| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ tôm, cua, cá

Thứ Bảy 19/11/2022 , 09:27 (GMT+7)

Mô hình nuôi tôm, cua, cá trên cùng đơn vị diện tích đang được bà con nông dân xã Xuân Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) áp dụng khá thành công.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Văn Bốn nằm ở thôn Bái Hà Xuân (xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vừa được xây cất cách đây không lâu.

Gia tài của gia đình ông có được phần lớn nhờ vào thu nhập từ ao đầm. Kể từ khi có thu nhập bằng việc nuôi trồng thủy sản theo hướng quảng canh, con cái ông được học hành tử tế, có công việc và thu nhập ổn định.

Đầu những năm 1990, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của đồng đất địa phương trong việc nuôi trồng thủy sản thay vì canh tác lúa đơn thuần, ông Bốn đã cùng vợ thuê thầu một phần đất của xã, cải tạo ao đầm, chuyển đổi vật nuôi, nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ tính kiên nhẫn, chịu khó, chịu khổ, mô hình nuôi tôm, cua, cá kết hợp của gia đình ông từng bước phát huy hiệu quả, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ, trong những năm đầu tiên triển khai thực hiện. Nhờ cách làm hiệu quả, sản phẩm thủy sản của gia đình ông sau khi khai thác được thương lái bao tiêu với giá cao. 

Đến nay, với 5 ha ao đầm nuôi xen canh tôm, cua, cá, hằng năm  mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Bốn cho thu nhập khoảng 200 đến 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nguồn thu này gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác cùng trên đơn vị diện tích. Nhờ sự nhạy bén trong tư duy sản xuất bằng việc mạnh dạn mở ra lối đi riêng, nên kinh tế gia đình ông đã trở nên khá giả. 

“Trồng lúa như trước đây chỉ đủ ăn, đó là chưa nói tới chuyện mất mùa. Nhưng từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp thả cua, cá, nguồn thu tăng gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Nếu thời tiết, khí hậu thuận lợi và ít dịch bệnh, thì người dân có thể sống khỏe từ mô hình này”, ông Bốn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bốn. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Bốn. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Bốn chia sẻ thêm, mô hình nuôi xen canh thủy sản khác hẳn với nuôi công nghệ cao. Các loại thủy sản nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Thức ăn chủ yếu dùng cho nuôi trồng thủy theo hướng quảng canh sản là cá, tôm, bột ngô xay nhuyễn.

Quá trình nuôi đặc biệt lưu ý, các loài thủy sản nuôi kết hợp thường dễ nhiễm bệnh vào vụ xuân - hè. Do đó, cần chú ý tới việc thay nước, vệ sinh ao nuôi sạch sẽ.

Theo bà con xã Xuân Lộc, mô hình sản xuất kết hợp cua, cá, tôm có vốn đầu tư thấp, phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nguồn lực đất đai tại địa phương. Thủy sản khi thu hoạch đảm bảo yêu cầu về chất lượng, được thương lái bao tiêu và dễ tiêu thụ trên thị trường.

Khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Lộc. Ảnh: Quốc Toản. 

Khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Lộc. Ảnh: Quốc Toản. 

Tuy nhiên, hình thức nuôi xen canh các loại thủy sản theo hướng quảng canh cũng bộc lộ nhiều hạn chế vì sản lượng và giá trị sản xuất phụ thuộc vào thời tiết từng vụ, từng năm.

“Nếu thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của các loài thủy sản thì người dân có thu nhập cao. Ngược lại, nếu dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt thì người nông dân có thể mất trắng cả ao nuôi. Có hộ gia đình thả giống tới vài ba lần nhưng vẫn thất thu. Ngược lại, có gia đình chỉ thả một lần đã cho sản lượng, thu nhập khá cao”, bà Đinh Thị Xuyến (thôn Bái Hà Xuân) cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Lộc cho biết, nhiều hộ dân trong xã vẫn chưa dám đầu tư mở rộng sản xuất các mô hình nuôi trồng thủy sản do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và tâm lý sợ rủi ro khi đầu tư.

Theo UBND xã Xuân Lộc, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt khoảng 370 tấn (trong đó nuôi trồng đạt 340 tấn; khai thác đạt 30 tấn); giá trị sản xuất đạt hơn 8,5 tỷ đồng.

Trên địa bàn toàn xã hiện nay có 60 hộ dân nuôi trồng thủy sản xen canh trên diện tích 160 ha (60 ha nước ngọt nuôi cá, lúa và 100 ha nước lợ nuôi tôm, cua, cá).

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, thực tiễn chứng minh mô hình nuôi trồng thủy sản xen canh hiện đang rất thành công và góp phần cải thiện và nâng cao thu thu nhập cho nông dân tại xã Xuân Lộc.

Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.