| Hotline: 0983.970.780

Đối phó Covid-19: Được gì khi thêm một buổi học cũng thêm một nỗi lo?

Thứ Bảy 22/02/2020 , 10:32 (GMT+7)

Khi nào Chính phủ chưa tuyên bố hết dịch trên toàn quốc, thì cánh cổng trường học cũng đầy phập phồng và hành động của các đơn vị giáo dục đều “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo nhận định của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) thì trong tháng 3/2020 có thể xuất hiện ca bệnh mới, dù thời tiết đang ấm dần lên sẽ khiến độc lực của virus corona giảm xuống. Dự đoán ấy, đối với đại dịch chưa tìm được vắc-xin hữu hiệu, thì vẫn là một cảnh tỉnh đáng suy xét.

Trong bối cảnh ấy, ngày 20/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, để kiến nghị: Chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 3/2020, điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020, dời kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đến cuối tháng 7/2020.

Văn bản kiến nghị của UBND TPHCM.

Văn bản kiến nghị của UBND TPHCM.

Cơ sở nào để chính quyền đô thị lớn nhất phương Nam đề xuất ý tưởng như vậy? Văn bản nêu rõ: Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới. Với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khoẻ cho học sinh luôn phải đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Bài liên quan

Chưa có phản hồi từ 3 địa chỉ nhận được văn bản của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Thế nhưng, ngày 21/2, Thử trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trong cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đánh giá việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 tại Hà Nội, đã phát biểu: “Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục”.

Có vẻ dứt khoác hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học trực thuộc bộ chuẩn bị các phương án để đón sinh viên học lại từ ngày 1/3.

Để chuẩn bị cho việc học lại, Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường vệ sinh, khử trùng tất cả các giảng đường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền khuyến khích sinh viên đeo khẩu trang vào giảng đường. Nghĩa là 13 trường thuộc Bộ Y tế sẽ nhập học sớm hơn các trường khác, bao gồm: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM, Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Trường Đại học Y dược Thái Bình, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Đại học điều dưỡng Nam Định, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng.

Khi không có quyết định từ cấp cao nhất, thì chuyện học mùa đại dịch vẫn tạo ra những ý kiến khác nhau ở các đơn vị thực hiện. Dĩ nhiên, sinh viên ngành Y có phương pháp sử dụng khẩu trang cũng như những phương pháp ngăn chặn virus corona hữu hiệu, nhưng các trường khác thì sao? Nhất là đối với những học sinh nhỏ tuổi ở bậc tiểu học và mầm non, ai dám đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc nào khi đại dịch chưa khống chế hoàn toàn?

ĐH Y Dược TPHCM có học lại, giữa hai ý kiến trái chiều của UBND TPHCM và Bộ Y tế?

ĐH Y Dược TPHCM có học lại, giữa hai ý kiến trái chiều của UBND TPHCM và Bộ Y tế?

Dù vậy, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: “Qua tìm hiểu nguyện vọng của đại bộ phận giáo viên, phụ huynh học sinh, chúng ta quyết định cho sinh viên, học sinh ở Hà Nội nghỉ đến ngày 1/3. Ngày 2/3, chuẩn bị mọi điều kiện vật chất cho các cháu đi học trở lại. Chúng ta không phải vùng có dịch. Mục tiêu số một là đảm bảo sức khỏe cho học sinh trên địa bàn Thủ đô, không để lây nhiễm chéo”.

Các địa phương trên cả nước hầu như luôn trông chờ vào động thái của Hà Nội và TPHCM để phản ứng theo. Khi Hà Nội quyết cho học sinh trở lại trường ngày đầu tháng 3/2020, còn TPHCM mong muốn cho học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 3/2020, thì mỗi tỉnh sẽ loay hoay với những băn khoăn riêng.

Nhà giáo Hoàng Trọng Muôn ở Hà Nam, chia sẻ: “Mặc dù nói là nghỉ học, nhưng trên thực tế chỉ có các em mầm non và tiểu học là có thể quản lí ở nhà được. Chứ các vùng quê, bố mẹ làm công nhân cả ngày, những trẻ lớn tuổi cấp trung học vẫn tụ tập đi chơi, đến các nơi lễ hội đông đúc, chụp ảnh, khoe ảnh nhưng giáo viên chúng tôi không thể cấm đoán, chỉ nhắc nhở chứ không thể quản lí được khi các em không đến trường. Mà việc đó thực sự còn dễ lây bệnh và nguy hiểm hơn khi được quản lí ở trường. Vì thế nếu có nghỉ học cũng nên tách thành hai bộ phận trẻ lớn tuổi từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và trẻ nhỏ tuổi cấp tiểu học, mầm non để quản lí.

Với trẻ lớn tuổi, đi học đeo khẩu trang, nhà trường quản lí và yêu cầu rửa tay sát khuẩn ở trường an toàn hơn cho nghỉ ở nhà mà không kiểm soát được. Chúng ta không chủ quan trước dịch bệnh nhưng thầy cô giáo nói thì học sinh còn sợ và nghe lời hơn bố mẹ ở nhà. Hơn nữa dịch bệnh cũng đã qua đỉnh điểm và đang có những dâu hiệu rất tích cực, nếu cứ nghỉ học hết tháng 3 và có thể sẽ nghỉ tiếp nếu còn dịch thì những học sinh lớn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội việc làm, cơ hội khác nữa, kể cả cơ hội phòng dịch an toàn.

Thời tiết nắng và nhiệt độ cao như TPHCM thì Covid-19 đã không có môi trường để tồn tại, nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Các tỉnh miền Bắc cũng đang bắt đầu nắng ấm lên rồi, nên việc phòng dịch cũng sẽ thuận lợi hơn”.

Qua trao đổi nhanh với chúng tôi, nhiều giáo sư thâm niên tại TPHCM và Hà Nội đều trình bày sự ái ngại trước diễn biến khó lường của Covid-19. Khi nào Chính phủ chưa tuyên bố hết dịch trên phạm vi toàn quốc, thì cánh cổng trường học cũng đầy phập phồng và hành động của các đơn vị giáo dục đều “tiến thoái lưỡng nan”.

Thêm một buổi học mà thêm một nỗi lo, thì chất lượng sư phạm không thể có thước đo nào chính xác.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.