Mỗi năm gia đình ông thu lời trên 300 triệu đồng.
Ông Hòe nuôi heo rừng cho thu nhập ổn định |
Hơn chục năm nay, ông Phạm Văn Hòe (58 tuổi) ở xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương gắn bó với trại nuôi heo rừng của mình. Năm 2007, nghe người bạn ở miền Nam kể chuyện nuôi heo rừng. Sẵn dịp vào thăm bạn, ông được bạn đưa đi thăm vài mô hình điển hình về phong trào này ở Bình Phước. Ông Hòe thấy rất ham.
Về quê, ông bàn với vợ xây chuồng để chuẩn bị “tậu” heo rừng về nuôi. Bàn bạc xong, ông lại lặn lội vào Bình Phước để mua heo giống. Nhìn bầy heo con như “bắp chuối, củ lang” khiến ông Hòe không khỏi ái ngại. Nhưng với lòng quyết tâm, ông đã đưa những chú heo con trở về vùng đất lúa. “Cũng may là giống tốt, khỏe nên khi về đến Thái Bình, heo không bị bệnh tật gì, dễ chăm sóc nên mình cũng vững tin”, ông Hòe kể lại.
Năm 2017, giá heo tuột dốc không phanh. Nhiều nông dân dở khóc dở cười đứng trước quyết định đầu tư nuôi tiếp hay dọn chuồng? Ông Hòe cũng không là ngoại lệ, cũng băn khoăn, lo lắng đứng ngồi không yên. Song ông vẫn quyết định bám chuồng, bám trại để nhân giống đàn heo rừng của mình nhiều thêm nữa.
Hiện tại đàn heo của ông đã có trên 100 con trưởng thành. Số này sẽ tiếp tục gia tăng vì chỉ sau 4 tháng, heo mẹ lại tiếp tục sinh sản. Đặc tính của heo rừng là “chỗ ngủ thì ít, chỗ chơi phải nhiều, đấy là đặc tính cần thiết để nuôi heo rừng”, ông Hòe chia sẻ.
Heo rừng vốn sống hoang dã, nhưng khi đưa về đồng bằng, ông Hòe lại chọn cách đưa heo “vào chuồng”. Trong một môi trường chật chội, heo phá suốt ngày, nhưng dần dần cũng “thuần”, cũng quen với nơi ở mới. 10 con heo con được vợ chồng ông “vỗ” cho mau lớn, nhân giống ra thành đàn 20 con, rồi 30 con, rồi lên đến 100 con.
“Ai mua gì mình bán nấy. Mua heo thịt thì 100 ngàn đồng/kg, heo giống thì tùy từng thời điểm. Nhưng thực tế bạn hàng của mình chỉ mua heo thịt thôi. Heo giống họ ít mua lắm vì ở quê mình ít có chỗ nuôi”, vừa rắc rau cho bầy heo, ông Hòe vừa kể.
Gắn bó trên 10 năm với bầy heo rừng, ông Hòe cho biết: “Nuôi heo rừng thực chất không khó, nó chủ yếu ăn các loại rau, củ trong vườn. Muốn heo “vững dạ” thì cho ăn thêm cám bung hoặc cám nghiền. Mùa cá rô phi, cá vụn thì mình kéo cá lên nghiền cám cho ăn, để chúng có chất mà lớn”.
Mỗi ngày sau khi cho ăn, ông Hòe lại dọn chuồng trại sạch sẽ. Vài tháng ông lại phun thuốc diệt muỗi, khử trùng chuồng trại để đảm bảo cho bầy heo được an toàn. Những đợt UBND xã Vũ Hòa phát động chiến dịch chăm sóc, phòng dịch cho gia súc, gia cầm ông đều mời cán bộ thú y về tiêm vacxin cho đàn heo của mình.
Ảnh: K.T |
Không phụ lòng chăm sóc của chủ, bầy heo rừng con của ông Hòe cứ lớn dần, rồi nhân giống. Sau 4 tháng, heo mẹ lại sản sinh được bầy heo con từ 4 - 8 con. Cứ như thế đàn heo tăng dần. Thực khách đồng bằng được ăn heo rừng thì rất khoái, nhiều nhà hàng từ Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Thái Bình về tận nhà ông để đặt hàng.
“Năm trước giá heo nhà rẻ bèo, khách ăn heo rừng cũng giảm hẳn, trại tôi chỉ bán lai rai cầm chừng. Bây giờ giá heo tăng, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng, khách cũng đặt hàng nhiều nên trại của tôi lại bán chạy”, ông Hòe kể.
Bí quyết để nuôi heo rừng được ông Hòe truyền lại là phải có chỗ rộng rãi và phải bình tĩnh không nóng vội. Nếu vườn của mình trồng được rau, củ thì đó là nguồn thức ăn vô tận mà heo rừng rất thích, ông kể. Mỗi năm trại của ông xuất chuồng khoảng 200 con heo rừng thịt. Với giá bán gấp 3 - 4 lần heo nhà, ông thu lời hơn 300 triệu đồng/năm.
Với quan điểm cứ làm rồi sẽ biết kết quả, ông Hòe đã trở thành chủ trang trại heo rừng giữa vùng lúa mênh mông. Ngoài heo rừng, ông còn là chủ của những vườn hòe, vườn chuối, đinh lăng. Ông Hòe được Hội Nông dân xã Vũ Hòa đánh giá là hội viên xuất sắc, là điển hình trong hướng chăn nuôi mới tại địa phương. |