| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Từ tình yêu rừng đến thú vui nhiếp ảnh

Thứ Năm 17/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đang đi sâu vào vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo, chàng kiểm lâm trẻ bỗng hớt hải đập vào vai anh lái xe nhờ cho xuống gấp.

Cán bộ kiểm lâm Phạm Đức Huy cùng bộ đồ nghề đi rừng gồm máy ảnh, ống nhòm. Ảnh: NVCC.

Cán bộ kiểm lâm Phạm Đức Huy cùng bộ đồ nghề đi rừng gồm máy ảnh, ống nhòm. Ảnh: NVCC.

Tình yêu từ những khuôn hình

Bài liên quan

Dáng dong dỏng, gương mặt gầy xương, rắn rỏi, ánh nhìn kiên nghị, gặp Phạm Đức Huy lần đầu hẳn sẽ liên tưởng ngay đến những người lính cụ Hồ từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Điểm khác duy nhất ở chàng trai quê Vĩnh Phúc có lẽ là chiếc túi đựng máy ảnh lúc nào cũng kè kè bên người.

Chiếc túi rộng khoảng 2 gang tay, để vừa một bộ máy, vài phụ kiện như cáp, sạc, pin dự phòng cùng mảnh áo mưa cỡ lớn. Thấy Huy bảo, nhờ tấm áo mưa này, “người bạn công nghệ” của anh đã vượt qua hàng chục trận mưa rừng. Có những đợt Huy lặn lội, trèo đèo lội suối cả tuần trời để săn ảnh, vật dụng tư nhân hầu như bỏ cả ở trạm kiểm lâm, nhưng áo mưa thì tuyệt đối không. Chàng trai sinh năm 1989 cười xòa, bảo người ướt còn đi tiếp được, chứ máy ướt thì chỉ có đường bấm bụng đi về.

Chặng về ấy cũng chẳng đơn giản. Huy kể, Vườn quốc gia Tam Đảo rộng độ 35.000ha, chia trung bình đầu người, mỗi cán bộ kiểm lâm phải quán xuyến đến ngót nghét 1.000ha. Nhiều đoạn đi tuần phải men theo khe núi, tụt dần xuống vực. Nhìn đường chim bay chỉ một đoạn ngắn tẹo, nhưng xuống tới nơi cũng mất nửa ngày đu bám. Chiếc túi đựng máy ảnh bên hông nhiều khi cứ lủng lẳng, chực chờ va phải những gốc cổ thụ cao mấy chục mét. Chưa kể nếu dừng giữa chừng, tiến độ công việc sẽ khó bảo đảm. Thành thử, Huy trông chừng túi máy ảnh như thầy giữ ấn.

Rong ruổi cùng Huy từ ngày anh còn giữ rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn, chiếc túi giờ bạc phếch, nhiều chỗ sờn, bung chỉ, để lộ cả lớp lưới màu đen bên trong. Với một tay chơi ảnh thông thường, hẳn đã tìm một người bạn đồng hành mới nhưng kiểm lâm viên quê Vĩnh Phúc lại khác. Chiếc túi là người bạn tâm tình, giúp anh vượt qua những tháng ngày vò võ cùng trăng sao, khi ngủ chỉ dám thở khẽ vì sợ giật mình. Chẳng biết làm gì trong lúc chờ trời sáng, Huy lại lôi chiếc túi ra ngắm nghía, rồi như một thói quen móc chiếc máy ảnh ra, lia lên bầu trời.

Trong truyện cổ tích “Cô bé bán diêm” của Andersen, mỗi lần xòe ngọn lửa, cô bé lại nhìn thấy một giấc mơ lung linh. Không có diêm nhưng mỗi lần nhìn bầu trời, hàng cây, tán rừng, qua kính ngắm máy ảnh, Phạm Đức Huy lại như thấy thêm yêu cánh rừng lá rộng thường xanh. Dù đôi vai mỏi vì hơn chục kilogram thiết bị, máy móc, đôi chân nhức vì mấy chục kilomet đường rừng và lố nhố những vết sẹo đang lên da non, nhưng tất cả đều dừng lại nhường chỗ cho khao khát lưu giữ một khoảnh khắc của thiên nhiên. Đó có thể là 3 ngọn núi cao tượng trưng cho Tam Đảo là Thạch Bàn (1.388m), Thiên Thị (1.375m) và Phù Nghĩa (1.400m) nhô lên trên biển mây, hay đơn giản là đôi cánh chuồn chuồn đang chập chờn bên khe suối.

Cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Hỏi Huy, yêu rừng hay yêu nhiếp ảnh trước, chàng kiểm lâm trẻ bật ngay: “Nhà em ngay bên sườn núi, từ nhỏ đã thấy cơ man bao nhiêu là cây, là rừng. Dù đi đâu cũng thấy nhớ, thấy quen với màu xanh thân thuộc”. Dường như định nói thêm nữa, nhưng chợt Huy dừng lại, liếc nhanh xuống chiếc túi đeo chéo vai. Chiếc máy ảnh dành dụm qua bao mùa mưa nắng chợt thò báng cầm ra, nhắc cán bộ trẻ về một tình yêu mới chớm.

Có lẽ vì gánh trên vai tới hai tình yêu như vậy mà lúc nào Phạm Đức Huy cũng thấy gấp gáp. Đang dẫn đường cho chúng tôi vào sâu lõi rừng Vườn quốc gia Tam Đảo, bỗng nghe một tiếng kêu khẽ của loài chim cú đang cần săn ảnh, Huy lập tức xin xuống, chạy hớt hải vượt dốc để tìm bằng được đến nơi phát ra tiếng động kia.

“Yêu rừng như tình yêu đơn phương ấy các anh ạ, có chút gì đó tôn thờ, khắc khoải và không cần báo đáp”, phải mất một quãng ông bố trẻ của hai nhóc tì mới cắt nghĩa được thứ tình cảm đang trào lên. “Còn nhiếp ảnh như một người yêu mình. Em trèo đèo, lội suối bao nhiêu, những bức ảnh đẹp, về các loài độc, lạ sẽ bù đắp hết”.

Chạm mặt cá cóc

Một trong những loài đặc hữu của Vườn quốc gia Tam Đảo là cá cóc, tên khoa học là Paramesotriton deloustali. Tên gọi quen thuộc của người dân địa phương nơi đây là tắc kè nước, cá cóc bụng hoa hay sa giông bụng hoa.

Cá cóc Tam Đảo là loài động vật lưỡng cư với nhiều đặc điểm khác biệt. Thoạt nhìn nhiều người có thể lầm tưởng đây là một loài bò sát nào đó nhưng thực tế, cá cóc Tam Đảo không hề liên quan đến bò sát dù thân hình khá giống thằn lằn: dài và hơi dẹt từ trên xuống, đuôi hơi tròn và dài dẹp phía hai bên, lớp da có nhiều mụn xù xì và mọc chạy dọc theo hai bên xuống dưới đuôi. Bộ phận này có tác dụng trong việc tiết chất nhầy trong hoạt động sống của chúng.

Lưng cá cóc Tam Đảo màu xám đen, dưới bụng có lớp màu đỏ trông sặc sỡ và đan xen các đường xám đen nối liền nhau như mạng lưới. Đầu của loài động vật này hơi dẹp với miệng rộng và mắt lồi có mí động. Kích thước con trưởng thành vào khoảng hơn 15cm.

Là loài quý hiếm nên để tìm gặp được cá cóc Tam Đảo, chúng tôi phải cất công lên tận chùa Tây Thiên bằng một đường rồi vòng xuống đường khác, từ đỉnh xuống khoảng vài cây số, đến con suối lấy nước từ Thác Bạc mới chạm mặt cá cóc. Trên đường đi, Phạm Đức Huy tận tình giới thiệu đặc điểm của loài này. Anh bảo, sở dĩ gọi chúng là “cá” vì phần thân trước có 2 chi nhỏ nhô ra giúp di chuyển dễ dàng, bên cạnh đó là thân có vây và đuôi giống cá. Khi ở trong môi trường nước, cá cóc Tam Đảo thường bơi chủ yếu bằng đuôi với chân áp sát vào phía thân. Còn ở môi trường trên cạn, chúng di chuyển bằng 4 chân.

Cá thể cá cóc Tam Đảo tại khe suối Tam Đảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Cá thể cá cóc Tam Đảo tại khe suối Tam Đảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Khi đến suối, chúng tôi thoáng chút hụt hẫng vì biết đã qua mùa sinh sản. Khả năng gặp cá cóc Tam Đảo là khá khó. Nếu đến sớm vài tháng, dưới bóng nước lấp loáng vẫn có thể nhận ra những cá thể đực bởi một dải xanh sáng chạy hai bên mép đuôi màu đỏ cam.

Huy háo hức lần tìm cá cóc, ngoài niềm yêu thích, còn vì mấy bận trước thiếu kinh nghiệm nên không chụp được cảnh sinh sống dưới nước của chúng. Lần này, chàng kiểm lâm 34 tuổi đầu tư một loạt túi ni lông trắng loại mỏng, dai, sau đó phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc và dặn bọc máy ảnh vào. Xong xuôi, anh tỉ mẩn lấy bật lửa hơ nóng để bịt kín miệng. Có lẽ đã mày mò phương pháp này từ lâu nên cán bộ Vườn quốc gia Tam Đảo hầu như không để chút không khí thừa nào bên trong. Khi đưa đồ nghề xuống suối, chúng tôi vẫn dễ dàng thao tác quay, chụp.

Cá cóc Tam Đảo ăn tạp, từ thảo mộc, trứng ếch nhái, côn trùng nhỏ, giun cho đến một số các loài động vật nhỏ không xương ngoài tự nhiên, chúng đều có thể dùng bữa. Hiểu điều ấy nên khi lượn mấy vòng quanh khúc suối thường có cá nhưng không thấy, Huy cẩn thận đi tới mép nước, lật giở từng phiến đá sao cho không để bùn, đất làm đục nước.

Đứng bên cạnh nhìn người kiểm lâm thao tác tỉ mỉ như một thợ kim hoàn, tôi nhẩm đếm, rồi vỡ òa khi tới phiến đá thứ 14, cá cóc xuất hiện. Nó nép mình giữa đám rong rêu, giương đôi mắt như thể dò xét xem những người này định làm gì.

Người ta thường có câu “lẩn như chạch”, nhưng có lẽ cá cóc trốn cũng nhanh chẳng kém. Từ lúc tìm thấy cá thể này, chúng tôi loay hoay thêm gần hai tiếng nữa để ghi đủ hình. Lúc thì nó lặn sâu dưới đáy suối, khi thì quẫy đuôi bơi vào bóng râm.

Mồ hôi ướt rịn áo nhưng niềm vui cứ thế dâng lên trong lòng chúng tôi. Ít nhất thì cá cóc Tam Đảm vẫn đang sinh trưởng, phát triển tốt ngoài tự nhiên.

Xem thêm
Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức CH Peru, dự Tuần lễ cấp cao APEC

Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Chile, sáng 13/11, Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru và dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn APEC 2024.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

200 hộ dân bị cô lập do ngập cầu tràn

Sự cố ngầm tràn bị ngập do mưa lớn khiến 200 hộ dân bị cô lập, chính quyền địa phương đã cử người túc trực, không để dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.