| Hotline: 0983.970.780

Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTTNT với ‘Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh’

Thứ Năm 14/12/2023 , 10:08 (GMT+7)

Tại Lễ ra quân, Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT đã trồng 2.000 cây xanh tập trung trên diện tích 2ha tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (xã Hoàng Liên, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai).

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Đoàn thanh niên của Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với Thị đoàn Sapa, Vườn quốc gia Hoàng Liên tổ chức Lễ ra quân thực hiện công trình thanh niên trồng cây bảo vệ môi trường.

Khát vọng tuổi trẻ gắn với trồng cây xanh bảo vệ môi trường

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT nhằm hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Chương trình này nhằm cải thiện các chỉ số môi trường, phục hồi chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước sẽ trồng đạt 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT phát huy vai trò trách nhiệm trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường. Ảnh: Thảo Phương.

Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT phát huy vai trò trách nhiệm trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường. Ảnh: Thảo Phương.

Tại lễ phát động, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT Nguyễn Văn Trường chia sẻ, nhằm phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát huy vai trò của Đoàn viên thanh niên, tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, nâng cao trách nhiệm trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng, Đoàn Thanh niên Bộ cần đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh thiết thực, hiệu quả.

Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, nằm ở độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt biển, phía Tây Bắc dãy núi Hoàng Liên. Tổng diện tích phần lõi của vườn gồm 29.845ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 11.875ha, phân khu phục hồi sinh thái chiếm 17.900ha và phân khu dịch vụ hành chính gồm 70ha.

Đoàn viên Thanh niên của Bộ NN-PTNT hào hứng trồng cây tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Thảo Phương.

Đoàn viên Thanh niên của Bộ NN-PTNT hào hứng trồng cây tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Thảo Phương.

Với diện tích rừng tự nhiên có nhiều tầng tán, độ tán che lớn, rừng quốc gia Hoàng Liên đã đem lại giá trị phòng hộ đầu nguồn xung yếu của lưu vực sông Hồng và sông Đà, từ đó cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ lưu.

Tại lễ phát động, Đoàn Thanh niên của Bộ NN-PTNT cùng với các đơn vị đã trồng 2.000 cây xanh trên 2ha rừng phòng hộ tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh

Tại Lễ phát động, Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT đã trồng 2/000 cây trồng tập trung trên diện tích 2ha rừng phòng hộ Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Thảo Phương.

Tại Lễ phát động, Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT đã trồng 2/000 cây trồng tập trung trên diện tích 2ha rừng phòng hộ Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Thảo Phương.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, cần rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng; đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh...

Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Điều này, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.