả mạnh nhất huyện Kông Chro. Nơi đây đã hình thành được những vùng trồng cây ăn quả tập trung. Hiện toàn xã có 152ha cây ăn quả, tăng hơn 60ha so với năm 2019. Một số cây chủ lực như 55ha nhãn, 56ha na, 2,8ha chuối, 6,5ha thanh long và hơn 20ha cây ăn quả khác (ổi, vải, đu đủ, vú sữa, dừa, chanh, táo...). Các loại cây này đã mang lại giá trị kinh tế cao so với cây trồng khác như mía, đậu đỗ các loại, mì, rau màu...
Ông Đinh Văn Brơn, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung cho biết, những năm gần đây, cây ăn quả phát triển mạnh trên địa bàn và cho thu nhập tương đối ổn định, cao hơn những loại cây trồng khác. Để sản xuất hiệu quả, người dân đã đầu tư hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước và sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời ứng dụng kỹ thuật điều khiển ra hoa trái vụ, rải vụ để có giá bán cao hơn.
Đồng hành cùng người dân, UBND xã đã hỗ trợ bà con xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn. “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định sẽ tập trung phát triển cây ăn quả. Theo đó, xã phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên trên 250ha, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung thông tin thêm.
Ông Nguyễn Quang Quốc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro cho biết, hiện toàn huyện có hơn 871ha cây ăn quả, tăng hơn 400ha so với năm 2019. Trong đó, một số cây ăn quả chính như chuối, nhãn, na, bơ, mít, bưởi… Năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt các mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và tem điện tử, xác thực nguồn gốc hàng hoá tại 5 xã với quy mô thực hiện 32,5ha đối với cây nhãn và bưởi da xanh. Những năm tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục triển khai các mô hình đối với cây na, chuối nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện một số sản phẩm cây ăn quả gồm mắc ca, nhãn T6, bưởi da xanh của huyện đã đạt OCOP 3 sao.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả đang có giá trị kinh tế cao như chuối, nhãn, na, bơ, thanh long… Trong đó tập trung triển khai ở một số địa phương như thị trấn Kông Chro và các xã Yang Trung, An Trung, Kông Yang, Đak Pơ Pho, Yang Nam…
“Cây ăn quả rất phù hợp với địa phương, trong điều kiện nguồn nước tưới hạn chế, hiệu quả kinh tế mang lại vẫn cao và ổn định hơn các cây trồng khác. UBND huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng cho cây chuối, nhãn, na… gắn với xuất khẩu”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro thông tin thêm.