| Hotline: 0983.970.780

“Điệp vụ tại Côn Đảo”

Thứ Năm 03/05/2012 , 10:40 (GMT+7)

Thượng tá Cao Khoa đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu, chi tiết có liên quan đến “điệp vụ tại Côn Đảo”.

Trước lúc vào TP Hồ Chí Minh, tới thăm nhà điệp viên Lê Hữu Thúy (bí danh A25), tôi cũng đã tới làm việc với Tổng cục II – Bộ Quốc phòng. Thượng tá Cao Khoa đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu, chi tiết có liên quan đến “điệp vụ tại Côn Đảo”.

>> Một điệp vụ hoàn hảo

Làm tổng thống Thiệu bẽ mặt

Kết hợp với lời kể của chị Thanh Hương (con gái điệp viên Lê Hữu Thúy), xin được tóm lược lại chiến công xuất sắc của điệp viên A25 tại Côn Đảo như sau: Vào cuối năm 1972, sau thất bại nặng nề trong chiến dịch B52 “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, Mỹ - Ngụy buộc phải chấm dứt không kích và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị 4 bên ở Paris.

Khi hội đàm đến vấn đề trao trả tù binh, Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn) trắng trợn thông báo số tù chính trị ở Côn Đảo chỉ có 5000 người. Bọn Mỹ thì lớn tiếng bênh vực mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong Hội nghị nhân quyền thế giới rằng con số trên là đúng. Hai phái đoàn của ta, mặc dù biết rằng số lượng các chiến sĩ ta bị địch giam giữ tại Côn Đảo lớn hơn thế nhiều, nhưng không có tài liệu, chứng cứ không thuyết phục được dư luận quốc tế ủng hộ.

Trưởng phái đoàn ta liền mật điện với Trung ương yêu cầu phải bằng mọi cách lấy được danh sách tù của ta tại Côn Đảo để không những cứu sinh mạng cho các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ mà còn vạch trần âm mưu đen tối của địch hòng bí mật thủ tiêu các chiến sĩ ta. Trọng trách này được trao lên đôi vai của A25.

Thời học đại học, A25 đã nổi tiếng là thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, sau này ông còn tự học thêm tiếng Trung Quốc và cũng sử dụng rất tốt. Ngay từ những ngày đầu bị đày ra Côn Đảo, A25 đã nhận được chỉ thị là phải tìm mọi cách ra ngoài làm dịch vụ để tiếp tục hoạt động tình báo. Thông qua một mối quan hệ với một nhân viên dưới quyền ngày trước nay giữ một chức vị khá cao ở đảo, A25 đã được người này vận động cho A25 ra ngoài vừa làm giáo viên dạy Anh ngữ cho con trai tên chúa đảo Đào Văn Phô, vừa giúp việc kế toán cho văn phòng quản đốc.


Nhà tù Côn Đảo - nỗi kinh hoàng với các tù nhân chính trị (Ảnh minh họa)

Văn phòng này là một dãy nhà xây kiểu Pháp, lợp ngói vuông, vách tường kiên cố, cửa khóa chắc chắn, trần nhà đều có một khoảng vuông có nắp dùng để lên xuống khi bảo dưỡng mái nhà hay tu sửa đường điện. Phòng kế toán trưởng nằm liền kề với văn phòng của quản đốc trong đó có tủ đựng mọi tài liệu tuyệt mật. Sau khi quan sát kỹ lưỡng sơ đồ, nơi cất giữ các tài liệu mật, A25 đã dành hơn một tháng trời để suy nghĩ, tính toán, sao cho khi lấy được tài liệu rồi phải được chuyển ngay về đất liền, nếu không, bọn địch sẽ nhanh chóng phát hiện được.

Bước đầu tiên, A25 đã tận dụng sự tin tưởng của viên kế toán trưởng để có được chìa khóa phòng kế toán, rồi, trèo lên trần để sang phòng của quản đốc và dùng nến dẻo lấy mẫu khóa tủ tài liệu mật. Ít ngày sau, 2 mẫu chìa khóa được một cơ sở tin cậy tại Xưởng cơ khí máy điện hoàn tất: một của văn phòng kế toán trưởng, một của tủ tài liệu mật trong phòng quản đốc.

Vào một tối thứ 7, nhận được mật lệnh, A25 đã dễ dàng đột nhập vào phòng quản đốc. Khi tra chìa khóa vào tủ tài liệu mật, A25 thầm khâm phục sự khéo tay của người đánh chìa khóa, cánh cửa tủ bật mở! Thành công ngoài sự mong đợi: Ngoài bản danh sách 12000 tù "Việt cộng” có chữ ký và con dấu đỏ chói của chúa đảo, mà A25 còn lấy thêm được 5 bản điện mật do đích thân phủ Tổng thống chuyển cho chúa đảo. Tất cả những bản tài liệu trên đều in dấu “Tuyệt mật”.

Ngay trong ngày chủ nhật hôm sau, toàn bộ những tài liệu trên đã được chuyển về Sài Gòn rồi chuyển cho phái đoàn ta tại Hội nghị Paris. Khi đại diện của ta giơ cao những tài liệu mật trong Hội nghị và trước báo giới, cả hai phái đoàn Mỹ - Ngụy đều ngượng ngùng, cúi gằm mặt; còn Tổng thống Thiệu thì nhục nhã hơn bởi vì trước đó, năn nỉ mãi thì đức Giáo hoàng Pau-Lô VI tại Tòa thánh Va-ti-căng mới nhận lời cho vợ chồng Thiệu triều kiến. Nay, khi những tài liệu mật được công bố, đức Giáo hoàng đã “cấm cửa” vợ chồng Thiệu vì Thiệu đã “phạm vào điều răn, dối trá với cả Giáo hoàng”.

"Dạy dỗ" tình báo, anh ninh Ngụy

Ngay sau khi tài liệu mật bí mất, Tổng thống Thiệu vô cùng tức tối, đích thân ra lệnh thành lập Ban điều tra hỗn hợp gồm Đặc ủy tình báo Sài Gòn, An ninh Quân đội kết hợp với An ninh nhà tù Côn Đảo ra tận Đảo để điều tra. Không khó gì để chúng lần ra dấu vết. Trên cơ sở lời khai của một nhân chứng nhìn thấy A25 ở khu vực văn phòng quản đốc trong giờ giới nghiêm; viên kế toán trưởng cũng khai nhận có giao chìa khóa cho A25, cộng với các dấu vết còn để lại trên trần nhà dẫn đến phòng quản đốc, bọn địch đã bắt và tra tấn A25 hết sức dã man.

Riêng A25 rất bình thản, một mặt cắn răng chịu mọi cực hình, mặt khác, A25 “dạy dỗ” lại Ban điều tra hỗn hợp rằng: Các anh đang điều tra sai hướng! Các anh làm nghề điều tra, tình báo, tôi cũng từng làm tình báo, trước hết muốn tìm ra thủ phạm, các anh phải tìm cách giải đáp: tài liệu được chuyển về đất liền bằng cách nào? Chúng ta cùng xem xét lại nhé: thời điểm mất tài liệu chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần. Trong khoảng thời gian đó những nhân viên nào được phép về Sài Gòn? Chỉ có nhân viên công lực mới được ra khỏi Đảo mà mỗi chuyến tàu chỉ chở không quá 10 nhân viên. Một con số nhỏ như vậy thì nếu dùng phương pháp loại trừ, chẳng khó khăn gì các anh sẽ vạch mặt được tên “Giao liên Việt cộng”.

Tìm được kẻ chuyển tài liệu thì coi như tên ăn cắp tài liệu đã nằm trong tay các anh. Nghĩ coi, cứ cho là tôi đánh cắp tài liệu đi, nhưng tôi chuyển tài liệu về Sài Gòn bằng đường nào đây, trong khi tôi vẫn đang ở đây, tù nhân chính trị cũng chưa một ai được thả về Sài Gòn, rõ ràng là các anh chỉ võ đoán, bắt bóng bỏ mồi.

Nghe A25 phân tích vậy, toàn bộ nhân viên trong Ban điều tra hỗn hợp đành phải thừa nhận “tư duy sắc sảo, hợp lý” và cuối cùng, chúng đã phải thả A25 và điều tra theo hướng mà A25 đã vạch ra. Riêng A25 thì cười thầm trong bụng, dù cho Ban điều tra hỗn hợp có điều tra cặn kẽ tới đâu cũng không bao giờ phát hiện ra tên "Giao liên Việt cộng” ấy, bởi viên giao liên ấy ngồi ngay bên cạnh Tổng thống Thiệu.

Số là thỉnh thoảng, Tổng thống Thiệu cùng một vài cận thần, vào dịp cuối tuần, sử dụng trực thăng riêng đưa một số nữ ca sĩ Sài Gòn bay ra Côn Đảo, tới nhà mát ở cạnh sân bay trực thăng để du hí, chơi bời, hôm sau lại bay về Sài Gòn. Viên phi công lái máy bay trực thăng đó là cơ sở mật của ta và cũng chính anh là người ung dung chuyển tài liệu đó về Sài Gòn trước mắt Tổng thống Thiệu, dĩ nhiên, Thiệu, cận thần cùng viên phi công ấy không thể có tên trong danh sách người ra vào Đảo của Ban điều tra hỗn hợp và cả Đặc ủy tình báo Mỹ. (Hết)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất