| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương

Thứ Hai 24/07/2023 , 20:54 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT ngày 24/7 có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành Trung ương khuyến cáo về việc sử dụng vacxin trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương.

Vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022. Ảnh: TQ.

Vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022. Ảnh: TQ.

Vacxin sử dụng an toàn tại 40 tỉnh, thành

Văn bản số 4870/BNN-TY nêu rõ, từ khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tháng 2/2019 đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vacxin. Tăng cường hợp tác quốc tế, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn thú y, doanh nghiệp trong nước tổ chức nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Cụ thể, từ tháng 11/2019, với sự hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt chuyển giao chủng giống virus sản xuất dịch tả lợn Châu Phi của các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn thú y của Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất thành công, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam.

Từ tháng 5/2022, đã có 2 loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi là NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC) nghiên cứu, sản xuất được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vacxin thú y.

Đây là những vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành. Đặc biệt, trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vacxin thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi được cấp phép trên thế giới.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tổ chức thực hiện và cho kết quả như sau: Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp tổ chức giám sát chất lượng, giám sát sử dụng 600.000 liều vacxin trong điều kiện chăn nuôi thực tiễn tại Việt Nam.

Kết quả, đến tháng 7/2023, tổng cộng đã có hơn 650.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát chất lượng đạt 100%. Sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Lợn được tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao (đạt trung bình trên 95%).

Xuất khẩu vacxin sang Cộng hòa Dominica và Philippines

Bên cạnh đó, theo đề nghị của một số quốc gia, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng các loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi nêu trên. Cụ thể, vacxin NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO đã được sử dụng tại Cộng hòa Dominica cho kết quả tốt.

Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Dominica đã có công thư cảm ơn, đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tiến tới bán vacxin để sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại Cộng hòa Dominica.

Vacxin AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC đã được sử dụng để tiêm cho các đàn lợn và đánh giá thận trọng tại Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vacxin đạt an toàn. 100% lợn được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể. Tuần này, Công ty AVAC dự kiến xuất khẩu lô vacxin dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên 300.000 liều sang Philippines.

Ngoài ra, theo đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 4-5/2023, dựa trên các kết quả nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, cấp phép lưu hành và giám sát sử dụng vacxin tại Việt Nam đã khẳng định kết quả nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam tương đồng với kết quả nghiên cứu của phía Hoa Kỳ.

Việc tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng vacxin dịch tả lợn Châu Phi (vô trùng, an toàn và hiệu lực) của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế. Trong đó có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vacxin do các nhà khoa học xây dựng và đã được trình lên Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) để xem xét, thông qua.

Tổ chức họp, đánh giá việc kiểm soát chất lượng và sử dụng 600.000 liều vacxin tại hơn 40 tỉnh, thành phố cho kết quả an toàn, vacxin có hiệu lực. Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, đề xuất các vacxin dịch tả lợn Châu Phi nêu trên đủ điều kiện để được phép lưu hành, sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Kết quả giám sát cho thấy, cả 2 loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE và NAVET-ASFVAC an toàn trên lợn được tiêm tại tất cả các trang trại và có đáp ứng miễn dịch tốt. Ảnh: TQ.

Kết quả giám sát cho thấy, cả 2 loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE và NAVET-ASFVAC an toàn trên lợn được tiêm tại tất cả các trang trại và có đáp ứng miễn dịch tốt. Ảnh: TQ.

Nghiên cứu, sản xuất vacxin cho lợn nái, đực giống

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và sử dụng vacxin an toàn, hiệu quả, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật Thú y, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y. Bên cạnh đó, xem xét, quyết định việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Lưu ý, trong quá trình triển khai tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi có thể các đàn lợn của địa phương đã nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Do đó, khi đàn lợn được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Công ty NAVETCO và Công ty AVAC trong việc triển khai sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Báo cáo kết quả sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi cũng như kịp thời có văn bản phản ánh đầy đủ, chính xác những khó khăn, vướng mắc đến Bộ NN-PTNT thông qua Cục Thú y để phối hợp, xử lý.

Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương mình. Ảnh: TQ.

Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương mình. Ảnh: TQ.

Công ty NAVETCO và Công ty AVAC xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng vacxin dịch tả lợn Châu Phi theo nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu lực theo đúng quy định.

Chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng toàn bộ các lô vacxin dịch tả lợn Châu Phi sản xuất trước khi đưa vào kinh doanh, sử dụng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp gửi mẫu vacxin tới Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I thuộc Cục Thú y để kiểm tra chất lượng đủ ít nhất 10 lô vacxin sản xuất liên tiếp. Hướng dẫn các địa phương về tiêu chí kỹ thuật, lựa chọn lợn đáp ứng điều kiện để tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vacxin và chịu trách nhiệm về chất lượng vacxin khi cung ứng trên thị trường. Có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phục trong các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế và các đơn vị liên quan để tổ chức nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu quả của vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên các đối tượng lợn khác nhau và độ tuổi khác nhau, độ ổn định và kéo dài thời hạn sử dụng vacxin.

Cục Thú y chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật đối vối các địa phương, doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất lượng, sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Phối hợp với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho các đối tượng lợn khác (lợn nái, lợn đực giống) ở các lứa tuổi khác nhau. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại thực địa.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE là vacxin nhược độc, đông khô. Virus vacxin được nuôi trên môi trường trên tế bào dòng DMAC do Công ty Cổ phần AVAC tự phát triển. Vacxin AVAC ASF LIVE được khuyến cáo sử dụng tiêm 1 mũi duy nhất cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Không sử dụng cho lợn sinh sản (hậu bị, nái và đực giống). Sau 2 - 4 tuần tiêm một mũi duy nhất vacxin AVAC ASF LIVE, lợn bắt đầu có bảo hộ và thời gian bảo hộ kéo dài ít nhất 5 tháng.

Vacxin NAVET-ASFVAC là vacxin nhược độc, đông khô. Virus vacxin được nuôi trên môi trường trên tế bào sơ cấp thu từ lợn. Vacxin NAVET-ASFVAC được khuyến cáo sử dụng theo quy trình tiêm hai mũi. Mũi đầu tiên dùng cho lợn con từ 8-10 tuần, mũi thứ hai (nhắc lại) sau khi tiêm mũi thứ nhất 21-30 ngày. Thời gian bảo hộ sau khi tiêm 2 mũi vacxin NAVET-ASFVAC khoảng 6 tháng.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.