| Hotline: 0983.970.780

Đội tàu sát thủ đại dương: Sự hậu thuẫn hào phóng từ Chính phủ Trung Quốc

Thứ Hai 18/10/2021 , 12:56 (GMT+7)

Một trong những công ty sở hữu đội tàu lớn bậc nhất Trung Quốc, Pingtan Marine được Chính phủ hậu thuẫn, cả về vốn, trang thiết bị, lẫn chính sách điều hành.

Trẻ em xem màn hình lớn giới thiệu về mực tại bảng tàng ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang. Chu Sơn cũng là nơi có đội tàu đánh bắt đại dương lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trẻ em xem màn hình lớn giới thiệu về mực tại bảng tàng ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang. Chu Sơn cũng là nơi có đội tàu đánh bắt đại dương lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: AP.

Theo điều tra của Hãng tin AP, các công ty tổ chức đội tàu khai thác hải sản ngoài đại dương đều có sự hậu thuẫn từ Chính phủ Trung Quốc. Tiêu biểu là Tập đoàn Pingtan Marine và các công ty con. Họ sở hữu đội tàu lớn thứ nhì tại đất nước tỷ dân, đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến lớn nhất đất nước, và từng đối mặt cáo buộc đánh cá trái phép bởi nhà chức trách nhiều nước như Nam Phi, Đông Timor, Ecuador hay Indonesia.

"Pingtan Marine không phải một công ty đánh cá, thực tế nó là tài sản của chính phủ Trung Quốc", Susi Pudjiastuti, cựu Bộ trưởng Nghề cá Indonesia cho biết.

Tập đoàn này có trụ sở tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chủ tịch kiêm CEO của Pingtan Marine là Zhou Xinrong, được cho là có quan hệ với các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh. Zhou xây dựng nên đế chế kinh doanh nhờ những khoản vay, trợ cấp hào phóng từ nhà nước.

Báo cáo tài chính của Pingtan Marine năm 2019 thông tin, rằng tập đoàn này đang vay 280 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Ngoài ra, chủ nợ của họ đa phần đều là những công ty có vốn nhà nước. 

Một trong các quỹ đầu tư lớn nhất của chính phủ Trung Quốc nắm giữ 8% cổ phần của một công ty con thuộc Pingtan Marine. Trong 9 tháng đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc trợ cấp 29 triệu USD để Pingtan Marine đóng tàu và mua sắm trang thiết bị.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao của Mỹ (C4ADS) tiết lộ hồi năm ngoái, rằng 57 tàu của Pingtan, bao gồm 3 tàu chở hàng lạnh, tất cả đều thuộc sở hữu trực tiếp hoặc thông qua một công ty liên kết, đã được Trung Quốc đăng ký trong vài năm qua để đánh cá ở nam Thái Bình Dương. 

Một công ty con thuộc Pingtan Marine, do vợ của Zhou nắm giữ phần lớn cổ phần, vận hành tàu Fu Yuan Yu Leng 999. Con tàu này bị bắt vào năm 2017, khi đang chuyển tuyến qua khu bảo tồn biển Galapagos và có hơn 6.000 con cá mập chết trên tàu.

Một tàu khác của Pingtan bị AP phát hiện, Fu Yuan Yu 7880, đã bị Nam Phi bắt giữ vào năm 2016 khi cố gắng chạy trốn một tàu tuần tra của hải quân vì nghi ngờ đánh bắt mực trái phép. Các sĩ quan trên tàu bị kết tội sở hữu thiết bị bất hợp pháp và không tuân theo luật hàng hải. Tuy nhiên, nó được thả sau khi chấp nhận nộp phạt.

Một tàu cá khác, mang cờ Panama, Hai Fa, có vốn sở hữu từ một chi nhánh của Pingtan, đã bị bắt giữ năm 2014, với 900 tấn cá đánh bắt bất hợp pháp, bao gồm cả các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, mức án 15.000 USD đưa ra sau đó được dư luận cho là không đủ sức răn đe.

Tàu tiếp nhiên liệu Ocean Ruby đi cùng đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP.

Tàu tiếp nhiên liệu Ocean Ruby đi cùng đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP.

Các nước Nam Mỹ muốn siết chặt công tác quản lý nhưng họ gặp khó khăn bởi đặc điểm địa lý của khu vực biển nơi đây. Bờ biển dài của Chile và Argentina làm cho vùng đặc quyền kinh tế dài hơn 300km của các quốc gia này trở thành một vùng mênh mông rộng lớn, gây tốn kém cho lực lượng hải quân trong việc bảo vệ trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Không những vậy, vùng biển Galapagos, nơi đội tàu Trung Quốc thường đánh bắt, cách quá xa Ecuador. 

Ngoài những bằng chứng về đánh bắt trái phép, đội tàu Trung Quốc còn bị tố về chuyện ngược đãi công nhân trên tàu. Nhà chức trách của nhiều nước Nam Mỹ, cũng như châu Á Thái Bình Dương được thông báo, rằng hiện tượng “đánh tập thể” thường xảy ra. 

Pudjiastuti, cựu Bộ trưởng Nghề cá Indonesia nói với AP, về những cuộc "tra tấn" của đội tàu Trung Quốc. “Càng tìm hiểu nhiều về đội tàu này, bạn càng mất ngủ. Nếu muốn cải thiện tình hình, người dân Nam Mỹ có lẽ nên thức dậy sớm nhất có thể", ông bày tỏ. 

Những vụ bê bối dính líu tới Pingtan Marine đã kéo dài. Họ thậm chí "không trả lời các câu hỏi được truyền thông đưa ra", theo Pudjiastuti. Dù vậy, các nhà đầu tư đã phản ứng, bằng cách bán phá giá cổ phiếu của công ty tại nhiều nơi trên thế giới sau khi thông tin về vụ bê bối của Pingtan nổ ra.

Cách đây vài tháng, Nasdaq đã gửi thông báo cho Pingtan, về việc hủy niêm yết công ty. Giá cổ phiếu của Pingtan bất ổn, sau khi lượng vốn giảm gần 80% trong hai năm qua. Theo AP, giá cổ phiếu Pingtan có thể xuống 1 USD, cộng thêm việc từ chức đột ngột của bộ phận kiểm toán viên độc lập trong công ty khiến nguy cơ bị hủy niêm yết càng dễ xảy ra.

Về phía Pingtan, công ty này cho rằng việc không có bất cứ báo cáo hàng quý nào trong một năm qua là do “điểm yếu nghiêm trọng” khi tuân thủ các thông lệ kế toán tại Mỹ. Dù vậy, họ không có bình luận nào khi chính quyền Mỹ ra lệnh trừng phạt các giám đốc điều hành hàng đầu. Lý do, theo phía Mỹ, là CEO Zhou Xinrong và vợ nằm trong nhóm 15 người bị hủy visa hồi năm 2020 vì tội “đồng lõa” với việc đánh bắt cá trái phép và buôn người . 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.