| Hotline: 0983.970.780

Đời cười & Cười đời - Câu chuyện thứ nhất: Sếp có bí quyết trẻ lâu

Thứ Hai 10/04/2023 , 08:40 (GMT+7)

Trào phúng là một thể loại đặc biệt, dung hòa giữa văn chương và báo chí. Trào phúng cần ngôn ngữ dí dỏm và tình huống hài hước để mang lại tiếng cười...

LTS: Trào phúng là một thể loại đặc biệt, dung hòa giữa văn chương và báo chí. Trào phúng cần ngôn ngữ dí dỏm và tình huống hài hước để mang lại tiếng cười cho độc giả. Trào phúng để thư giãn chốc lát và trào phúng cũng để suy ngẫm nhẹ nhàng. Hiện nay, công chúng chỉ thấy danh hài trên game show, mà lại vắng bóng trào phúng trên truyền thông. Chuyên mục “Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt” xin giới thiệu một số tác phẩm trào phúng “Đời cười & Cười đời”.

HS-Cận-2

Tranh biếm của Cận.

Sếp quá trẻ! Sếp luôn luôn trẻ! Nhân viên nào cũng trầm trồ như vậy, mà không hề có chút hơi hám xu nịnh nào. Sếp đúng là mẫu người thành đạt. Mũi lân mắt phượng, dáng đường bệ oai hùng. Không chỉ cấp dưới tự hào về sếp, mà bà con thân thích cũng tự hào về sếp.

Cái sự trẻ của sếp không chỉ nhờ tẩm bổ thường xuyên, vì có món ngon vật lạ nào mà sếp không từng nhúng đũa thưởng thức chê ngọt khen béo đâu. Cái sự trẻ của sếp xoáy vào tâm trí người ta là vì chờ mãi không thấy sếp về hưu. Nhìn vào hồ sơ cán bộ thì luôn thấy sếp thừa năm thừa tháng để tiếp tục lãnh đạo cơ quan. Sếp có bí quyết gì chăng?

Thực ra, khi sếp chuẩn bị bước vào tuổi nghỉ hưu thì sếp cũng trăn trở lắm. Mình đang cường tráng, mình đang minh mẫn mà rời khỏi nhiệm sở thì lấy ai lèo lái đưa tập thể tiến lên tương lai tươi sáng! Sếp thương cho thế hệ sau chưa kịp cứng cáp để đảm đương công việc thay mình. Hơn nữa, vợ của sếp trẻ hơn chồng đến 13 tuổi. Vợ đang hồi xuân mơn mởn, mà sếp tham gia câu lạc bộ cao niên thì khó coi lắm! Tội nghiệp vợ, sếp phải tìm cách nâng đỡ tinh thần cho vợ mỗi ngày thêm hưng phấn đi dạo siêu thị tha hồ mua sắm xa xỉ phẩm nhập khẩu chính ngạch chứ.

Đã gọi là sếp, thì xung quanh thiếu gì thuộc hạ. Các mưu sĩ mặt dơi tai chuột sau bao đêm miệt mài tính toán mưu ma chước quỷ, đã tư vấn cho sếp: “Anh chỉ cần sửa năm sinh, là xong!”. Ban đầu sếp gạt đi: “Làm người, ai lại làm thế!”, nhưng rồi sếp nghĩ kỹ hơn: “Không làm thế, ai lại làm người!”.

Năm sinh chỉ là trò chơi con số trên tờ giấy mỏng manh. Số 48 sửa thành số 53, đơn giản như đang giỡn. Ôi, một cái nét điều chỉnh mà mở ra một chân trời bao la vời vợi. Vậy là sếp đắc cử nhiệm kỳ nữa. Bản lĩnh như sếp thì nắm quyền càng lâu càng ích nước lợi nhà. Cánh hẩu sếp bảo vậy, mà vợ của sếp cũng bảo vậy.

Dòng tộc của sếp xưa nay vốn hãnh diện về sếp, thì càng ngày càng hãnh diện về sếp. Phải tài tình xuất chúng thì mới được làm lãnh đạo dài hạn chứ. Riêng gia đình của sếp thì có vướng mắc nho nhỏ. Sếp là con cả, sau sếp còn hai em trai. Nói về vai trò người đi trước, thì sự uy quyền tột bậc của sếp quá xứng đáng để làm gương.

Thế nhưng, người em kề sếp vốn nhỏ hơn sếp 3 tuổi, bỗng dưng lại sinh trước sếp đến 2 năm. Làm sao đây? Xưng hô kiểu gì cho hợp lý? Chuyện vặt, vấn đề là cái ghế, vấn đề là cái chức. Sinh trước hay sinh sau, cũng chả có gì quan trọng. Sếp vỗ vai người em vừa thắc mắc cao thấp huynh đệ: “Chú về hưu trước, từ nay chú là anh của tôi. Từ nay chú là con cả trong nhà, còn tôi là con thứ trong nhà”.

Nhiệm kỳ 5 năm vèo qua. Ứng viên muốn ngồi vào vị trí của sếp đang hào hứng đếm từng ngày từng giờ, thì sếp chìa ra giấy khai sinh mới: số 53 đã sửa lại thành số 58. Bọn có ý đồ xấu với sếp phải tiu nghỉu diện mạo thất trận não nề. Sếp đắc ý ăn mừng cùng các mưu sĩ mặt dơi tai chuột. Nhiệm kỳ nữa, đủ để cánh hẩu của sếp tung hoành ngang dọc, và đủ để vợ sếp hớn hở đón nhận những món quà be bé cất giấu khiêm nhường trong những cái phong bì xinh xinh!

Sếp chưa về hưu, sếp trẻ quá. Cái dáng đi của sếp vẫn oai phong lẫm liệt mỗi bận về quê thăm viếng chòm xóm. Thân nhân nào mà chẳng mừng cho sếp tiếp tục phi triển năng lực siêu phàm giúp bao nhiêu người an cư lạc nghiệp. Riêng cậu em út của sếp hơi ái ngại, vì vốn sinh sau sếp 6 năm mà bây giờ bỗng lớn hơn sếp 4 tuổi.

Cậu em út cứ ấp úng rồi cũng đánh bạo bày tỏ sự khó xử với sếp. Sếp trợn tròn mắt: Ơ hay, cái chú này ở quê lâu quá, thật thà đâm ra lẩn thẩn. Chuyện vặt, vấn đề là cái ghế, vấn đề là cái chức. Sinh trước hay sinh sau, cũng chả có gì quan trọng. Rất ung dung, sếp vỗ vai người em ruột thịt thuở nào mình bồng bế rong chơi đầu thôn cuối làng: “Chú về hưu trước, từ nay chú là anh của tôi. Từ nay chú là con thứ trong nhà, còn tôi là con út trong nhà”.

Nhiệm kỳ 5 năm nữa lại vèo qua. Chả lẽ sếp lại về hưu thật ư? Dẫu lưng sếp đã còng hơn một chút, dẫu mắt sếp đã mờ hơn một chút, nhưng sức khỏe vẫn vô cùng đảm bảo để đương đầu với mọi thách thức mà một người lãnh đạo chân chính uy nghiêm phải gồng gánh. Sếp đã tiễn bao nhiêu cấp phó về hưu, không lẽ ngày nay lại chịu để cho cấp phó tiễn mình về hưu?

Sếp không cam lòng. Cơ quan còn bộn bề lắm, nhiều việc không có bàn tay của sếp thì sẽ hư hỏng hết. Không thể được, cơ ngơi do sếp tạo dựng, thì sếp phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Số 48 sửa thành số 53 cũng trót lọt, rồi số 53 sửa thành số 58 cũng ngon lành, thì tại sao số 58 không thể sửa thành số 63 chứ? Sếp đã quyết tâm thì sếp phải thực hiện đến nơi đến chốn.

Sếp lại trẻ thêm với tờ khai sinh mới. Sếp hí hửng khoe với vợ, để vợ yên tâm rằng với một nhiệm kỳ nữa thì sếp sẽ lo chu đáo cho hai đứa con ngọc ngà châu báu. Chắc chắn mỗi đứa con của sếp sẽ được đặt vào một chỗ làm béo bở, và tương lai cũng sẽ được bổ nhiệm đúng quy trình.

Vợ của sếp nhìn năm sinh 63 của chồng không chớp mắt, hồi lâu tru lên thống thiết: “Tui cưới ông năm tui 18 tuổi. Bây giờ ông lại nhỏ hơn tui 2 tuổi. Nghĩa là tui đã kết duyên với trẻ vị thành niên. Phen này tui sẽ bị truy tố vì vi phạm Luật hôn nhân gia đình. Hu hu hu… Ghế ơi là ghế! Hu hu hu… Chức ơi là chức! Hu hu hu… Chồng ơi là chồng! Hu hu hu… Trời ơi là trời!”.     

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị

Nguyên tắc thị trường là phải tiếp thị, không tiếp thị hoặc tiếp thị không đúng sẽ giới hạn không gian đối tượng tiêu dùng.

Bí kíp của tỷ phú thanh trà ngọt Năm Cập

Vĩnh Long Hơn 1 thập kỷ nghiên cứu, ông Huỳnh Văn Cập đã tìm ra cách để cây thanh trà ngọt tăng khả năng ra hoa đậu trái, không còn phụ thuộc vào thời tiết.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.