Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Tiền Giang, địa phương đang tập trung đối phó với dịch bệnh trên tôm nuôi, hạn chế thiệt hại đồng thời khôi phục sản xuất tại các vùng nuôi tập trung ven biển Gò Công.
Trước mắt, Chi cục Thủy sản cùng các ngành hữu quan tăng cường giám sát dịch tễ, theo dõi tìm hiểu và xác định các tác nhân gây bệnh cũng như định bệnh một cách chính xác, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu. Chi cục cũng khuyến cáo bà con tại các vùng nuôi tập trung: Nam và Bắc Gò Công, Tân Phú Đông... trong trường hợp đã bị thiệt hại cần xử lý diệt mầm bệnh một cách triệt để trước khi tái thả con giống lấp vụ, cải tạo ao đầm kỹ lưỡng, có thời gian cắt vụ từ 15 đến 20 ngày sau khi cải tạo...
Nếu có điều kiện, nên chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao vừa bị thiệt hại giúp khắc phục tác nhân gây bệnh vừa đảm bảo lịch thời vụ thời gian tới. Khi thả nuôi lấp vụ cũng cần quan tâm thả giống mật độ thưa: dưới 25 con/m2 đối với tôm sú và dưới 80 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình nuôi, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tễ để nếu có bất trắc báo ngay ngành chức năng kịp thời xử lý, khoanh vùng dập dịch.
Trong vụ nuôi 2011, toàn tỉnh đã thả 1.182 ha tôm sú dạng bán thâm canh và thâm canh, trên 620 ha tôm thẻ và 1.686 ha tôm sú dạng quảng canh. Theo ghi nhận của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Tiền Giang, toàn vùng nuôi đã có 321 ha tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh chết, thiệt hại gần 159 triệu con giống, chiếm 17,78% tổng diện tích, trên 310 ha tôm nuôi quảng canh bị thiệt hại, chiếm 18,4% tổng diện tích, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.