Người dân chung tay
Trước đây, nói đến những vùng quê khu Đông các huyện Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn... (Bình Định), người ta nghĩ ngay đến những con đường đất nắng bụi, mưa lầy, xa xôi cách trở, đi lại khó khăn. Làng quê là những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xiêu vẹo, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ mỗi mùa mưa bão đến. Ấy vậy mà giờ những vùng đất này đã thay da đổi thịt, ví như xã Nhơn Hạnh, địa phương khu Đông của thị xã An Nhơn, nông thôn mới cũng đã làm thay đổi diện mạo làng quê.
Đi qua những xã nông thôn mới ở Bình Định, chúng tôi biết là để người dân thấu hiểu mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền các địa phương rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi người dân nhận thức được xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích của chính mình, họ sẽ chủ động, tích cực tham gia các phong trào hiến đất, góp công để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Người dân cũng đã phối hợp với hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa giống, đầu tư phát triển chăn nuôi. Khi kinh tế phát triển, việc xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ môi trường ở các khu dân cư cũng thuận lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thái, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn), người dân ở địa phương này xác định xây dựng quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người. Ai có nhiều đóng góp nhiều, người kinh tế khó khăn sẽ đóng góp ngày công, người giàu người nghèo đều đồng lòng chung sức. Bây giờ, đường làng ngõ xóm rộng rãi sạch sẽ, giao thương thuận lợi, sản xuất kinh doanh tốt hơn, đời sống đã nâng lên. Điều ấy chứng tỏ xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Đổi thay toàn diện
Để tạo nền tảng vững vàng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Bình Định còn đẩy mạnh phát triển canh tác nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với liên kết chuỗi, nhằm gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, tỉnh này đã có 217 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao trở lên, trong đó có 177 sản phẩm được chứng nhận 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm hạng tiềm năng 5 sao. Để tạo không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn với sản phẩm OCOP, tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025.
“Kế hoạch này tập trung hỗ trợ, chuyển giao về khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường hoạt động đầu tư, xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường. Việc sản phẩm được chứng nhận OCOP đã tạo động lực cho họ trong sản xuất kinh doanh, có thêm một kênh nhận diện sản phẩm để người tiêu dùng đón nhận”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Bình Định còn đặc biệt quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục... đảm bảo phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực thôn.
Anh Đinh Trường, Trưởng thôn Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) hồ hởi khoe: “Thôn mình thay đổi rất nhiều so với trước, đường làng được mở rộng, bê tông xi măng phẳng lì. Đường làng ban đêm sáng trưng nhờ có điện đường, bà con còn biết trồng hoa trước nhà và dọc các tuyến đường nữa. Nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng mới khang trang, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi tập trung để tiếp nhận kỹ thuật sản xuất mới. Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ cồng chiêng cho thôn, lớp trẻ được truyền dạy kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng để những dịp lễ, tết, dân làng thi, biểu diễn, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Bana”.