| Hotline: 0983.970.780

Yêu thú cưng nhưng đừng chủ quan

Thứ Hai 08/04/2024 , 17:50 (GMT+7)

Thú cưng là chó, mèo đang trở thành người bạn mang lại giá trị tinh thần tích cực cho người dân, nhưng không vì thế mà người nuôi được chủ quan với bệnh dại.

Ngoài việc chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng, các chuyên gia khuyến cáo cần cho chó, mèo tiêm vacxin phòng dại từ khi đủ 3 tháng tuổi mũi đầu tiên và chích lại hàng năm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngoài việc chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng, các chuyên gia khuyến cáo cần cho chó, mèo tiêm vacxin phòng dại từ khi đủ 3 tháng tuổi mũi đầu tiên và chích lại hàng năm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện nay, tỉ lệ người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng nuôi chó, mèo làm thú cưng ngày càng tăng cao. Họ có thể cho thú cưng ngủ cùng, ăn cùng, đi chơi, picnic, du lịch cùng… Vì vậy, các phòng khám thú y, Pet spa, Pet Cilinic… cho chó, mèo ngày càng phát triển nhằm giúp chăm sóc, bảo đảm an toàn cho thú cưng cũng như đảm bảo an toàn cho cả con người trước bối cảnh dịch bệnh, nhất là dịch bệnh dại nguy hiểm.

Chị Thanh Hương (27 tuổi, ngụ Long An) cho biết: "Do chưa có gia đình nên tôi quyết định nuôi một chú chó Poodle để có người bầu bạn sau một ngày làm việc vất vả. Chiều đi làm về, tôi hay dắt nó đi dạo cùng, cuối tuần có thể cho đi cà phê, đến nhà bạn nhưng sẽ rọ mõm theo quy định".

Chị Hương cho biết thêm, cứ 2 tuần chị lại cho chó lên TP. HCM để làm đẹp như massage, cắt móng, cắt lông… Thức ăn cho chó chị cũng mua loại ăn sẵn giúp phân bớt mùi hôi. Còn tiêm phòng theo lịch của địa phương khuyến cáo.

"Vì nó giống như người thân của mình nên tôi nghĩ cần phải tiêm phòng đầy đủ, tốt cho nó, cho mình và những người xung quanh. Nuôi mấy chú thú cưng này phải chấp nhận tốn một tí nhưng đảm bảo an toàn”, chị Hương tâm sự.

Theo Sở NN-PTNT Long An, để phòng, chống dịch bệnh dại, mới đây Sở đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2024. Theo đó, mục tiêu quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vacxin dại tại các xã, phường, thị trấn, tỷ lệ tiêm phòng theo kế hoạch đạt ít nhất 85%. Đặc biệt, trên 90% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách các hộ nuôi chó, mèo để dễ dàng quản lý.

Đối với các xã, phường thực hiện mô hình xã, phường, thị trấn thí điểm trong công tác quản lý và tiêm phòng chó, mèo sẽ tổ chức đăng ký quản lý, tiêm phòng trong diện tiêm đạt tỷ lệ 95%. Giảm số ca bệnh dại trên động vật và người. 100% các ổ dịch dại trên động vật khi phát hiện được điều tra và xử lý kịp thời.

Anh Trần Thanh, Phòng khám Thú y Home Pet Care cho biết, hiện nhiều người thường lựa chọn các phòng khám để chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng. "Rất nhiều người cho chó, mèo từ 3 tháng tuổi đi chích ngừa theo quy định và nhắc lại hàng năm. Đây là điều rất tốt để bảo vệ thú cưng và cộng đồng", anh Thanh nói.

Để phòng, chống bệnh dại, chó, mèo cần phải được xích nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra ngoài phải đeo rọ mõm, hoặc xích giữ và có người kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để phòng, chống bệnh dại, chó, mèo cần phải được xích nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra ngoài phải đeo rọ mõm, hoặc xích giữ và có người kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA), dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến chung cho người và các loại thú, đặc biệt là thú ăn thịt. Bệnh đã được phát hiện ở chó, mèo, khỉ, chồn, cáo, chó sói, ngựa, lợn, trâu, bò, hươu, hoẵng, voi… và người.

Ở chó có hai thể bệnh rõ rệt là thể điên cuồng và thể bại liệt. Thể điên cuồng chỉ diễn biến từ 2- 5 ngày, chó chết với tỷ lệ 100%. Thể bại liệt rất nguy hiểm vì nhiều người không nghĩ đến bệnh dại, thể này chiếm 20 - 30% số chó bị bệnh dại, mấy ngày đầu, chó vẫn có thể cắn gia chủ, nếu như đến chăm sóc nó. Tương tự, mèo cũng là loài động vật gần gũi với người và cũng hay mắc bệnh dại và truyền bệnh dại cho người.

TS. Hương khuyến nghị, cần phải định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh dại cho thú cưng. Phải nhốt vật nuôi trong phạm vi nhà ở, không được nuôi chó thả rông để tránh sự lây nhiễm virus dại từ chó dại, mèo và các thú khác bị dại. Khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm đề phòng cắn người.

“Khi chăm sóc chó, mèo phải đề phòng không để chúng cắn. Trường hợp bị cắn phải kịp thời đến các trung tâm y tế khám để có biện pháp xử lý kịp thời”, TS. Hương khuyến cáo.

TS. Nguyễn Vũ Quang, Quản lý Chương trình động vật đồng hành HSI Việt Nam (Humane Society International) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề phúc lợi động vật đồng hành và luôn đặt phúc lợi để con vật có khả năng sống trong môi trường tốt nhất.

Chó, mèo được chăm sóc theo phúc lợi động vật phải đảm bảo đạt được “5 phương diện” là: Dinh dưỡng; môi trường; sức khỏe; tập tính, tinh thần. Đồng thời, đạt “5 không”, bao gồm: Không bị đói khát; không bị khó chịu; không bị đau đớn, tổn thương, bệnh tật; không bị sợ hãi, khổ sở; không bị cản trở thể hiện tập tính bình thường.

“Chó, cũng cần thực hiện được hành vi tự nhiên của nó như đánh hơi, chạy nhảy, khám phá môi trường mới, chơi đùa, nhai, thư giãn ánh nắng, rượt đuổi, tránh xa những điều đáng sợ. Đối với mèo, cần tạo điều kiện để chúng thực hiện hành vi cào, kích thích uống nước, được ngắm cảnh, giảm stress…”. TS. Nguyễn Vũ Quang nói và nhấn mạnh thêm, trước bối cảnh của dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh dại, cần có sự phối hợp của các bên. Đồng thời, tăng tuyên truyền để cả cộng đồng cùng chung sức đẩy lùi bệnh dại tại Việt Nam.

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) cho biết, nhằm truyền thông tốt để cộng đồng cùng cư xử nhân đạo, chăm sóc tốt, đảm bảo sức khỏe thú cưng và phòng, chống những bệnh lây truyền sang người, thời gian tới, ngoài việc tư vấn về chăm sóc thú cưng an toàn, VAWA đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật, trong đó vấn đề chăm sóc cho chó, mèo cũng như các vật nuôi và động vật. Đặc biệt, tạo ra mạng lưới liên kết trong nhóm vật nuôi và đưa vào những chương trình gắn với giáo dục ở các trường học để các em có thể có những kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho chăn nuôi chó, mèo.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất