| Hotline: 0983.970.780

Đồ trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc được 'bảo kê' bán tại Hà Nội

Thứ Ba 22/12/2020 , 17:56 (GMT+7)

Số hàng lậu, hàng không qua kiểm định bán cho trẻ em một cách công khai, song lại được chính quyền và đội quản lý thị trường ở Hà Đông, Hà Nội bỏ qua.

Hàng nhập lậu được tập kết công khai tại số 26-LK16, Khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh cắt từ video clip).

Hàng nhập lậu được tập kết công khai tại số 26-LK16, Khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh cắt từ video clip).

Phù phép

“Bất cứ sản phẩm nhập khẩu của hãng nào vào Việt Nam, thì trên sản phẩm phải có tem phụ ghi rõ nhà sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất, hoặc công ty phân phối quốc nội của hãng. Đối với công ty nhập khẩu như Emma Kids thì phải ghi địa chỉ của công ty, nhưng theo tôi biết, không có công ty nào như thế này, địa chỉ cũng không có”, ông Giang, chủ một doanh nghiệp nhiều năm kinh doanh hàng nhập khẩu, cho biết.

Trong trường hợp báo Nông nghiệp Việt Nam nêu, tem phụ của cơ sở tại Hà Đông chỉ ghi tên đơn vị nhập khẩu là Cty Emma Kids. Địa chỉ của Cty này, kỳ lạ thay, lại chính là địa chỉ của ông Vũ Quốc Công, tại Hà Đông, Hà Nội. Địa chỉ này được “chơi chiêu” bằng cách viết bằng tiếng Trung.

Giới kinh doanh hàng nhập khẩu Trung Quốc nói đây là hình thức “lách luật”, song không hiểu vì sao Đội Quản lý thị trường số 26 của Hà Nội lại bỏ qua.

Theo báo cáo kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 26 của Hà Nội, lô hàng được cho là “phù hợp về số lượng và chủng loại”, gồm: 4.500 đôi tất; 800 gối bằng sợi tổng hợp, 730 khăn ủ; 109 xe đẩy nôi; 180 tông đơ; 190 ba lô; 240 chăn lưới; 175 địu; 890 chăn, 2.000 núm nhai hiệu Emma Kids; 1.200 set bát hiệu Emma Kids; đều cho trẻ em.

Kho hàng đồ trẻ em với nhiều sản phẩm nhập lậu tại Hà Đông, Hà Nội. Video: Văn Việt - Quang Dũng.

Chỉ tính riêng mặt hàng mang nhãn Emma Kids là núm nhai cho trẻ em, với giá rẻ nhất là 50.000đ/chiếc, thì trị giá hàng đã là 100 triệu. Số set bát là 120 triệu.

Số hàng hóa bị cho là “không phù hợp, không có hóa đơn, chứng từ” mang một số nhãn hiệu khác là 66.180.000đ.

Bằng cách “phù phép” này, cơ quan Quản lý thị trường tịch thu số hàng hóa “không phù hợp” và phạt tiền 31.250.000đ đối với ông Công. Sau đó, cửa hàng vẫn tiếp tục được tồn tại. Số hàng hóa cho trẻ em, không đủ tiêu chuẩn mang nhãn hiệu Emma Kids vẫn tiếp tục trôi nổi trên thị trường.

“Đúng ra, với mặt hàng như tất, gối, chăn lưới, địu v.v thì chí ít cũng phải có Giấy chứng nhận của Tổng cục Đo lường chất lượng”, ông Giang phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết: “Mặt hàng dành cho trẻ em thường có yêu cầu về chất lượng cao hơn người lớn, do đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh còn yêu cầu cao hơn nữa. Đơn cử như núm nhai, tiếp xúc trực tiếp với miệng của bé, trong khi niêm mạc bé rất dễ tổn thương, nếu sử dụng chất liệu không phù hợp sẽ gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bé nếu bị sốc phản vệ”.

Bà Dung cho biết trước đây thương hiệu dành cho trẻ sơ sinh nổi tiếng là Johnson&Johnson từng vướng vào rắc rối vì có thành phần độc hại trong phấn rôm cho trẻ sơ sinh.

“Ở nước ngoài, người ta quản lý cực khắt khe với mặt hàng cho bé sơ sinh, trong khi ở ta đôi khi khâu này chưa được coi trọng đúng mức. Tôi nhấn mạnh rằng những mặt hàng tiếp xúc trực tiếp với trẻ cần được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận mới đủ điều kiện ra thị trường”.

Theo tìm hiểu của PV báo Nông nghiệp Việt Nam, kho hàng của ông Công và vợ là bà Thư vẫn tồn tại ở số 26-LK16, Khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông. Nơi này vẫn tiếp tục bán các mặt hàng thương hiệu Emma Kids.

Có thể xử lý hình sự

“Việc không có tem phụ hoặc các loại tem bằng tiếng Việt chứng tỏ sản phẩm Emma kids chưa qua khâu kiểm định chất lượng nào. Trong quá trình điều tra, nếu xác định tổ chức, cá nhân phạm tội buôn lậu, bán hàng lậu, căn cứ Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015, án phạt cao nhất là 20 năm tù giam. Nếu xác định tổ chức, cá nhân phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả, căn cứ Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài việc bị xử phạt tù, cả hai loại tội phạm này đều có các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào trường hợp cụ thể”, Luật sư Nguyễn Minh Khôi, đại diện Công ty Luật Đăng Minh cho biết.

Ông Khôi cũng xác nhận với PV rằng tại Việt Nam, không có công ty nào tên Emmakids – nơi được chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm là “Nhập khẩu và phân phối” tại thị trường Việt Nam. “Trên vỏ bao bì sản phẩm ghi toàn chữ Trung Quốc và không có tem phụ. Điều này dễ dẫn đến suy nghĩ rằng những sản phẩm này được nhập lậu về Việt Nam. Dù vậy, cũng không loại trừ khả năng chúng được làm giả trong nước để đánh vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân”, ông suy luận.

Hình ảnh được cắt từ clip.

Hình ảnh được cắt từ clip.

Qua tìm hiểu, PV thấy mẫu mã của các sản phẩm Emma như cọ bình sữa, túi nhai ăn dặm… rất giống với các sản phẩm của thương hiệu AAG. Khi bóc lần lượt từng sản phẩm của Emma và AAG ra so sánh, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được. Điểm khác biệt duy nhất, chỉ là một sản phẩm đính logo Emma, còn sản phẩm còn lại là AAG.

Thương hiệu AAG vốn được khai sinh từ Hàn Quốc, có nhiều năm uy tín và được ưa chuộng tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Trong khi đó, khi tra thương hiệu Emma trên các trang web thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc như Taobao, Tmall hay Pinduoduo, PV không tìm thấy sản phẩm nào.

Tại Việt Nam, AAG được nhập khẩu, phân phối chính hãng và chịu trách nhiệm chất lượng bởi Công ty TNHH Sản xuất thương mại & Xuất nhập khẩu TLT Việt Nam. Các sản phẩm của AAG có tem phụ rõ ràng, ghi chính xác, đầy đủ những thông tin về xuất xứ như công ty sản xuất, địa chỉ sản xuất bên Trung Quốc, và công ty phân phối tại Trung Quốc. Ngược lại, Emma không có gì.

“Việc không có tem phụ hoặc các loại tem bằng tiếng Việt chứng tỏ sản phẩm Emma chưa qua khâu kiểm định chất lượng nào. Trong quá trình điều tra, nếu xác định tổ chức, cá nhân phạm tội buôn lậu, bán hàng lậu, căn cứ Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015, án phạt cao nhất là 20 năm tù giam. Nếu xác định tổ chức, cá nhân phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả, căn cứ Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài việc bị xử phạt tù, cả hai loại tội phạm này đều có các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tuỳ vào trường hợp cụ thể”, Luật sư Khôi tư vấn.

Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị sản xuất mẫu mã mang thương hiệu Emma Kids tại Trung Quốc đã có thư xin lỗi gửi Cty AAG về việc "làm nhái" sản phẩm.

Về những vấn đề trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ song UBND quận Hà Đông và Đội Quản lý thị trường số 26 vẫn im lặng. Không biết phải có bao nhiêu đứa trẻ gặp hiểm nguy, bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh đau khổ, thì các cơ quan công quyền mới vào cuộc?

Tịch thu tang vật hoặc buộc tiêu hủy

Trong trường hợp những sản phẩm chưa được kiểm định này gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, điều rất dễ xảy ra, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể chịu thêm các tình tiết tăng nặng ở Điều 317 hoặc Điều 193 Bộ Luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân này phải đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng vì buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Trên cơ sở ban đầu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, nếu tổng giá trị hàng hóa vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt đến 50 triệu đồng, tịch thu tang vật hoặc buộc tiêu hủy, căn cứ theo các quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.