| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng ở Nam Trung bộ chưa đạt, vì sao?

Điểm sáng Bình Định, Quảng Nam

Thứ Ba 01/04/2014 , 10:14 (GMT+7)

Ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Bình Định và Quảng Nam là những địa phương quyết liệt trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã mang lại hiệu quả cao trong SX.

Mạnh tay thực hiện

Do phải đối mặt với nạn thiếu nước tưới vì hạn hán kéo dài nên Bình Định đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng (CĐCT). Không chỉ có những diện tích nằm trong vùng thiếu nước tưới mới chuyển, mà cả những diện tích chủ động nước vẫn chuyển, ví như tại huyện Phù Cát.

Ông Nguyễn Văn Trọng, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Để thay đổi tập quán SX của nông dân là điều không dễ, nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nên từ vụ đông xuân (ĐX) năm trước Phù Cát đã thực hiện chuyển đổi mạnh. Hàng trăm ha SX lúa và mì hiệu quả thấp đã được chuyển sang trồng lạc, ngô lai, hành, ớt... Những xã chuyển đổi mạnh là Cát Tài, Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm và Cát Hải”.

Song hành với công tác chuyển đổi, Phù Cát còn hướng dẫn, tổ chức cho nông dân SX theo từng cánh đồng với cây trồng thích hợp để vừa cho hiệu quả cao nhất, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong công cuộc chuyển đổi của huyện này, cây lạc là lựa chọn số một, bởi giá cả ổn định. Không chỉ diện tích SX lúa bấp bênh, mà cả vùng chủ động nước, SX ổn định 3 vụ lúa/năm bà con vẫn chuyển sang làm đậu phộng.

Cánh đồng thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn là vùng đất đầu nguồn sông La Tinh, không chịu cảnh hạn hán nhưng trong vụ này cây lúa vắng dần, thay vào đó là những cánh đồng đậu phộng mênh mông xen kẽ lúa.

 Nông dân Huỳnh Văn Hải bơm nước từ sông La Tinh lên tưới cho đám ruộng đậu phộng, cho chúng tôi biết: “Hồi giờ tui chỉ quen làm cây lúa, không quen làm đậu phộng (lạc), nghe nói hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này cho rất cao, muốn làm lắm nhưng còn ngại. Nhờ cán bộ nông nghiệp tập huấn về kỹ thuật SX tui mới dám làm. Tụi tui còn được tập huấn cách chăm sóc nên nay đã quen canh tác loại cây trồng này rồi”.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, thực hiện chủ trương CĐCT, thời gian qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã xây dựng thành công nhiều cánh đồng SX cây trồng cạn cho thu nhập trên 100 triệu/ha/năm.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 47 công thức luân canh cây trồng trên 210 cánh đồng với diện tích 8.600ha, cho thu 100 triệu đồng/ha/năm. Các công thức luân canh cây trồng mới đã khẳng định được ưu thế vượt trội so với lối canh tác cũ, mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ mô hình điểm, nhiều địa phương đã nhân rộng trên những cánh đồng chuyên canh với diện tích sản xuất hàng trăm ha. Các công thức luân canh có giá trị thu nhập cao được xây dựng thành công gồm: Trồng lạc và 2 vụ hành/năm tại Cát Hải (Phù Cát) với diện tích 340ha, cho thu 180 triệu đồng/ha/năm; lạc - ớt - bắp (ngô) lai - mè (vừng) - rau xanh với diện tích 874 ha tại xã Cát Tài (Phù Cát), thu 150 triệu đồng/ha/năm; lạc - dưa leo - khổ qua (mướp đắng) hay lạc - 2 vụ hành - dưa leo tại xã Tây Giang (Tây Sơn), thu 337 triệu đồng/ha/năm.

 Tại cánh đồng SX lúa năng suất bấp bênh ở các xã Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Lộc (Tuy Phước), nông dân chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa + hoa huệ, thu 120 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, trên diện tích chân cao, nước tưới bấp bênh ở các xã Ân Phong, Ân Tường Đông, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh (Hoài Ân), các mô hình xen canh lúa – lạc - lúa, lạc - bắp lai - kiệu cho thu 70-150 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn các xã Mỹ Trinh, Mỹ Châu (Phù Mỹ), nông dân chuyển trên 500 ha SX 3 vụ lúa bấp bênh/năm thiếu nước sang luân canh lúa - mè - bắp lai hoặc lạc - mè - bắp lai - kiệu, thu từ 76- 96 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hồ Ngọc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Để công tác CĐCT mang lại hiệu quả cao, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức quy hoạch vùng SX cây trồng cạn tập trung, xây dựng, chuyển giao mô hình, công thức SX đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, phần lớn người dân đồng tình với chủ trương CĐCT, góp phần nâng cao thu nhập.

Các công thức luân canh cây trồng đã có tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; nhiều hộ đã tích lũy được vốn để tái đầu tư, mở rộng SX, đời sống nông dân ngày càng nâng cao”.

Trong định hướng phát triển từ nay đến 2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ còn đẩy mạnh công tác CĐCT, quy hoạch mở rộng các vùng SX cây trồng cạn tập trung, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái bền vững.

Bình Định đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, SX các loại cây trồng cạn, nhằm đáp ứng hoạt động của các nhà máy chế biến, nhất là các loại nông sản phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, lạc...

13-33-45_anh-3Cây lạc đang nhanh chóng thay thế diện tích lúa kém hiệu quả ở Quảng Nam

Ngô, lạc chiếm ưu thế

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết:

 “Ngành nông nghiệp Bình Định đang vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc với diện tích ổn định 23.000 ha/vụ; còn lại chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Chuyển diện tích lúa thiếu nước vụ hè thu và chân đất gieo khô năng suất bấp bênh sang SX một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: bắp lai, đậu phụng, đậu nành, mè, rau dưa các loại”.

Trong những năm qua, thực hiện CĐCT, Quảng Nam đã xác định được ba lĩnh vực cây trồng thay thế cho đất lúa kém hiệu quả gồm: Rau củ quả; lạc; ngô. Trong đó, chỉ có lạc, ngô là cây trồng tương đối bền vững đặc biệt là lạc đạt năng suất cao, đầu ra thuận lợi.

Đến nay diện tích gieo trồng lạc của Quảng Nam đạt 9.000 ha/vụ và tiềm năng phát triển có thể mở rộng trên 20.000 ha trên đất lúa không chủ động nước tưới, nhiễm mặn. Hiện cây lạc trồng trên diện lúa kém hiệu quả cho năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha, trừ chi phí đầu tư thì trồng lạc cho lãi ròng 45 triệu đ/ha, trong khi lúa hai vụ chỉ cho lãi ròng 18 triệu đ/ha. Tính ra, lãi gấp 2,5 lần trồng lúa.

Xã Bình Nam, huyện Thăng Bình là địa phương thường xuyên thiếu nước tưới, do đó năng suất trồng lúa không cao. Trong những năm gần đây, địa phương thực hiện chuyển đổi sang trồng lạc. Năng suất bình quân đạt 23 tạ/ha, còn những giống lạc mới đưa vào SX thử nghiệm cho năng suất cao gấp nhiều lần.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, ở Nghĩa Hòa chuyển đổi 3 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Theo bà Tuyết, bởi đây là có nhiều lợi. Cái lợi thứ nhất là dùng dầu ăn được ép từ đậu phụng sẽ tốt cho sức khỏe; thứ hai là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cho nông dân cũng cao hơn nhiều so với lúa, lại tốn ít thời gian chăm sóc và cái lợi thứ ba là thân cây được dùng làm thức ăn cho bò. Cùng vì thế đến nay xã Bình Nam đã chuyển đổi sang trồng lạc với diện tích 217 ha.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết: Bộ NN-PTNT hướng dẫn trồng ngô, đậu tương nhưng thực tế đậu tương tại Quảng Nam năng suất không cao, so với các loại cây khác thì kém hiệu quả. Do đó, Quảng Nam chọn ngô và lạc. Trong hai loại cây này thì lạc có nhiều ưu thế như đầu ra của sản phẩm ít bấp bênh, đặc biệt hiện nay nhu cầu sử dụng dầu lạc nhiều.

“Từ những hiệu quả cho thấy, Quảng Nam đã xác định cây lạc là một trong những cây trồng bền vững. Để giải quyết đầu ra cho lạc, tỉnh đang tìm đối tác xây dựng nhà máy chế biến dầu ăn, khi có nhà máy chắc chắn giá bán cây lạc cao, dẫn đến người trồng lạc có thu nhập khá”, ông Muộn cho hay.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.