| Hotline: 0983.970.780

Diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi An Kim Hải rất phức tạp

Thứ Tư 05/12/2018 , 09:35 (GMT+7)

Theo kết quả khảo sát, đánh giá, phân tích của Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường, diễn biến chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi An Kim Hải (Hải Phòng) rất phức tạp.

Quá trình biến đổi theo mùa không rõ rệt do hệ thống chịu ảnh hưởng mạnh của sự can thiệp nhân tạo và đặc biệt là do nguồn nước cung cấp tại thượng lưu và nước thải ô nhiễm xả trực tiếp và từ các kênh nhánh vào sông Rế…
 

Ô nhiễm tại nhiều điểm

Theo kết quả phân tích của Viện nước, tưới tiêu và Môi trường trong năm nay, tại 15 vị trí lấy mẫu trên hệ thống An Kim Hải, bao gồm các điểm trên sông Rế, kênh chính An Kim Hải, các kênh cấp I, các nhánh sông xả nước thải có rất nhiều điểm có dấu hiệu đã và đang bị ô nhiễm.

10-50-28_nh_2_bi_n_kim_hi
Công tác đo nhanh một chỉ tiêu tại hiện trường của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

Trong đó, chất lượng nước tất cả các điểm lấy mẫu trên sông Rế hầu hết đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, tuy ở các mức độ khác nhau. Tại hai điểm gồm cống Bằng Lai và cống Quảng Đạt (điểm lấy nguồn từ sông Rạng) chất lượng nước còn khá tốt, chỉ bị ô nhiễm amoni (NH4+) ở một vài đợt tháng mùa khô. Còn lại, tất cả các vị trí từ ngã ba Kim Khê đến cống Cái Tắt các chỉ tiêu không nằm trong ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều. Nhất là các vị trí cuối sông, bao gồm vị trí cầu Rế mới (cầu An Dương) và cống Cái Tắt.

Kết quả phân tích 17 chỉ tiêu, đã có tới 7 chỉ tiêu có dấu hiệu bị ô nhiễm bao gồm: Nhóm các chất hữu cơ, vi sinh như COD, BOD5(200c), Colifomr và các chất thuộc nhóm N như NH4+. Ngoài ra nhóm Photpho đôi lúc cũng đạt cao do quá trình xả thải ồ ạt từ các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu dân cư, khu đô thị,… vào các kênh nhánh và trực tiếp vào sông Rế, trong khi lúc đó nguồn nước bị đóng kín (cống Bằng lai và Quảng Đạt đóng), không có chế độ tiêu thoát hợp lý trên cả các kênh nhánh và trục chính sông Rế, quá trình tích lũy tương đối P/N sẽ xảy ra, xuất hiện hiện tượng phú dưỡng.

Đối với kênh chính An Kim Hải, Viện lựa chọn 3 vị trí bao gồm Cống Luồn, Cầu Đen và đập Tràn Duệ thì thấy đã xuất hiện hàm lượng ôxy trong nước DO nhỏ hơn 2 mg/l (mức QCVN đối với nước tưới) và mức độ xuất hiện là khá thường xuyên trong các đợt khảo sát. Chỉ số oxy hòa tan thấp phản ánh thực chất ô nhiễm trên hệ thống An Kim Hải. Mặt khác trên kênh này tại điểm cầu Đen và cống Luồn nước thường xuyên có màu đen và mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô, khi cống Luồn bị đóng không có sự tiêu thoát thì mức độ ô nhiễm càng lớn.

Cũng theo kết quả phân tích của Viện, 5 kênh cấp I được lựa chọn quan trắc lấy mẫu trong năm 2018 đều là các kênh nằm phía cuối hệ thống thì 3/5 kênh có hiện tượng luôn bị ô nhiễm nhóm các chất hữu cơ, vi sinh như COD, BOD5(200c), Colifomr ở hầu hết ở các đợt lấy mẫu, ô nhiễm nhiều nhất là kênh Bắc Nam Hùng do kênh này có chiều dài lớn, lại chạy qua nhiều khu công nghiệp và nhà máy luôn “hứng” nước xả thải. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm còn tùy thuộc theo mùa, mùa mưa ít bị ô nhiễm hơn mùa khô.
 

Ô nhiễm có xu hướng ngày càng tăng

Theo Viện nước, tưới tiêu và Môi trường, diễn biến chất lượng nước trên hệ thống An Kim Hải hiện đang rất phức tạp, quá trình biến đổi theo mùa không rõ rệt, do hệ thống chịu ảnh hưởng mạnh của các quá trình nhân tạo mà đặc biệt là do nguồn nước cung cấp tại thượng lưu (cống Bằng lai và cống Quảng Đạt) và nước thải ô nhiễm xả trực tiếp và từ các kênh nhánh vào sông Rế.

10-50-28_nh_1_-_bi_n_kim_hi
Đoạn kênh Hồng Lâu chảy qua địa phận thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương có những thời điểm ngập chìm trong rác thải sinh hoạt

Diễn biến chất lượng nước qua các năm dọc trục chính sông Rế rất phức tạp, các chỉ tiêu ô nhiễm biến đổi không ổn định có xu hướng tăng sự ô nhiễm về những năm gần đây. Hàm lượng TSS tăng rồi giảm xong có xu hướng tăng dần về những năm gần đây. Hàm lượng chỉ tiêu vi sinh tăng mạnh sau đó giảm rồi lại tăng dần. Hàm lượng các chất hữu cơ trong nước thay đổi đột ngột theo từng năm, có xu hướng tăng mạnh vào mùa kiệt hàng năm.

Đặc biệt chỉ số oxy hòa tan giảm mạnh vào những năm gần đây. Hàm lượng các chất ô nhiễm nhóm N cũng vậy giảm rồi tăng về những năm 2015, 2016, 2017 và đặc biệt là năm 2018 không những số lượng các chỉ tiêu ô nhiễm tăng lên mà các giá trị theo từng chỉ tiêu đó cũng lớn hơn các năm.

Mặc dù công ty Khai thác công trình thủy lợi cũng đã có rất nhiều các giải pháp cả về công trình cũng như phi công trình nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm nước trong hệ thống, xong do kinh phí và điều kiện về con người còn nhiều khó khăn nên mức độ thực hiện cũng chỉ đang ở mức giảm thiểu.

Theo Viện nước, tưới tiêu và Môi trường, trong những năm 2016-2018 TP. Hải Phòng có những chỉ đạo rất gắt gao về công tác quản lý nguồn nước trên sông Rế như tuyên truyền, xây dựng kè bờ, xây dựng các công trình hướng dòng chảy thải ra khỏi dòng sông chính (sông Rế). Những giải pháp này thực hiện khá hiệu quả, tuy nhiên do tốc độ phát triển của kinh tế rất nhanh nên lượng nước thải, chất thải vẫn đổ ra hệ thống An Kim Hải ngày càng nhiều, vẫn xảy ra hiện tượng xả trộm vào ban đêm, ngày nghỉ lễ... gây ô nhiễm một vùng, cá chết. Vì vậy cần phải có những giải pháp cụ thể và theo dõi giám sát thường xuyên, định kỳ dày hơn nhằm cải thiện chất lượng nước tốt hơn trong hệ thống.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.