Ngư dân Tin Yusos cùng vợ và cháu lênh đênh trên con thuyền cũng là nhà của họ, trên dòng Tonle Sap trong tâm trạng thấp thỏm vì lo bữa ăn hôm nay sẽ y chang ngày hôm trước. Sông Mekong đã cạn nguồn thủy sản.
Thực ra thì gia đình anh vẫn có kế hoạch sẽ ra song ở một khu vực khác, cũng trên dòng Tonle Sap, nhưng hy vọng chẳng có nhiều. “Làm gì còn cá lớn, trước đây anh có thể đánh được 30kg cá mỗi ngày, giờ có khi chỉ là 1kg, bán đi được 15.000 riel, tương đương 3,69 USD”, Yusos than vãn.
Các chuyên gia cho rằng, tình cảnh tương tự trên dòng Mekong là do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước sông sụt giảm, nạn khai thác cát, phá rừng, mở đập thủy điện tràn lan, đã đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân.
Dòng Mekong thường đầy nước vào mùa mưa, đẩy nước hợp vào dòng Tonle Sap và chảy ngược vào Biển Hồ. Đó cũng là thời điểm trên dòng chính Mekong có nguồn cá dồi dào.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều lúc Mekong không còn đủ nước để đẩy vào hồ Tonle Sap, mà nguyên nhân bị “đổ tội” cho hạn hán và thêm nữa là nước bị giữ lại ở các thủy điện ở thượng dòng.
Marc Goichot, chuyên gia về dòng chảy của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thì nhất quyết rằng, các đập thủy điện và khai thác tài nguyên khoáng trên lưu vực đã tác động đến sinh kế của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản.
“Về cơ bản, cả hệ thống chảy của sông đang chịu sức ép và biến đổi, chúng ta phải nhìn ra nguyên nhân cốt lõi hòng có thể khởi động các quy trình kéo đàn cá trở lại”, Goichot nói.
Mekong dài 4.350km đã trở thành một vấn đề địa chính trị dọc dòng chảy của nó, và dù có chứng cứ khoa học nào được trưng ra thì 11 đập thủy điện ở thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc cũng đóng vai trò vào tác động đến dòng chảy của một trong những con sông lớn nhất thế giới này.
Trong khi chờ WWF có khuyến nghị gì, và quan trọng hơn là các quốc gia thượng nguồn có quyết sách nào, Yusos hay gia đình của Ly Safi - một ngư dân khác chẳng còn biết làm gì hơn là trông chờ vào may rủi mỗi lần đưa thuyền giăng lưới.
“Có ai đấy đã tiết kiệm được chút tiền giắt lưng, họ có thể đi kiếm việc khác, còn tôi thì bế tắc”, Safi than thở. Từ đầu năm 2021 đến giờ, chưa năm nào tình cảnh khó khăn đến vậy. Safi ngán ngẩm khi nghĩ về tương lai.
Rõ ràng, trong trước mắt, đập thủy điện vẫn được nhắc đến như là nguyên nhân chính gây ra những hệ quả tiêu cực với dòng Mekong. Lưu thủy biến động bất thường, khô hạn bất thuận quy luật, nguồn lợi thủy sản giảm mạnh dần đều và hứng chịu là người dân. Các lớp trầm tích làm phong phú cho hệ sinh thái động vật dòng Mekong đã biến đổi theo hướng tiêu cực.
Xayaburi (thuộc Lào) là con đập lớn mới nhất ghi danh mình trên dòng Mekong, là dấu ấn làm cho con sông sẽ mãi mãi đối mặt với tương lai bất định.
“Nếu dùng thuật ngữ trong môn quyền anh, Mekong đã hứng chịu nhiều cú đấm trời giáng, còn xét về chất lượng nguồn nước, hẳn nó đã dính cú nốc ao”, Montri Chantawong - chuyên gia từ Quỹ Khuyến Y Thái Lan nhận xét. Nhưng làm sao được khi các quốc gia dọc dòng Mekong vẫn nhìn thấy các nguồn lợi lớn từ phát triển thủy điện.
“Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng dự án quá ấn tượng”, quyền Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo của Lào chia sẻ tại thời điểm đập thủy điện Xayaburi đi vào vận hành tháng 10 năm ngoái.
Khó ai nói ông Phonekeo sai lầm, bởi nhìn về trước đó hơn 1 thập niên trước khi Xayaburi được khởi công, rất nhiều vùng dân tại Lào không có điện. Chỉ nhờ con đập này, 94% dân số Lào được đảm bảo điện năng.
Còn nhìn từ góc độ khác, tham vọng của Lào nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng không chỉ cho quốc gia này có thể đã đổi bằng tác động đến sức khỏe lâu bền của dòng sông.
Chỉ vài tuần sau khi Xayaburi vận hành, cư dân bản địa đã nói màu của Mekong biến đổi. Tại Nong Khai (Thái Lan), tốc độ dòng chảy chậm hẳn khiến nước song phản chiếu sắc màu bất thường.
Thậm chí, có khách du lịch đến điểm nào đó bên bờ Mekong chỉ để quan sát sự biến đổi dòng chảy và màu của nó.
“Nước sông trong hẳn lên và cảm giác không có cặn, một số chỗ có màu xanh lam như nước biển, thậm chí còn phản chiếu nền trời”, Chantawong kể lại rồi khẳng định những cư dân dọc sông mà ông gặp đều khẳng định đó là hiện tượng chưa bao giờ họ bắt gặp.
Nước chảy chậm và trong xanh là hệ quả của dòng chảy bị kìm lại, theo các chuyên gia về thủy lợi. “Nước trong rõ ràng là đói phù sa. Rồi tốc độ xói mòn sẽ tác động đến cả hai bờ. Thông thường, màu nước nâu của Mekong phản ánh sự bão hòa của các trầm tích lơ lửng, ít gây tác động đến đôi bờ song hơn. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng khi Mekong tiếp tục chảy về Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam”, tiến sĩ So Nam - Chủ nhiệm bộ phận Môi trường thuộc Ủy ban Sông Mekong nhận xét.
Tại Thái Lan, ngư dân Boonme Dejsuthi nói rằng vài năm vừa qua là thời điểm khó khăn nhất trong 54 năm cuộc đời của ông. Bờ bên kia thuộc lãnh thổ Lào, bên đấy các ống hút đang ngày đêm miệt mài “ăn” cát từ lòng sông. Rồi con đập Xayaburi cộng hưởng đã làm thu nhập của ông thiệt hại 6.500 USD so với trước đó.
“Trước khi có đập, tốc độ lưu thủy thuận theo tự nhiên, ai cũng quen, giờ thì nó thất thường, nhanh khi đập xả nước, lúc đó cá bị sốc”, Dejsuthi chia sẻ. Ngoài cá, người dân có thể trồng màu, nhưng nước xả thì rau màu cũng bị trôi sạch. “Lần tới anh có đến, có khi tôi còn chẳng ở đây nữa, tôi không biết còn đủ sức chống chọi đến lúc nào”, Dejsuthi nói với báo CNA.
Đến nay, Ủy ban Sông Mekong vẫn chưa có tuyên bố chỉ trích đích danh đập thủy điện Xayaburi dù đã thừa nhận đập “ảnh hương tiêu cực đến hệ sinh thái sông”. Nhưng lúc này, một siêu đập lớn khác đang được Lào lập phương án xây dựng cách trung tâm tỉnh Luang Prabang 30km về phía bắc. “Du khách sẽ đến thăm, khách sạn mọc lên, họ đến và ai cũng vui vẻ”, một chủ thuyền hồ hởi. Trước mắt, hiếm ai không nghĩ vậy, nhưng lâu bền, sẽ không ít người nghĩ khác.
Mực nước sông Mekong chảy ra thủ đô Vientiane (Lào) sẽ giảm 50% trong 40 năm tới, nguyên nhân thì có nhiều theo Ủy ban Sông Mekong (MRC). Tổn thất các mặt đến kinh tế Lào sẽ ở mức 60 - 70 triệu USD/năm. Với các quốc gia thành viên MRC, tổng thiệt hại có thể ở mức 615 triệu USD/năm tính từ năm 2030, theo Quỹ Viện trợ Hoa Kỳ.